Trước sự quan tâm của cộng đồng về việc các cá nhân, nhà hảo tâm làm từ thiện, như trường hợp nữ ca sĩ Thủy Tiên, nhưng lại "vướng" quy định về pháp luật liên quan đến hoạt động này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
PV: Việc nữ ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi được hơn 100 tỉ để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ đang được dư luận hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, nếu căn cứ vào Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…, thì cá nhân như Thủy Tiên lại không được phép. Vậy, theo ông, việc làm của Thủy Tiên có vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức đó sẽ là bên trung gian để kêu gọi, thúc đẩy hoạt động từ thiện diễn ra thuận lợi hơn, quy mô hơn, hiệu quả hơn góp phần đảm bảo nhu cầu về vật chất, tinh thần cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người yếu thế trong xã hội.
Trong hoạt động từ thiện thì xuất phát từ nhu cầu của những người yếu thế, những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, bệnh dịch, hoặc các hoàn cảnh éo le phải khó khăn khác. Khi đó, có rất nhiều người có lòng hảo tâm muốn đóng góp tiền của, công sức, để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đây là vấn đề đạo đức xã hội và pháp luật cũng ghi nhận, đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra đúng mục đích, đúng ý nghĩa.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý thì pháp luật không cấm hoạt động từ thiện |
Tuy nhiên, nếu không có bên thứ ba, bên trung gian đưa ra các thông tin về nhu cầu từ thiện, nhu cầu hỗ trợ và không có người đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản, đứng ra quyên góp tài sản và phân phối tài sản, thì hoạt động tự nguyện tự phát không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp bên trung gian là bên kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiếp nhận tài sản từ thiện để mang chuyển cho người có nhu cầu rất quan trọng, góp phần kết nối, giúp hoạt động từ thiện diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Hoạt động từ thiện có thể được thực hiện thông qua một tổ chức chuyên trách các quỹ từ thiện theo các quy định của pháp luật hoặc có thể là hoạt động tự phát của các tổ chức, cá nhân. Nếu hoạt động từ thiện thường xuyên, chuyên nghiệp, thành lập các quỹ từ thiện thì việc này phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn hoạt động tự nguyện tự phát do cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện không thường xuyên mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc những hoàn cảnh eo le đột suất thì đây là quan hệ dân sự, không phải tuân thủ các quy định đối với các quỹ từ thiện.
Đối với các quỹ từ thiện thì sẽ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định này quy định đối với các Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện:
1. Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
2. Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
3. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
4. Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
5 . Không phân chia tài sản.
Còn đối với hoạt động kêu gọi từ thiện tự phát thành lập một tài khoản để tiếp nhận tiền từ thiện một cách tự phát như ca sĩ Thủy Tiên thì không tuân theo các quy định của pháp luật nêu trên, mà được điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.
PV: 100 tỉ đồng là một số tiền lớn. Vậy nữ ca sĩ Thuỷ Tiên cần làm gì để sử dụng số tiền này đúng pháp luật, thưa ông?
Luật sư Đặng Văn Cường: 100 tỉ đồng đối với cá nhân là số tiền rất lớn, nên quản lý số tiền này phải rất thận trọng để tránh mất mát cũng như tránh gặp nguy hiểm đến bản thân.
Có lẽ Thủy Tiên sẽ có những trợ thủ đắc lực để giúp giữ bảo quản, vận chuyển và bàn giao số tiền này đến với người dân vùng lũ. Trong trường hợp cần thiết thì Thủy Tiên có thể nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện của mình. Tôi tin không ai từ chối yêu cầu giúp đỡ của đoàn từ thiện để sớm đưa tấm lòng, tình cảm của mọi người đến với đồng bào đang gặp khó khăn.
PV: Một số ý kiến cho rằng Thuỷ Tiên có thể chuyển bớt số tiền đó cho các tổ chức đang làm từ thiện, hoặc cơ quan nhà nước để họ cùng chung tay chuyển tới người dân để đỡ mất thời gian. Ông nghĩ sao về giải pháp này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi nghĩ không nên làm như vậy và cũng không được làm như vậy, bởi những người chuyển khoản số tiền đấy cho ca sĩ Thủy Tiên là những người tin tưởng nữ ca sĩ này, họ chuyển tiền cho Thủy Tiên với điều kiện là nữ ca sĩ phải thực hiện hoạt động thiện nguyện theo đúng nội dung thông tin đã đưa ra trước đó.
Ca sĩ Thuỷ Tiên làm từ thiện ở miền Trung (Ảnh: FB Thuỷ Tiên) |
Việc chuyển giao số tiền 100 tỉ đồng cho tổ chức, cá nhân khác có thể dẫn đến mất mát, thất lạc hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng với mục đích cam kết ban đầu. Bởi vậy nếu việc quản lý số tiền đó và hoạt động từ thiện có khó khăn, thì nữ ca sỹ chỉ có thể liên hệ với các cơ quan chức năng như Hội chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ, chứ không thể chuyển giao nghĩa vụ đó cho bên thứ ba nếu như không được những người đã góp tiền vào đồng ý.
PV: Hiện nhiều người cho rằng quy định pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân đạo khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn… chưa phù hợp với thực tế và cần thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Những quy định pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân đạo khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn,… tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đang có những hạn chế nhất định và chưa thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
Bởi vậy theo quan điểm của cá nhân tôi thì Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này, hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện như Thủy Tiên, để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội, đồng thời, phát huy được những giá trị nhân văn, khơi gợi được tình yêu thương, đạo đức xã hội và huy động được các nguồn lực trong xã hội để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, thiên tai.
Theo tôi, hoạt động kêu gọi ủng hộ quyên góp cho đồng bào đang gặp khó khăn như nữ ca sĩ Thủy Tiên và một số ca sĩ, nghệ sĩ tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện là rất tốt và phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội nên cần phải phát huy và tạo điều kiện để những hoạt động này được lan tỏa và phát huy những giá trị nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân Miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay.
Những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!