'Thế hệ cúi đầu' và phong trào tìm người yêu bằng vuốt, lướt, thích

Trào lưu tìm người yêu trên mạng ảo không còn xa lạ với giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không tìm hiểu kỹ, 'tình yêu lướt web' có thể mang lại nhiều hệ lụy.

Chiều thứ bảy, Thanh (24 tuổi) hẹn hò với người yêu tên Mỹ. Sau "n" lần đau đầu chọn địa điểm, hai người quyết định đến quán trà sữa quen thuộc. Thanh và người yêu kém một tuổi đang làm việc tại TP.HCM. Họ quen và yêu nhau từ thời sinh viên, đến nay hẹn hò được 3 năm.

Thanh xoay bên trái, tay cầm điện thoại lướt mạng liên tục. Còn Mỹ, cô ngồi vắt chéo chân, người lắc lư theo tiếng nhạc phát ra từ đôi tai nghe, tay trái lắc đều ly trà sữa. Thỉnh thoảng, 9X lại thoăn thoắt những ngón tay "xử lý" những dòng tin nhắn trên màn hình điện thoại.

"Chúng mình hết chuyện để nói với nhau rồi", Thanh cười, xoay mặt nhìn người yêu. Mỹ không bận tâm lắm, khẽ nhìn bạn trai, rồi lại… lướt web.

Câu chuyện tình yêu thời smartphone, lướt web như Mỹ và Thanh từ lâu không còn xa lạ với giới trẻ. Thậm chí, muốn có được "đối tác hẹn hò", nhiều người cũng cần đến sự giúp sức của công nghệ.

12h30, nhân viên cơ quan đã nghỉ trưa. Phong (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) vẫn loay hoay xử lý nốt công việc còn lại, sau một tuần "sấp mặt" hoàn thành deadline. Lấy tay dụi đôi mắt đỏ ngầu, rồi ngả mình trên chiếc ghế tựa, Phong bắt đầu lướt điện thoại.

"Gần tháng nay, mình phải chạy KPI cuối năm, cố gắng hoàn thành công việc, nên không có thời gian ra ngoài", Phong nói, tay tiếp tục lướt mạng xã hội. Khoảng 5 phút sau, anh chàng thoát ra, truy cập ứng dụng hẹn hò.

Hơn 10 phút vuốt trái, phải, tìm đối tượng phù hợp, Phong vẫn "dán mắt" vào màn hình xanh lét. Những dòng "Nope" liên tục hiện ra. 9X chán nản đặt "cục gạch" xuống bàn. "Tớ mất khoảng 158.000 đồng/tháng để biết người ta có thích mình hay không, nhưng vẫn không tìm được ai cả".

Bận công việc, mải kiếm tiền, lo công danh, thích sống ảo, "nghiện" Internet là những lý do khiến không ít chàng trai, cô gái tìm đến ứng dụng hẹn hò. "Cầu" nhiều sinh "cung" lắm, các ứng dụng trên mạng trở thành công cụ không thể thiếu trong việc tìm kiếm người yêu, xây dựng mối quan hệ của nhiều bạn trẻ. Nói cách khác, người trẻ thích "vuốt" để tìm người yêu hơn là "người thật việc thật".

Theo số liệu thống kê về người dùng Tinder năm 2018, ứng dụng này đang chi phối lượng lớn người dùng mạng xã hội. Tinder đã phát triển ở hơn 190 quốc gia, với hơn một triệu lượt người dùng mới mỗi tuần. Mỗi ngày, 1,6 tỷ lượt "vuốt", tìm kiếm người phù hợp.

Một nghiên cứu khác của Global Web Index cho thấy đối tượng sử dụng Tinder ở độ tuổi 16-34 chiếm 38%. Trong số đó, 54% người dùng ứng dụng này còn độc thân. Đặc biệt, "chợ tình yêu trên mạng" này được sử dụng chủ yếu ở đô thị (chiếm 76%).

Ở Việt Nam, phong trào tìm người yêu qua "vuốt, quét, thích" cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát nhanh với 100 người từ 18-25 tuổi, chủ yếu còn độc thân tại TP.HCM. Kết quả cho thấy số người độc thân đang dùng ứng dụng hẹn hò chiếm 72%. Những người này nói muốn xây dựng mối quan hệ nghiêm túc thông qua các cuộc hẹn ảo. 28% còn lại không biết ứng dụng trên là gì nhưng sẽ cài đặt và dùng thử.

