Chuyện thử và sai ở MWG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 'Thử và sai' được xem là triết lý giúp Thế Giới Di động (Mã CK: MWG) vươn tầm trở thành 'đế chế' tỉ đô. Nhưng hơn nửa thập kỷ qua, những 'phép thử' của MWG hầu hết đều dở dang, hoặc chìm trong thua lỗ.
Sau hàng loạt 'thử nghiệm', MWG sẽ quay trở lại tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi?
Sau hàng loạt 'thử nghiệm', MWG sẽ quay trở lại tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi?

Bên cạnh Bách Hóa Xanh và chuỗi cửa hàng tại Campuchia, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) còn hé mở kết quả kinh doanh của chuỗi nhà thuốc An Khang.

Khảo sát của VietTimes ở 4 kỳ báo cáo tài chính gần nhất, MWG không thể hiện CTCP Bán lẻ An Khang (An Khang) trong nhóm các công ty được phép chuyển các khoản lỗ tính thuế sang năm sau.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, An Khang báo lỗ lũy kế lên tới 318,5 tỉ đồng. Tương tự, CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh (Bách Hóa Xanh) và MWG (Campuchia) ghi nhận các khoản lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 lần lượt ở mức 7.157,4 tỉ đồng và 604,6 tỉ đồng.

Lỗ lũy kế của một số chuỗi cửa hàng mà MWG đang triển khai tính đến cuối năm 2022 (Nguồn: BCTC)

Lỗ lũy kế của một số chuỗi cửa hàng mà MWG đang triển khai tính đến cuối năm 2022 (Nguồn: BCTC)

Các dữ liệu kể trên có lẽ mới chỉ phản ánh một phần kết quả của những ‘thử nghiệm’ mà MWG trong hơn nửa thập kỷ vừa qua.

Sau Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, triết lý ‘thử và sai’ được ban lãnh đạo MWG theo đuổi để tìm kiếm những hướng đi mới, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường điện thoại di động Việt Nam được tin rằng sắp đạt tới điểm bão hòa.

“Với tôi, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại. Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất", Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói tại một sự kiện ở Tp. HCM vào tháng 1/2019.

Những 'thử nghiệm' ở MWG

Những ‘thử nghiệm’ của MWG khá đa dạng, có thể kể đến: trang thương mại điện tử Vuivui.com; chuỗi Điện thoại siêu rẻ; mô hình kinh doanh kính mắt ‘shop in shop’; Điện Máy Xanh quy mô nhỏ; AVASport; Bách Hóa Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang.

Trong đó, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ được mở vào tháng 8/2019 với tham vọng lấy thêm miếng bánh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Tuy nhiên, chuỗi này đã được MWG ‘khai tử’ sau chưa đầy 1 năm ra mắt. Ban lãnh đạo MWG khi ấy lý giải, chuỗi cửa hàng này đóng góp về mặt doanh số quá nhỏ và lợi nhuận rất thấp vì giá bản sản phẩm rẻ.

Mô hình kinh doanh kính mắt cũng được MWG thử nghiệm từ năm 2019. Song, đến tháng 3/2020, tập đoàn này quyết định ngừng bán với lý do các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc, nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp.

Đối với chuỗi cửa hàng tại Campuchia (Bluetronics), tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 15/2, đại diện MWG cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi này trong quý 1/2023.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc MWG - hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ tại Campuchia đều không có thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, Bluetronics tính thuế này cộng thêm thuế nhập khẩu nên giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng 10-15%. Do đó, chuỗi này khó cạnh tranh nếu giữ giá bán cao, còn nếu chạy đua với các cửa hàng nhỏ lẻ thì không có lãi.

Cửa hàng Bluetronics tại Campuchia của MWG (Ảnh: MWG)
Cửa hàng Bluetronics tại Campuchia của MWG (Ảnh: MWG)

MWG cũng sẽ chủ động thu hẹp chuỗi AVASport để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp do không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận trong tương lai. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán thời trang thể thao mới được khai trương hồi đầu năm 2022.

Bên cạnh việc dừng kinh doanh 2 chuỗi cửa hàng trên, MWG cũng tạm ngưng mở rộng, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương với chuỗi An Khang hay AVAKids do chưa có lợi nhuận dù đánh giá thị trường lớn.

Đến cả chuỗi Bách Hóa Xanh cũng phải thu hẹp quy mô đáng kể trong năm 2022 khi đóng cửa tới 399 cửa hàng. Đến cuối năm 2022, chuỗi này còn 1.728 cửa hàng đang hoạt động, mang lại doanh thu 27.058 tỉ đồng, đóng góp 20% vào tổng doanh thu của MWG.

Tập trung trở lại vào mảng kinh doanh cốt lõi

Sau hàng loạt thử nghiệm thất bại, trong năm 2023, lãnh đạo MWG lại quay lại định hướng tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là điện thoại và điện máy.

Cụ thể, MWG dự kiến doanh thu thuần ở mức 135.000 – 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng ở mức 4.200 – 4.700 tỉ đồng, với trụ cột mang lại dòng tiền chính vẫn là chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh (đóng góp 75-80% doanh thu).

Chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp 20-25% doanh thu và được kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ quý 4/2023.

Trong báo cáo phát hành mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect – Mã CK: VND) đánh giá chuỗi Bách Hóa Xanh đang dần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng sau tái cấu trúc giúp doanh thu cửa hàng có thể duy trì được tăng trưởng bền vững và kỳ vọng mạnh hơn vào nửa cuối 2023 trong bối cảnh nền kinh tế dần ổn định.

VNDirect kỳ vọng Bách Hóa Xanh có thể hòa vốn trong quý 3/23 với doanh thu mỗi cửa hàng hàng tháng đạt 1,5-1,55 tỉ đồng, qua đó giúp MWG không còn ghi nhận giá trị lỗ lên đến gần 3.000 tỉ đồng vào năm 2022.

Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận ròng của MWG trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ giảm 16% cùng kỳ, trong đó thegioididong.com và Điện Máy Xanh giảm 39% cùng kỳ và chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ 434 tỉ đồng.

Trong nửa cuối 2023, với việc các yếu tố vĩ mô tốt hơn, VNDirect ước tính MWG ghi nhận lợi nhuận ròng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Chuỗi thegioididong và Điện Máy Xanh tăng 16,7% so với cùng kỳ và Bách Hóa Xanh ghi nhận mức lãi 67 tỉ đồng./.