Giám đốc điều hành CTCP Hàng không Thiên Minh (Hàng không Thiên Minh) Nguyễn Mạnh Quân vừa báo cáo với lãnh đạo Bộ giao thông vận tải (Bộ GTVT) về Dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).
Cụ thể, Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở KH&ĐT Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Hãng dự kiến lập trụ sở chính của Hãng hàng không tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Quân, tổng vốn đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn cố định là 4.500 tỷ đồng, bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng.
Nguồn vốn cố định dự kiến bao gồm 28% từ vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng), 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài (2.970 tỷ đồng).
Tại cuộc họp bàn chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều do Bộ GTVT tổ chức vào hôm 22/10, lãnh đạo Cục HKVN cũng như đại diện nhiều cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đề nghị Thiên Minh làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến vốn quay vòng, phương án tài chính cụ thể và kế hoạch bao lâu có lãi khi bay chính thức.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định hồ sơ của dự án đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Cục hàng không Việt Nam (CAAV) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 92, báo cáo Bộ GTVT, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
“Cục Hàng không Việt Nam sẽ quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 của Công ty Thiên Minh, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo.
Sự cẩn trọng của vị Thứ trưởng Bộ GTVT phần nào phản ánh quan điểm của cơ quan quản lý về việc bảo đảm năng lực giám sát, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng ngành hàng không khi có thêm nhiều hãng bay mới, cùng với đó là những kế hoạch phát triển quy mô đội bay giàu tham vọng.
Được biết, Hàng không Thiên Minh dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 1/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương.
Lý giải thêm về việc lựa chọn ATR72-600 làm phương tiện khai thác chủ lực, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết máy bay này có tổng số ghế 78, tăng 14% so với loại ATR đang khai thác hiện nay tại Việt Nam. Tiêu hao nhiên liệu của ATR72-600 hiện bằng 1/3 tàu phản lực thân hẹp. Thời gian quay đầu chỉ 20 phút. Một máy bay khai thác chỉ cần 4 người trong phi hành đoàn, 2 phi công và 2 tiếp viên.
Mức độ tăng trưởng ấn tượng cùng tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp tư nhân, phần lớn là những “tay chơi” mới muốn lân sân thêm vào lĩnh vực nhiều đặc thù này.
Song, hàng không cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính các doanh nghiệp. “Vết xe đổ” của Thomas Cook mới đây là lời cảnh báo rất đáng lưu ý đối với những doanh nghiệp phát triển trên nền tảng du lịch muốn lấn sân hàng không như Vietravel hay Thiên Minh Group./.