Đó là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu tại hội nghị của Chính phủ với địa phương khai mạc sáng nay (28/12).
Được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn, khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới khi kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng đánh giá, tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước.
"Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay, công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp, đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hội nghị được thực hiện trực tuyến, kết nối các địa phương trên toàn quốc (ảnh chụp từ Trung tâm báo chí của hội nghị). |
Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn.
Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.
Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước.
“Cách đây hơn 1 năm, tôi rất cảm động khi đọc tin thấy cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa, dù đã 83 tuổi nhưng vẫn đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo. Tinh thần của cụ là tấm gương có sức lan tỏa trong cả nước” - Thủ tướng nhắc lại chi tiết đã khiến nhiều người xúc động.
Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chúng ta cũng vui mừng chứng kiến khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay thương hiệu Việt Nam, "Make in Việt Nam" đã vươn ra thị trường toàn cầu.
Mới đây, một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhắc tới một vấn đề luôn được cả xã hội quan tâm là chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
“Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội mới đây, Chính phủ không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế. Chúng ta rất vui khi ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần làm để hệ thống y tế của chúng ta phục vụ nhân dân tốt hơn” - Thủ tướng nói.
Ông cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng và phải nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện vaccine phòng COVID-19 đang tiến triển tốt. Chính phủ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả của người dân.
"Sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và 'không để ai bị bỏ lại phía sau'. Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả bước đầu và không được chủ quan bởi chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm.