Thời khó của doanh nghiệp bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng khi thu nhập khả dụng bị siết chặt. Điều này được dự báo sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm 2023.

Giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023, tác động tiêu cực của việc suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu, đã thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ công nghệ.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1/2023 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco – Mã CK: PET) công bố mới đây cho biết, doanh thu thuần trong tháng của doanh nghiệp này giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 1.210 tỉ đồng.

Cụ thể, doanh thu hoạt động phân phối của PET giảm 28,2% so với cùng kỳ, đạt 1.056 tỉ đồng, trong đó doanh thu phân phối điện thoại di động tăng 44,8% lên 844 tỉ đồng, mảng laptop giảm 88,6% và thiết bị IT khác giảm 50%.

Trong tháng 1/2023, lợi nhuận gộp của PET đạt 47 tỉ đồng, giảm 29,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2 tỉ đồng, giảm tới 93,9%% so với tháng đầu năm ngoái.

Trước đó, kết quả kinh doanh quý 4/2022 của Petrosetco cũng sụt giảm mạnh với doanh thu thuần đạt 4.835 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 0,74 tỉ đồng, lần lượt giảm 20,9% và 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lưu ý rằng, bên cạnh nhu cầu thấp đối với các sản phẩm công nghệ thông tin làm giảm doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PET giảm mạnh với chi phí tăng cao do lỗ chênh lệch tỷ giá và lỗ đầu tư chứng khoán.

Trong quý 4/2022, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) cũng sụt giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống 30.588 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 60% xuống 619 tỉ đồng – mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Tương tự, kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2022 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã CK: FRT) cũng kém sắc khi doanh thu đi ngang so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 72% xuống còn 97 tỉ đồng.

Đối với CTCP Thế giới số (Mã CK: DGW), quý 4/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đạt lần lượt 4.075 tỉ đồng và 155,6 tỉ đồng, giảm 49% và 53% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu ảm đạm

Trong báo cáo gần nhất, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo năm 2023 sẽ là một năm thách thức đối với mảng điện thoại di động và laptop của DGW.

VCSC cho rằng những thách thức kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng trong năm 2023, ảnh hưởng kém tích cực đối với doanh số bán hàng của mảng điện thoại di động và laptop.

Trong khi đó, tăng trưởng ổn định từ mảng thiết bị văn phòng (OE) và thiết bị gia dụng (CE) sẽ bù đắp cho hoạt động kinh doanh kém tích cực từ mảng công nghệ thông tin (ICT).

VCSC dự báo hai mảng kinh doanh này (OE và CE) của DGW sẽ tiếp tục tăng đóng góp vào cơ cấu doanh thu với tỷ lệ đạt 23-27% trong các năm 2023-2027.

Đối với FRT, VCSC dự báo chuỗi FPT Shop sẽ ghi nhận tăng trưởng doanh số bán hàng tại cửa hàng hiện hữu ở mức âm 5% trong năm 2023 trước khi phục hồi khoảng 7-8% trong các năm 2024-2025.

Trong khi đó, động lực dẫn dắt lợi nhuận năm 2023 của FRT sẽ đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu, với kỳ vọng biên lợi nhuận gộp tăng thêm 1-1,5%/năm.

VCSC dự báo, chuỗi Long Châu sẽ đóng góp khoảng 45% vào tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2025, so với mức 12% trong năm 2022.

Báo cáo công bố hồi cuối tháng 1 của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, tình trạng ảm đạm của thị trường bán lẻ sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 6/2023 do những khó khăn liên quan đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lạm phát.

Với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm, SSI ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022.

Theo SSI, lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023./.