Tham dự Đại hội có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ I; ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa III; đại diện một số Bộ, ban, ngành TW cùng hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các NXB, in, phát hành và hội viên.
Báo cáo tại Đại hội cho biết, trong nhiệm kỳ III (2011-2016), Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam đã bám sát Chương trình hoạt động toàn khóa, Nghị quyết của Ban Chấp hành, tổ chức triển khai thực hiện được phần lớn các nhiệm vụ cơ bản, quan trọng đã đề ra trong chương trình công tác. Nhiều cán bộ Hội các cấp và hội viên đã tích cực ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội.
Cụ thể, Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT tổ chức các Hội nghị sơ kết và giao ban công tác sáu tháng đầu năm, tổng kết công tác xuất bản, phát hành toàn quốc hằng năm; Phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Xuất bản có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013; bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho hội viên; Đề nghị Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan có biện pháp hữu hiệu nhằm giúp các NXB tháo gỡ khó khăn, đồng thời có giải pháp lâu dài phát triển ngành Xuất bản.
Hội cũng đã tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Góp ý về dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các Đề án: Giải thưởng Sách Quốc gia, Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020, Khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; góp ý vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CPngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Soạn thảo và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản Việt Nam; Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Hội đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng Đề án về Ngày Sách Việt Nam được Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Đại hội
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, qua đó đã tổng hợp nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực kiến nghị với Đảng và Nhà nước về cơ chế chính sách và định hướng phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ mới. Tiếp đó, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức hai cuộc tọa đàm ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để lắng nghe ý kiến của các hội viên. Ngày 5/9/2016, Hội có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi cơ bản điều 344 trong Bộ luật hình sự 2015. Kiến nghị này một lần nữa được gửi lại cho các cơ quan hữu trách để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa 14 vừa khai mạc.
Mặt khác, Hội đã tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sách như: Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ V năm 2015 tại Hà Nội và Hội đã mời Hiệp hội Xuất bản ASEAN đưa sách sang trưng bày. Hội Sách ở TP.Hồ Chí Minh; Ngày hội Sách và văn hóa đọc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội; Triển lãm và tọa đàm về Sách tại Thư viện Quốc gia, Triển lãm Sách tại thành phố Điện Biên Phủ (tháng 4/2014); Tổ chức gian trưng bày Sách Hay Sách Đẹp được giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam tại Hội chợ sách ở Hoàng thành Thăng Long Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô; Phối hợp với Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Những quyển sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - thực trạng và giải pháp”; Phối hợp với Sở TT&TT TP. Cần Thơ tổ chức Hội sách và trưng bày bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa (đây là lần đầu tiên một Hội sách có quy mô khu vực được tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long); Đề xuất với UBND và Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh xây dựng Đường Sách tại đường Nguyễn Văn Bình và được UBND thành phố chấp thuận đi vào hoạt động từ tháng 10/2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII… Từ thành công của Đường sách TP. Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản đã đề xuất 5 tỉnh, thành phố lớn đề nghị tạo điều kiện để nhân rộng mô hình đường sách, phố sách. Đến nay, Thủ đô Hà Nội là địa phương thứ hai khai trương và đưa Phố sách vào hoạt động.
Bên cạnh các kết quả trên, công tác chính trị - tư tưởng đã được Hội quan tâm đến các đơn vị trực thuộc và hội viên. Thường trực Hội đã phối hợp với Chi bộ Đảng tổ chức quán triệt các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI ngày 4/7/2014 về phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, liên hệ với thực tiễn hoạt động của Hội và ngành; Tổ chức đóng góp ý kiến với các văn kiện của Đại hội XII và triển khai học tập sau Đại hội.
Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta tháng 5/2014, toàn thể hội viên đã bày tỏ thái độ phản đối, lên án hành động của Trung Quốc và đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Hội Xuất bản đã ra Nghị quyết kêu gọi toàn thể hội viên bằng hoạt động nghề nghiệp hãy xuất bản nhiều tác phẩm góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tác phẩm về chủ đề này đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam trao giải thưởng.
Hàng năm, Hội tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam theo quyết định của Chính phủ. Nhìn chung, Giải thưởng Sách Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc trong nhiệm kỳ III và có hiệu ứng xã hội tốt. Đến nay, chưa phát hiện sai sót trong quá trình chấm giải. Trong 5 năm qua, tổng số tên sách dự thi là 1893 cuốn, trong đó có 2 Giải Đặc biệt, 41 Giải Vàng, 112 Giải Bạc, 134 Giải Đồng và 124 Giải Khuyến khích. Qua 12 năm trao thưởng, Giải thưởng Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động được trông đợi của những người làm xuất bản và các tác giả.
Song hành với các hoạt động trong nhiệm kỳ qua, hoạt động hợp tác quốc tế được Hội đẩy mạnh. Hội tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương, cử người tham gia Hội chợ sách ở Mỹ từ nguồn kinh phí của các hội viên; tham dự Liên hoan Văn học ASEAN; Trao đổi, làm việc với Phó Chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt CHLB Đức tại TP.Hồ Chí Minh và tại Hà Nội…
Cũng trong nhiệm kỳ qua, Hội đã trao tặng hàng ngàn cuốn sách cho các đơn vị bộ đội ở đảo Cồn Cỏ; tặng hơn 5000 bản sách và 5000 cuốn vở cho Trường Trung học cơ sở Phan Văn Đường ở huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi (năm học 2014-2015); phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác quyên góp sách từ các hội viên để hình thành các thư viện, phòng đọc sách miễn phí và chương trình tặng sách cho thiếu nhi ngoại thành, vùng sâu, vùng xa… Và tháng 9 và 10/2016, Hội đã vận động các chi hội, hội viên trong cả nước đóng góp được hơn 200 triệu đồng, gần 4000 bản sách và 100.000 cuốn vở trao tặng cho học sinh và đồng bào chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định…
Cũng theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đã đại được trong nhiệm kỳ qua, Hội Xuất bản cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như: Chưa tổ chức theo định kỳ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho hội viên; Chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của hội viên (như đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách; đề nghị cấp vốn ban đầu; chống nạn in lậu và vi phạm bản quyền...); Chưa tổ chức được nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, lắng nghe những khó khăn của hội viên để phản ánh với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước…
Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV
Đại hội lần thứ IV, Hội Xuất bản Việt Nam đã biểu quyết kiện toàn Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ IV (2017 – 2022) gồm 31 đồng chí. Ban Chấp hành đã tiến hành họp phiên thứ nhất, bầu ra Ban Thường vụ nhiệm kỳ IV bao gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ cũng đã bầu ra Chủ tịch Hội và các Phó Chủ tịch Hội, Ban kiểm tra. Theo đó, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã trở thành tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017 - 2022).