Nhiều phi công muốn nghỉ việc, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói gì? |
Mức tăng 5% nêu trên cũng là mức tăng thu nhập thấp nhất trong các ngành nghề phục vụ tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Thực tế, cũng theo báo cáo, các cán bộ quản lý, chuyên viên, kỹ sư, cán sự, nhân viên, tiếp viên được tăng thu nhập 10% - 15% mỗi năm tùy theo chức danh.
Điều này được nêu rõ trong Báo cáo thường niên năm 2017 của Vietnam Airlines. “Năm 2017, thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng của CBQL, chuyên viên, kỹ sư, cán sự, nhân viên, tiếp viên cao hơn năm 2016 từ 10% - 15% theo chức danh, nhóm chức danh; phi công tăng 5%”, trích mục Chính sách tiền lương, khen thường, chế độ phúc lợi tại báo cáo.
Tuy nhiên, ở đây cần phải xác định rằng, vì mức thu nhập khởi điểm của các phi công vốn đã cao gấp nhiều lần các bộ phận mặt đất, nên việc được điều chỉnh tăng với tỷ lệ thấp hơn vẫn có thể khiến số tăng tuyệt đối của phi công đạt cao hơn các bộ phận còn lại.
Thu nhập bình quân năm 2017 của phi công VNA tạm tính đạt khoảng 120,75 triệu đồng/tháng. (Ảnh: VNA)
|
Theo báo cáo, bên cạnh lương, thưởng, người lao động tại VNA (trong đó có phi công) còn được các chế độ đãi ngộ, quyền lợi, phúc lợi khác.
Cụ thể: (1) Triển khai chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện nhằm bổ sung và hỗ trợ tài chính/ thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ hưu, đồng thời nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động; (2) Ban hành Quy chế vé miễn giảm cước mới dành cho toàn thể CBNV TCT và các công ty TNHH MTV do VNA đầu tư 100% vốn điều lệ.
Trở lại với câu chuyện thu nhập của phi công Vietnam Airlines. Theo thống kê, năm 2015, thu nhập bình quân mỗi phi công VNA nhận là hơn 110 triệu đồng/tháng, tương đương 1,32 tỷ đồng/năm.
Năm 2016, mức thu nhập bình quân các phi công của Vietnam Airlines có mức tăng 4,7% so với 2015, lên 115,3 triệu đồng mỗi tháng, xấp xỉ 1,4 tỷ đồng/năm.
Năm 2017, báo cáo của Vietnam Airlines công bố, thu nhập trung bình của phi công tăng lên 5% so với năm trước, tạm nhân với mức bình quân của năm 2016 sẽ đạt khoảng 120,75 triệu đồng/tháng.
Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT |
Lưu ý rằng, các con số thu nhập vừa nêu là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền, trong đó cào bằng giữa thu nhập của tất cả các phi công, không phân biệt vị trí và quốc tịch, cũng như hãng bay (Vietnam Airlines là tổng công ty mẹ trong đó có một số hãng bay con, chẳng hạn như Jetstar Pacific, Angkor Air..).
Trên thực tế, theo phản ánh của một số phi công Việt Nam, thì thu nhập giữa phi công nội và phi công ngoại mà Vietnam Airlines thuê về có sự chênh lệch rất lớn. Có người còn nói rằng thu nhập của họ chưa bằng ½ của các phi công đồng nghiệp – cùng tại VNA, nhưng quốc tịch ngoại.
Theo báo cáo, kết thúc năm 2017, tổng số cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines là 6.708 người. Trong đó, số lượng phi công và tiếp viên là 2.778 người – chiếm 41% nguồn nhân lực. Con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tổng số 6.199 nhân sự, trong đó 2.910 người là phi công và tiếp viên) và thấp hơn so với kế hoạch.
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air trả lương phi công không hề "rẻ". (Ảnh: Internet)
|
Có thể phần nào hiểu được sự phản ứng của nhóm phi công người Việt tại Vietnam Airlines những năm gần đây, nếu so sánh mức thu nhập bình quân của họ với các đồng nghiệp tại Hãng hàng không Viet Jet (Vietjet Air) – một hãng hàng không cũng của Việt Nam nhưng ra đời sau và đi theo chiến lược “giá rẻ”.
Báo cáo thường niên năm 2017 của Vietjet Air cho thấy, hãng hàng không giá rẻ này trả thu nhập cho phi công không hề “rẻ”.
Cụ thể, thu nhập bình quân của các phi công đang “đầu quân” tại đây lên tới 180 triệu đồng/tháng – tương đương 2,16 tỷ đồng/năm, tức là cao gấp rưỡi so với mức thu nhập cùng kỳ tại VNA.
Như vậy, với tốc độ tăng thu nhập 5% như định kỳ hàng năm, nếu không được nghỉ việc tại Vietnam Airlines vì mức đền bù khi nghỉ việc quá lớn thì phải nhiều năm nữa, thu nhập bình quân phi công VNA mới đuổi kịp mức thu nhập bình quân của các phi công của “Madame” Thảo.
Một vấn đề nữa nên đặt ra, là thu nhập của phi công Việt Nam và phi công ngoại tại Vietjet Air được cho là không chênh lệch nhiều. Do đó, chênh lệch giữa thu nhập của phi công người Việt tại hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ còn lớn hơn nữa.
Với sự gia nhập của những "tân binh", thị trường lao động hàng không hứa hẹn sẽ ngày thêm căng thẳng, không chỉ là phi công...
|
Đáng nói hơn là thị trường hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều khả năng sẽ đón thêm những “tân binh” trong thời gian tới, mà tiêu biểu hơn cả là Hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của Tập đoàn FLC.
Khi gia nhập thị trường, Bamboo Airways cũng có nhu cầu rất lớn với các nhân sự trình độ cao trong ngành hàng không, mà trước tiên là phi công.
Hẳn những nhân sự đương nhiệm tại Vietnam Airlines cũng là những lao động mà tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang hướng đến.
Thị trường hàng không sẽ ngày thêm cạnh tranh, kể cả trên thị trường lao động hàng không. Kế hoạch giữ chân lao động của Vietnam Airlines sẽ càng thêm vất vả./.