Cũng theo kết quả khảo sát, 43% người dùng thất vọng vì không tìm được đối tượng phù hợp trên các ứng dụng hẹn hò. 28% cho biết không thể xây dựng mối quan hệ nghiêm túc trên các ứng dụng tìm bạn, bởi việc xây dựng tình ảo khá khó khăn và khiên cưỡng.

Không chỉ tìm người yêu qua mạng xã hội, giới trẻ ngày nay còn thích thể hiện tình cảm bằng tin nhắn hơn trò chuyện trực tiếp. Buổi tối ghé thăm các quán cà phê, trà sữa trên địa bàn TP.HCM, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đôi yêu nhau ngồi chung bàn, nhưng 2… điện thoại di động như Thanh và Mỹ trong buổi hẹn hò chiều thứ bảy.

"Anh check notice (kiểm tra thông báo) đi. Em vừa tag anh đó", Mỹ liếc người yêu, cười khẽ, sau đó lại cầm ly trà sữa uống, tiếp tục lướt news feed. Hóa ra, Mỹ vừa tag bạn trai xem video hài. Ngồi gần nhau, họ không thích nói chuyện trực tiếp, chỉ nhắn tin.

Cái gì chưa rõ thì tra Google. Khi gõ từ khóa "Cách bắt chuyện với bạn gái qua tin nhắn", có đến 46.400.000 kết quả và "Cách nói chuyện trực tiếp với bạn gái", kết quả trả về chỉ là 22.100.000. Sự chênh lệch trong cách tìm hiểu, làm quen của giới trẻ ngày nay thể hiện khá rõ ràng.

Theo thống kê của We are Social vào tháng 1, Việt Nam có 64 triệu người (chiếm 67%) trên tổng số 96,02 triệu dân sử dụng Internet. Con số này tăng 28% so với thời điểm tháng 1/2017.

Ngoài ra, 55 triệu người được cho là đang dùng tích cực trên các mạng xã hội, chiếm 57% dân số Việt Nam và tăng 20% so với tháng 1/2017. Trong đó, người dùng mạng ở độ tuổi 18-34 chiếm đến 64% tổng số người dùng mạng. Những con số trên phần nào cho thấy giới trẻ thích giao tiếp trên mạng xã hội.

Vì sao nhiều bạn trẻ không thích "face to face" mà chỉ thích nói chuyện tràn lan trên mạng ảo? Văn Cường (23 tuổi, TP.HCM) cho biết trao đổi qua tin nhắn thoải mái hơn nhiều. Việc đối mặt khó nói ra những lời tình cảm, đặc biệt thổ lộ những lời yêu thương không dễ chút nào.

"Từ việc tìm hiểu đối phương đến khi tỏ tình là cả một quá trình. Nói chuyện, xây dựng tình cảm bằng ngôn ngữ viết dễ hơn nhiều. Mình là con gái, tỏ tình trên mạng bị từ chối cũng đỡ ngại hơn", Ngọc Vy (24 tuổi, TP.HCM) nêu lý do.

Luôn có hai mặt của một vấn đề và câu chuyện tình yêu trên mạng ảo thời công nghệ cũng vậy. Không thể khẳng định tất cả người làm quen, yêu qua mạng đều "chơi là chính" và không mang lại hiệu quả, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo việc tìm hiểu "ảo" dễ dẫn đến những kết quả cũng "ảo", không như ý muốn.

Tháng 10/2017, thiếu nữ 16 tuổi ở Đắk Nông bị người tình 20 tuổi sát hại sau khi hẹn gặp nhau qua mạng xã hội. Cô bị đánh ngất xỉu, cướp tài sản và chôn ở hố sâu trong rừng thông.

Trường hợp khác, đầu năm 2017, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử và tuyên phạt 2 bị cáo ở độ tuổi vị thành niên cùng sinh năm 2000 là Nguyễn Văn Chiến (trú tại huyện Mê Linh) 10 năm tù và Nguyễn Đức Tuấn (trú huyện Đông Anh) 8 năm tù về cùng tội giết người.

Vụ án bắt nguồn từ việc Nguyễn Văn Chiến làm quen và nảy sinh tình cảm yêu đương với Nguyễn Thị N.L. (18 tuổi) qua Facebook. Quá trình sử dụng điện thoại của L., Chiến phát hiện bạn gái có những tin nhắn yêu đương với nhiều người khác, nên nảy sinh ghen tuông và hãm hại cô... Chiến cùng Tuấn đã đẩy L. từ tầng 2 xuống đất khiến nạn nhân tử vong.

