Thu 240 triệu USD từ bán Thipha Cables và Dovina, đại gia Võ Tấn Thịnh sẽ làm gì với đống tiền?

VietTimes -- Sau khi bán Thipha Cables và Dovina cho tập đoàn Thái Lan, ông Võ Tấn Thịnh sẽ phải rời xa lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện trong khoảng ít nhất 5 năm theo các điều khoản trong hợp đồng. Nhưng hẳn nhiên, vị đại gia này sẽ không chỉ "ngồi chơi" trên đống tiền khổng lồ vừa thu về từ người Thái...

Khu công nghiệp Thịnh Phát (Ảnh: Internet)
Khu công nghiệp Thịnh Phát (Ảnh: Internet)

Như VietTimes từng đề cập, tập đoàn sản xuất dây và cáp điện Thái Lan là Stark Corporation đã hoàn thành thương vụ thâu tóm 2 doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam là CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) trị giá 240 triệu USD.

Cập nhật tới ngày 31/3/2020, Stark Corporation đã hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, tiếp nhận quyền sở hữu tại Thipha Cables và Dovina. Các vị trí cấp cao tại 2 doanh nghiệp Việt Nam cũng được chuyển giao cho người Thái.

Được biết, Thipha Cables là doanh nghiệp có hơn 30 năm phát triển trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện. Từ một cở sở nhỏ do vị doanh nhân Võ Tấn Thịnh (SN 1962) thành lập năm 1987, Thipha Cables đã vươn mình trở thành nhà sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Việt Nam. Dovina được thành lập vào năm 2009 để nhập khẩu và xử lý đồng, nhôm cho sản xuất dây và cáp điện.

Trong các điều khoản hợp đồng, có quy định bên bán (ông Võ Tấn Thịnh và các cổ đông cá nhân tại Thipha Cables và Dovina - PV) sẽ không được hoạt động cạnh tranh với công ty cũ (not operating in a competitive business). Cụ thể, bên bán không được lôi kéo nhân sự trong vòng 2 năm, lôi kéo các khách hàng/nhà cung cấp trong vòng 5 năm từ Thipha Cables và Dovina.

Nói cách khác, vị doanh nhân Võ Tấn Thịnh sẽ phải rời xa lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện trong khoảng thời gian tương ứng. Tuy vậy, đại gia này hẳn sẽ không "ngồi chơi xơi nước".

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vị doanh nhân sinh năm 1962 vẫn còn đứng tên và sở hữu nhiều doanh nghiệp khác.

Vậy số tiền 240 triệu USD từ thương vụ “bán con” cho tập đoàn Thái Lan sẽ được ông Võ Tấn Thịnh đầu tư vào đâu?

Cấu trúc tập đoàn Thịnh Phát của ông Võ Tấn Thịnh (Nguồn: Stark Coporation)
Cấu trúc tập đoàn Thịnh Phát của ông Võ Tấn Thịnh (Nguồn: Stark Coporation)

Tham vọng bất động sản của ông Võ Tấn Thịnh

Đáng chú ý, trước thương vụ M&A nêu trên, một pháp nhân trong “hệ sinh thái” của ông Võ Tấn Thịnh là CTCP Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát (Thịnh Phát Land) đã chia tách thành: CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát (viết tắt: Thipha Land, đăng ký hoạt động kinh doanh chính là bất động sản). Hay nói cách khác, ông Thịnh đã tách mảng cáp điện thành công ty riêng để bán cho tập đoàn Thái Lan.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thịnh Phát Land là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Thịnh Phát có quy mô 74 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tới tháng 8/2017, Thịnh Phát Land đã xin chủ trương đầu tư giai đoạn 2, mở rộng 112,87 ha.

Chia sẻ với báo giới địa phương, ông Vũ Đức Huy (Phó TGĐ Thịnh Phát Land) cho biết tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp Thịnh Phát (tính tới tháng 8/2017) đã lên tới 81%.

“Hiện tại, Thịnh Phát tiếp nhận rất nhiều doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư cũng như doanh nghiệp hiện hữu trong khu công nghiệp muốn mở rộng diện tích sản xuất nhưng diện tích đất còn trống khá ít, khó có thể tiếp nhận các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến thuê" - ông Huy nói.

Tới tháng 12/2018, Thủ tướng đã đồng ý việc bổ sung Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng với diện tích 112,87ha vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020.

Sau đó, đến tháng 8/2019, Thủ tướng tiếp tục có quyết định số 1065/QĐ-TTg chủ trương điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Thịnh Phát. Trong đó, Thủ tướng quyết định chủ trương điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án khu công nghiệp kể trên sang CTCP Đầu tư kinh doanh Tổng Hợp Thịnh Phát (Thịnh Phát BSC).

