Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: “Học càng cao... càng dễ thất nghiệp!”

Trong buổi họp báo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2016, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp - để làm rõ vấn đề việc làm cho người lao động.
Sinh viên phỏng vấn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Diệp Trương
Sinh viên phỏng vấn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Diệp Trương

Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn về chiều rộng và chiều sâu khi tham gia các hiệp định tự do thương mại, cộng đồng kinh tế ASEAN... người lao động cần chủ động nắm bắt cơ hội, tích lũy kiến thức để không bị mất việc làm ngay chính tại "sân nhà".

Xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn tiếp tục tăng trong thời gian qua?

- Trong quý I/2016, cả nước có gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 20.700 người so với quý IV/2015. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, tăng lên so với quý IV/2015 nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Nhóm thanh niên có 540.700 người thất nghiệp, giảm 18.700 người so với quý IV/2015 nhưng vẫn chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp thanh niên là 6,63%, thấp hơn so với quý IV/2015 và cùng kỳ năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại đã tác động trực tiếp đến thị trường lao động việc làm. Trong bối cảnh kinh tế quý I/2016 khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, ước tính GDP tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sự suy giảm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,23% cũng làm giảm mức tăng trưởng chung do tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.

Ông đánh giá thế nào về con số đáng báo động gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vừa được công bố?

- Trong quý I/2016, số lao động thất nghiệp ở phân khúc có trình độ Đại học trở lên cao nhất tăng lên mức 190.900 người, vị trí thứ 2 là lao động có trình độ cao đẳng với gần 119.000 người, 10.000 người có trình độ cao đẳng nghề, 60.200 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Xét theo chiều học vấn, càng học lên cao số lượng thất nghiệp càng tăng. Về đào tạo nghề, thất nghiệp nhiều nhất số trường có trình độ sơ cấp nghề 32.300 người, trung cấp nghề là 17.500 người và 11.200 người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng thất nghiệp.

Về lâu dài, trình độ người lao động cần được cải thiện bởi khi kiến thức, kỹ năng nghề không phù hợp với nhu cầu của thị trường thì chắc chắn vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm của người lao động còn tiếp tục tăng.

Thứ trưởng có những nhận xét, đánh giá gì về xu hướng việc làm trong thời gian tới? Người lao động, đặc biệt là các cử nhân, thạc sĩ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cần làm gì để hòa nhập cùng “sân chơi chung”?

- Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp tăng nhưng tình hình lao động quý I/2016 vẫn có những điểm sáng nhất định, đặc biệt đối với tình hình giải quyết BHXH, BHTN có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể, đến hết quý I/2106, cả nước có khoảng 10,3 triệu người tham gia BHTN, chiếm 18,99% lực lượng lao động cả nước, tăng hơn 41.000 người so với quý IV/2015.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, số người được giới thiệu việc làm đạt gần 21.600 người, tăng gần 5.600 người so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, gần 5.300 người thất nghiệp cũng được tham gia hỗ trợ học nghề, tăng 900 người so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đó chứng tỏ người lao động được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội. Bởi giá trị cốt lõi của BHTN là vấn đề học nghề tích lũy kiến thức, kỹ năng, định hướng nghề nghiệp. Thị trường lao động ngày càng khốc liệt và biến động với tốc độ nhanh hơn, có những công việc khó, nhưng thời gian sau có thể mất đi.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn về chiều rộng và chiều sâu khi tham gia các hiệp định tự do thương mại, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập... các thông tin về việc làm, thất nghiệp sẽ chủ động dự báo, cung cấp thông tin kịp thời cho người lao động.

Đặc biệt, khi 8 ngành nghề được tự do di chuyển trên cơ sở thỏa thuận, công nhận trình độ lẫn nhau của các nước ASEAN được thực thi, các ngành nghề mới được mở ra, đòi hỏi thông tin về thị trường lao động cung cấp đầy đủ, chính xác kịp thời để người lao động lựa chọn ngành nghề học, biết được nhu cầu tuyển dụng, nhanh chóng tiếp cận, đảm nhận công việc.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Lao Động