Nhiều câu chuyện đau lòng khác được phản ánh hàng ngày trên mặt báo khi hai bên chỉ "tìm ảo, yêu nhanh" mà không tìm hiểu kỹ "đối tác" trong đời thật, yêu bằng cảm xúc thật.

TS Mark D. White, Trưởng khoa Triết học, Đại học Staten Island (Mỹ) từng lên tiếng cảnh báo trên truyền thông về hệ lụy của tình yêu thời công nghệ. Theo ông, tình yêu trực tuyến không chỉ mang lại lãng mạn mà kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khó lường. Trong bài viết Tình yêu online: Lãng mạn hay nguy hiểm, vị tiến sĩ cho rằng cách gặp gỡ và kết nối theo kiểu tình yêu công nghệ không phù hợp tất cả.

"Hẹn hò trực tuyến mang đến yếu tố không ngờ. Nó sẽ làm tăng nhu cầu trò chuyện mãnh liệt bởi ngôn từ trên mạng lúc nào cũng hoa mỹ. Vì sao? Do không ai kiểm chứng được đó là thực hay giả. Người trong cuộc như bạn càng không thể kiểm chứng", tiến sĩ Mark nói.

Chuyên gia này khuyên hãy sắp xếp cuộc hẹn để gặp mặt đối phương trước khi tình cảm của bạn trở nên mãnh liệt. Vì biết đâu, bạn sẽ đau lòng khi cuộc gặp gỡ đó không như mong muốn. Đừng lý tưởng hóa ai đó, đến khi gặp mặt lại trở nên thất vọng.

Một nghiên cứu khác của GS tâm lý Larry Rosen (ĐH California, Mỹ) cho rằng tình yêu ảo khiến giới trẻ mất dần cảm xúc, dần trở nên chai sạn với mọi người xung quanh. Đây chính là hệ lụy lớn nhất mà giới trẻ phải cân nhắc.

"Nhiều trường hợp không thể hòa nhập cuộc sống thực sau một thời gian sống trong thế giới ảo. Đáng lo ngại, người trẻ có tri thức cũng đang dần tự kỷ, chỉ biết trò chuyện với những người ảo trên mạng, mà quên mất người thực xung quanh", ông Larry Rosen nhấn mạnh.

Ở Việt Nam, chủ đề này cũng được nhiều chuyên gia quan tâm. Trao đổi với Zing.vn, TS tâm lý Bùi Hồng Quân, cố vấn khoa học, giảng viên cao cấp Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, nêu quan điểm rằng làm quen qua các ứng dụng tìm bạn ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các nước phát triển.

Đây là xu hướng hiện đại, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cá nhân có nhu cầu về các mối quan hệ mới. Tuy nhiên, hình thức này cũng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy đáng tiếc nếu người trong cuộc không thật sự trung thực và tỉnh táo để sàng lọc đối phương.

"Cần xác định đây chỉ là bước khởi đầu của mối quan hệ. Duy trì và phát triển mối quan hệ đó cần phải có thời gian và sự đầu tư của cá nhân, trong đó không thể thiếu những lần gặp gỡ, thể hiện tình cảm trực tiếp ngoài đời thực. Nếu mối quan hệ chỉ gắn liền không gian mạng, tình cảm đó đóng khung trên thế giới ảo và khó đi đến những kết quả tốt đẹp ngoài cuộc sống thực", TS Hồng Quân khẳng định.

Bàn về việc yêu nhau nhưng chỉ thích nhắn tin qua mạng xã hội, ông Quân cho rằng đây chưa phải tình yêu trọn vẹn, và không thể kéo dài trong tương lai.

"Có thể, sau khi làm quen với nhau trên mạng, trò chuyện từ xa, hai người sẽ phát sinh cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, họ không thể thiếu những cuộc gặp gỡ trực tiếp, chia sẻ ngoài đời thực để cả hai hiểu nhau hơn và xác tín tình cảm dành cho người còn lại", ông Quân chia sẻ.

Một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen. Bạn trẻ nếu chỉ thể hiện tình cảm qua tin nhắn sẽ không thể có được kỹ năng thể hiện tình cảm trong đời sống thực.

Theo Zing

http://news.zing.vn/the-he-cui-dau-va-phong-trao-tim-nguoi-yeu-bang-vuot-luot-thich-post895545.html