Thiếu thuốc do cơ chế chưa rõ ràng, TP.HCM triển khai các phương án phản ứng nhanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phản ứng nhanh với tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện do cơ chế chưa rõ ràng, Sở Y tế TP.HCM vừa chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án đảm bảo đủ thuốc điều trị.
TP.HCM triển khai phương án đảm bảo đủ thuốc tại Bệnh viện. Ảnh: SYT
TP.HCM triển khai phương án đảm bảo đủ thuốc tại Bệnh viện. Ảnh: SYT

Phản ứng nhanh để đảm bảo có thuốc

Như báo chí đã phản ánh trong thời gian này, bệnh nhân đang khốn khổ vì tình hình thiếu thuốc điều trị tại nhiều bệnh viện.

Theo thông tin từ lãnh đạo một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, danh mục vật tư y tế và thuốc đã có cụ thể, phân chia rõ những hạng mục nào phải đấu thầu tập trung, hạng mục nào tự mua, như kim truyền dịch là loại vật tư bệnh viện có thể tự mua, nhưng hiện nay các bệnh viện đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính của tình trạng nói trên, theo nhiều lãnh đạo bệnh viện lớn, là do giá nền các loại vật tư y tế và thuốc hiện nay chưa được quy định, niêm yết rõ ràng. Trong khi đó, thời gian qua, việc mua sắm trang thiết bị y tế phải đối mặt với “cơn bão” sai phạm, khiến các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra và điều tra. Do đó, các đơn vị, bệnh viện đều rất e ngại trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư y tế.

Nguyên nhân thứ hai được xác định là hiện có rất nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc kê toa theo đơn do bảo hiểm y tế chi trả đã hết hạn đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn. Chính vì vậy không có nhà cung cấp cho các loại thuốc này, phía bệnh viện và các đơn vị muốn đấu thầu, mua sắm cũng không thể thực hiện được.

Để khắc phục tình trạng chung thiếu thuốc tại nhiều bệnh viện lớn ở nhiều tỉnh thành, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở y tế về việc tổ chức thực hiện mua sắm cũng như triển khai các phương án đảm bảo đủ thuốc tại bệnh viện.
Theo đó, Sở Y tế xây dựng các bước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa với hình thức đấu thầu rộng rãi để các đơn vị thực hiện theo quy định.

Thông tin thêm từ dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM - cho hay, hiện tại tình hình thuốc của TP.HCM ổn định, đã có trên 50% bệnh viện có kết quả đấu thầu và tiếp tục mua sắm thuốc để phục vụ cho công tác chữa bệnh.

Không để tình trạng thiếu thuốc làm khổ bệnh nhân. Ảnh: HCDC

Không để tình trạng thiếu thuốc làm khổ bệnh nhân. Ảnh: HCDC

Cần giải pháp có chiều sâu

Để có giải pháp lâu dài cho vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế”, gặp gỡ nhân viên y tế chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập trên địa bàn. Các bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư đã mạnh dạn bộc lộ những suy nghĩ, nêu ra những khó khăn, lo lắng cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cần có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để bảo vệ nhân viên y tế.

Qua buổi lắng nghe và trao đổi, có thể thấy tâm lý phổ biến nhất hiện nay của các trưởng phòng vật tư, trang thiết bị y tế của nhiều bệnh viện là lo lắng, thậm chí là hoang mang với công việc được giao. Các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau.
Một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện là luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của lãnh đạo bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước như các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua phải là giá thấp nhất.

Chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế” của Sở Y tế TP.HCM

Chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế” của Sở Y tế TP.HCM

Do hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác này chưa thật sự đáp ứng các tình huống đa dạng, các yêu cầu từ thực tiễn, nên cán bộ y tế chuyên trách hoạt động mua sắm, cung ứng, bảo trì trang thiết bị, vật tư y tế đều mong muốn sớm có những quy định pháp lý mới, giống như lĩnh vực mua sắm thuốc.

“Tôi là bác sĩ, nếu được chọn tôi vẫn thích làm chuyên môn hơn là công việc hiện tại. Nhưng vì trách nhiệm, chấp hành phân công của đơn vị tôi cùng các anh em trong phòng cố gắng hết sức làm sao để đúng quy định. Công việc hiện rất áp lực, đòi hỏi tôi phải đầu tư nhiều thời gian, kiểm tra, thẩm định hồ sơ thật kỹ…Mặc dù đã nghiên cứu kỹ, kiểm tra kỹ, nhưng thật sự tôi luôn lo lắng sợ sai mà không biết vì các hướng dẫn chưa bao phủ hết các tình huống trong thực tế,…” – Một trưởng phòng Vật tư, trang thiết bị y tế của một bệnh viện bộc lộ tâm tư với lãnh đạo Sở Y tế.

Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng cấu hình,… nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm.

Sở Y tế TP.HCM cũng dự kiến tham mưu trình UBND TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm tập trung cho các mặt hàng: thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian vừa để hoàn thiện cơ chế mua sắm mới vừa đảm bảo không làm gián đoạn cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.