Gần đây báo chí có phản ánh về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động nhanh và mạnh mẽ đến thị trường lao động nước ta. Đa số các trường vẫn đào tạo theo phương pháp truyền thống, cứng nhắc; sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ có liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin báo nêu trên; đổi mới phương thức đào tạo, có phương pháp hiện đại và áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, trong đó tăng cường mô phỏng, số hóa bài giảng, triển khai đào tạo trên môi trường mạng.
Trước đó, trong Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời hạn Bộ KH&CN phải báo cáo kết quả nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trong quý I/2017.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nội dung được các cấp lãnh đạo, các chuyên gia ngành CNTT đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF trong lĩnh vực CNTT và một số lĩnh vực liên quan vào ngày 19/1/2017 trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị WEF ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức chúng ta sống và làm việc. Tại Việt Nam, lĩnh vực CNTT đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục…
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT. Một trong những chương trình ưu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về CNTT là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu”.