Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy: Việt Nam cần tận dụng nguồn lực tri thức để phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sáng 8/10/2021, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chiến lược Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.
TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì hội thảo
TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì hội thảo

Hội thảo được tổ chức với sự điều hành của TS Phan Xuân Dũng – Chủ tịch VUSTA và TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ với sự tham gia của hơn 30 đại biểu, và sự tham gia trực tuyến từ 62/63 Liên hiệp hội địa phương.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, khác với chiến lược của các giai đoạn trước, tên gọi của dự thảo chiến lược lần này có thêm cả yếu tố đổi mới sáng tạo ngay từ tên gọi chính thức. Vấn đề đặt ra là làm sao Việt Nam phải tận dụng được nguồn lực tri thức để phát triển đất nước nhằm trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2030 như mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Trong đó, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là quốc sách hàng đầu, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Chiến lược, trong tham luận của mình TS Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo vì đã bao quát khá toàn diện những định hướng cần phải triển khai. Theo ông, đổi mới sáng tạo về bản chất là “ứng dụng”. Do đó, Chiến lược cần có nội dung phân tích, đưa ra các mục tiêu định hướng và mục tiêu rõ nét hơn cho đổi mới sáng tạo.

TS Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại hội thảo

TS Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Còn theo TS Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, các nội dung về nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế còn chưa cụ thể, rõ ràng. Cho nên chưa thấy được các đột phá về chiến lược khoa học công nghệ của các nước giai đoạn gần đây và các bài học cần rút ra, đặc biệt là những nước có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Ông cũng chỉ ra, sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay là vô cùng nhanh chóng với nhiều công nghệ mang tính hội tụ cao. Do vậy, cần làm rõ khái niệm thế nào là “đổi mới sáng tạo” với các nội hàm, đặc trưng, quy mô. Chỉ khi rõ được những nội dung này thì mới có thể luật hoá để khoa học công nghệ đi vào cuộc sống.

TS Nghiêm Vũ Khải – nguyên Phó Chủ tịch VUSTA đề nghị Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế đặc biệt đối với Chương trình Quốc gia về phát triển Công nghệ cao nói riêng và khoa học công nghệ nói chung. Với tư duy và phương thức đầu tư như hiện nay thì nền khoa học công nghệ của nước ta đã, đang và sẽ tụt hậu ngày càng xa. Đứng trên quan điểm đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên một bước, thì kế hoạch đầu tư cần phải được điều chỉnh và có cơ chế phù hợp.

Ông cũng nói rằng nên đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua một nghị quyết để ban hành Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 cùng Tầm nhìn đến 2045. Cùng với việc đó là phải thành lập Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo do Thủ tướng đứng đầu và ngoài sự tham gia của đại diện các bộ ngành phải có cả đại diện các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp như mô hình của Nhật Bản.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam đã chỉ ra thiếu sót của Luật Công nghệ cao hiện hành là đã không hề đề cập đến khoa học liên ngành. Trong khi thực tế của công nghệ cao chính là đỉnh cao của khoa học liên ngành.

Và thêm một thực tế nữa được đề cập là ngân sách nhà nước cần ưu tiên cho các suất học bổng du học cho những ngành học ở bậc đại học mà Việt Nam chưa có. Cùng với việc đó, phải nhìn vào thực tế là phần đa các du học sinh theo diện học bổng toàn phần của nước ngoài thường được tạo điều kiện về nước để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiện Việt Nam gần như chưa có quy định bắt buộc các du học sinh này phải nộp luận văn tốt nghiệp cho cơ quan có trách nhiệm liên đới trong nước và đó là sự lãng phí tài nguyên chất xám.

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học. Theo ông, rút kinh nghiệm của các lần trước thì Chiến lược lần này phải đủ tầm nhìn và không xảy ra mâu thuẫn trong quá trình triển khai. Thêm nữa là ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ cũng cần làm sao có cơ chế không quá bị ràng buộc bởi Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc rất cần làm là khuyến khích các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp.

TS Phan Xuân Dũng cũng khẳng định, Chiến lược Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo chỉ có thể đủ mạnh nếu Chính phủ có quyết tâm chính trị đủ mạnh.

Ông cũng đề cập là các bộ ngành hữu quan cùng các nhà khoa học phải có phương pháp luận cùng công cụ tiên tiến để xây dựng các mô hình dự báo trong nhiều lĩnh vực. Đó phải là một trong những nội dung mà Chiến lược cần phải ghi rõ.