Thủ tướng yêu cầu làm rõ sai phạm tại dự án Xơ sợi Đình Vũ

VietTimes -- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 368/TB-VPCP, thông báo về việc đồng ý với Kết luận thanh tra số 2634/KL-TTCP ngày 03/10/2016, và Kết luận thanh tra số 2632/KL-TTCP ngày 03/11/2016 của Thanh tra Chính phủ kết luận việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ (PvTex). 
Dự án 7.000 tỷ Xơ sợi Đình Vũ "đắp chiếu" - (Nguồn Internet)
Dự án 7.000 tỷ Xơ sợi Đình Vũ "đắp chiếu" - (Nguồn Internet)

Đồng thời, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ khi công bố chính thức Kết luận thanh tra và tiến hành xử lý sau thanh tra: Phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án; xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiệu quả của từng dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường. 

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra, làm rõ thực trạng hoạt động của từng dự án, khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, giải quyết những tồn tại và đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành có liên quan phối hợp thực hiện nghiêm túc những nội dung kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Tại Kết luận thanh tra 2632/KL-TTCP về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ của Thanh tra Chính phủ, có hai chi tiết đáng lưu ý.

Một là, trong quá trình ký kết hợp và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, Chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước khi thay đổi, bao gồm: dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) từ Đức sang Trung Quốc trị giá 11.335.192,55 USD; hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in (thuộc hệ thống mạng LAN) trị giá 667.734,05 USD và thiết bị đóng bao (Baler) từ Đức sang Châu Âu trị giá 1.112.889 USD.

Hai là, về khách quan: Do thị trường tiêu thụ khó khăn; tình hình biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu ảnh hưởng tới giá bán sản phẩm xơ sợi; nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, lãi suất ngân hàng cao làm tăng chi phí sản xuất…

Như vậy, cho đến nay, Kết luận Thanh tra không đề cập tới việc thay đổi thiết bị kéo sợ dún từ Đức sang Trung Quốc tại PVTex đã tác động thế nào tới chất lượng sản phẩm của nhà máy này.

Trên thực tế, Tập đoàn dệt may Việt Nam – doanh nghiệp từng là cổ đông tại PvTex – cũng không mặn mà với sản phẩm xơ sợi của nhà máy. Hiện Tập đoàn dệt may Việt Nam đã thoái vốn khỏi dự án xơ sợi này.

Trong thông tin mới nhất liên quan tới xuất khẩu xơ sợi, Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo, từ 14/11/2016 nước này sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt hàng sợi dún polyester từ Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56 %; Thái Lan là 6,88% - 37,69%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bị điều tra chống bán phá giá phía Việt Nam không phải là PvTex. Do suốt quãng thời gian từ 2011 đến nay doanh nghiệp này trong quá trình xây dựng và sản xuất cầm chừng cho đến dừng sản xuất, do đó khó có khả năng có sản phẩm xuất khẩu.

Từ đây, đặt ra nghi vấn về việc chất lượng sản phẩm xơ sợi của PvTex là không đạt yêu cầu của doanh nghiệp dệt may trong nước và do thế không bán được hàng trong nước. Đồng thời cũng không xuất khẩu được, dù khả năng cạnh tranh về giá của xơ sợi Việt Nam là có.

Hiện Thanh tra Chính phủ đã chuyển vụ việc này sang cơ quan điều tra, nên kết luận cụ thể về việc thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) từ Đức sang Trung Quốc tác động thế nào tới chất lượng sản phẩm xơ sợi tại nhà máy PvTex thì cần phải chờ tới kết luận của cơ quan Công an mới có thể rõ ràng.