Thịnh Phát BSC cũng là doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” của ông Võ Tấn Thịnh. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2016, quy mô vốn 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Võ Tấn Thịnh (99,8%), ông Võ Tấn Mỹ (0,1%) và ông Trác Văn Hùng (0,1% VĐL). Tính tới tháng 3/2018, sau vài lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Thịnh Phát BSC mới chỉ đạt mức 167 tỷ đồng.

Ngoài dự án khu công nghiệp, theo tìm hiểu của VietTimes, tháng 2/2017, UBND Tp. HCM đã có quyết định số 540 công nhận Thịnh Phát Land là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thịnh Phát (tại số 144A đường Hồ Học Lãm, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, Tp. HCM) trên khu đất rộng 32.657,4 m2.

Trong đó, UBND Tp. HCM yêu cầu Thịnh Phát Land phải có trách nhiệm thực hiện bổ sung đủ điều kiện về vốn pháp định, thực hiện đầy đủ các cam kết về nghĩa vụ đóng góp tài chính cho địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo biên bản họp số 01/BB-UBND ngày 11/1/2016 của UBND Quận Bình Tân về xác định mức hỗ trợ, đóng gốp tài chính tự nguyện đối với dự án Khu dân cư Thịnh Phát.

Cập nhật tới tháng 7/2019, sau khi tiến hành chia tách, Thịnh Phát Land (nay là Thipha Land) có quy mô vốn điều lệ ở mức 350 tỷ đồng.

Ngoài ra, dữ liệu VietTimes cho thấy, bản thân ông Võ Tấn Thịnh cũng sở hữu nhiều bất động sản như: khu đất rộng 383,798 m2 tại khu phố Nam Thông 2, Phường Tân Phú, Quận 7, Tp. HCM; căn nhà 281,5 m2 tại khu biệt thự phố kinh doanh Ngân Long (Huyện Nhà Bè); biệt thự 3 tầng tại khu đất rộng 708,4 m2 thuộc Saroma Villa (khu dân cư phía nam đường Mai Chí Thọ trong KĐT mới Thủ Thiêm).

Thipha Cables và Dovina có gì?

Cũng giống như một số doanh nghiệp Thái Lan khác, việc bỏ ra số tiền lớn để thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp tập đoàn Stark Corporation cải thiện đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu, đó là chưa tính đến những “giá trị cộng hưởng” từ thương vụ M&A mang lại.

Đơn vị tư vấn lựa chọn định giá Thipha Cables và Dovina theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cho thương vụ của Stark Coporation (Nguồn: Stark Coporation)
Đơn vị tư vấn lựa chọn định giá Thipha Cables và Dovina theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cho thương vụ của Stark Coporation (Nguồn: Stark Coporation)

Chỉ xét riêng trong năm 2018, quy mô doanh thu của Thipha Cables và Dovina tương đương với doanh thu của những doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực của Stark Coporation, trong khi lợi nhuận mang lại cũng rất ấn tượng. Song, tiềm năng của 2 doanh nghiệp Việt Nam không dừng lại ở đó.

Theo đơn vị tư vấn, Thipha Cables có năng lực sản xuất dây, cáp điện và nhôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế được cấp bởi JIS, Kema, IEC, ASTM.

Đáng chú ý, Thipha Cables là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc cung ứng dây và cáp điện cho khách hàng quốc doanh, Chính phủ (B2G) với thị phần chiếm tới 20%, trong khi chiếm thứ 2 thị phần (9%) đối với thị trường khách hàng doanh nghiệp (B2B) và khách hàng phổ thông (B2C).

Thị phần của Thipha Cables và Dovina năm 2018 (Nguồn: Stark Coporation)
Thị phần của Thipha Cables và Dovina năm 2018 (Nguồn: Stark Coporation)

Các năm 2016 và 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là khách hàng chiếm tới 31 - 35% doanh thu của Thipha Cables. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, EVN chỉ còn chiếm 18% trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Trong khi đó, các khách hàng doanh nghiệp (B2B) vươn lên chiếm quá nửa doanh thu của Thipha Cables.

Đối với Dovina, năm 2018, doanh nghiệp này cũng chiếm tới 12% thị phần tại Việt Nam và chiếm tới 6% thị phần tại thị trường Ấn Độ.

Các lợi thế dẫn đầu thị phần tại các thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam và Ấn Độ của Thipha Cables và Dovina phần nào giúp lý giải cái giá 240 triệu USD mà Stark Coporation đã chi trả cho các chủ cũ người Việt./.