Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt 200 năm trung lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thụy Điển chính thức gia nhập NATO với tư cách là thành viên thứ 32 trong hôm 7/3, gần 2 năm sau lần đầu tiên nộp đơn gia nhập khối liên minh quân sự.

Chiến đấu cơ JAS 39 Gripen C/D cất cánh từ sân bay Lulea-Kallax, Thụy Điển vào ngày 4/3/2024 trong cuộc tập trận quân sự Nordic Response 24 của NATO (Ảnh: Getty)
Chiến đấu cơ JAS 39 Gripen C/D cất cánh từ sân bay Lulea-Kallax, Thụy Điển vào ngày 4/3/2024 trong cuộc tập trận quân sự Nordic Response 24 của NATO (Ảnh: Getty)

Trước đó cùng ngày, chính phủ Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang tổ chức một cuộc họp bất thường để bỏ phiếu về việc gia nhập NATO sau khi tất cả các thành viên hiện tại đã chấp thuận việc gia nhập liên minh quân sự này.

Thông tin sau đó được xác nhận vào cuối ngày, cùng với một tuyên bố từ phía NATO, trong đó Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng Thụy Điển “có một vị trí xứng đáng trên bàn của chúng tôi”.

“Sự gia nhập của Thụy Điển giúp NATO mạnh mẽ hơn, giúp Thụy Điển an toàn hơn, và toàn khối liên minh an toàn hơn. Tôi mong muốn được nâng quốc kỳ của họ tại trụ sở của NATO trong hôm đầu tuần”, ông nói thêm.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã tới Washington, D.C., trong tuần này để nộp các tài liệu cuối cùng. Quốc gia này đã đệ đơn xin gia nhập NATP vào tháng 5/2022, không lâu sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ. Diễn biến mới đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách trung lập và không liên kết quân sự của Thụy Điển.

Trước đó, Phần Lan đã trở thành viên chính thức của NATO vào tháng 4 năm ngoái. Chính quyền ở Helsinki và Stockholm đều đưa ra quyết định gia nhập khối liên minh quân sự sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ.

Các thành viên NATO gồm Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó ngăn chặn sự gia nhập của Thụy Điển, nhưng đã thay đổi lập trường của mình trong năm nay. Một nước mới muốn gia nhập NATO cần có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên hiện hữu.

Đảng cầm quyền Hungary, do Thủ tướng Viktor Orban đứng đầu, từ lâu đã phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, do bất đồng giữa hai nước. Thủ tướng của cả hai nước đã gặp nhau tại Budapest, Hungary vào tháng trước và cam kết giải quyết những khác biệt.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vào tháng 1. Trước đây, họ từng nói rằng Thụy Điển quá khoan dung với các nhóm mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa an ninh. Các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Thụy Điển năm ngoái càng làm mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn.

Theo CNBC