Chiều ngày 16/11, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu vấn đề quản lý Bitcoin và tiền điện tử. Theo ông Nhường, đây là một chủ đề đang rất nóng trong giới tài chính nói riêng và toàn xã hội nói chung. Vì vậy, ông mong Chính phủ kịp thời rà soát và tìm ra câu trả lời sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán các loại tiền ảo đang diễn ra nhộn nhịp.
“Xin đặt câu hỏi quan điểm của Thống đốc có đồng ý và đề xuất Chính phủ cho FTP triển khai thí điểm thu phí học sinh sinh viên nước ngoài, cho phép Công ty phần mềm Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư của Đức bằng tiền Bitcoin để phát triển phần mềm tại VN, đáp ứng xu thế cách mạnh công nghiệp 4.0 hay không?”
Ông nhấn mạnh, nếu thí điểm thành công và luật hóa, quản lý được tiền ảo này sẽ là rất tốt. Ông nêu ví dụ về việc đưa internet vào VN năm 1999, đã có các luật quy định và quản lý được nên VN có công dân toàn cầu, robot nên đối với Bitcoin, nếu quản lý được thì “đây là kênh thu hút đầu tư bằng tiền ảo của thế giới, nhưng tạo ra của cải vật chất có thật trong tình hình đang cần vốn đầu tư trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận “đây không phải vấn đề của Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới và nhiều quốc gia đang nghiên cứu về điều chỉnh, quản lý đồng tiền này như thế nào”. Ông cho biết, có một số nước họ cấm tuyệt đối các giao dịch Bitcoin trong khi một số nước không thừa nhận Bitcoin là phương tiên thanh toán nhưng đưa ra các khuyến cáo rủi ro khi giao dịch. Bên cạnh đó, vẫn có nước coi Bitcoin là phương tiện thanh toán, nhưng theo ông Hưng số này rất ít và hiện chỉ có Nhật Bản.
Đối với Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về bitcoin rằng, đây không phải đồng tiền hợp pháp. “Theo quy định pháp luật hiện hành, bitcoin không phải đồng tiền mặt, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp, nên các giao dịch sử dụng đồng tiền này là giao dịch không hợp pháp. " – ông Hưng nói.
Ông cho biết thêm, nếu nhìn nhận bitcoin là tài sản, là hàng hóa, thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu Đề án khuôn khổ pháp lý quản lý hàng hóa ảo, trong đó có bitcoin. Ngân hàng Nhà nước với giác độ quản lý tiền tệ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý.
Đối với trường hợp của FPT dự kiến thu phí sinh viên nước ngoài bằng Bitcoin, Thống đốc cho biết NHNN vẫn chưa nhận được đề xuất của đơn vị này. Nếu FPT có văn bản xin ý kiến, NHNN sẽ có hướng dẫn để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.