Ít người nghĩ rằng năm 2022 sẽ xảy ra những cú sốc lớn đến vậy sau 2 năm đại dịch hoành hành khiến cho nhiều nước đóng cửa biên giới, hàng loạt lệnh phong tỏa được áp dụng và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thế nhưng bất ổn địa chính trị gây ra do cuộc chiến của Nga ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng kéo theo nó khiến cho viễn cảnh năm 2023 thêm phần ảm đạm, đẩy giá vàng lên mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mốc 2.000 USD/troy ounce trong tháng 3, giữa lúc các nhà đầu tư mua vàng như một thứ tài sản an toàn.
Đây là diễn biến đã được giới chuyên gia về vàng dự báo từ trước. Tuy nhiên, thị trường vàng không đơn giản như vậy. Vàng tỏa sáng ngay trong năm mà lãi suất được nâng lên nhằm kiềm chế lạm phát, khiến các nhà đầu tư tổ chức bán vàng, mua trái phiếu bởi lợi suất của trái phiếu chính phủ cao lên và quá hấp dẫn để họ bỏ lỡ.
Vàng hiện đang được giao dịch ở mức 1.780 USD/troy ounce, sau khi Fed nâng lãi suất từ mức gần 0 lên khoảng 4,25-4,5%, bao gồm cả đợt nâng lãi suất mới đây nhất trong tuần trước. Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất. Điều này khiến giá kim loại vàng vượt lên trên mức thấp trong tháng 9 là 1.600 USD và mức giá trung bình của những năm 2010 là 1.350 USD.
Christopher Louney, chiến lược gia hàng hóa tại RBC, gọi đây là “trò kéo co dai dẳng” giữa các yếu tố tài chính tiêu cực đang kéo giá vàng đi xuống và sự cuốn hút của vàng với vị thế tài sản dự trữ an toàn trong bối cảnh rủi ro hoặc lạm phát.
Nhưng năm 2022 sắp khép lại. Điều mà giới đầu tư, bao gồm cả những người đang muốn tiết kiệm, cần phải biết là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Financial Times đã nêu những tín hiệu đáng chú ý trên thị trường vàng.
Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất trong năm 2022 (Ảnh: Getty) |
Chuyển hướng hay không chuyển hướng?
Đối với năm 2023, vàng lên hay xuống còn tùy thuộc vào hàng loạt yếu tố khác nhau, từ việc ngân hàng trung ương thu mua cho tới việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, và các rủi ro địa chính trị, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan, và căng thẳng ở Trung Đông.
Nhưng cuộc tranh luận nóng bỏng nhất hiện nay chính là tác động qua lại giữa lạm phát và sự can thiệp của ngân hàng trung ương.
“Tác động lớn nhất đến giá vàng chính là chính sách lãi suất của Fed và lãi suất thực của Mỹ. Tất cả là về chi phí cơ hội khi sở hữu vàng,” Bernard Dahdah, chuyên gia phân tích hàng hóa kỳ cựu đến từ Natixis, ngân hàng đầu tư của Pháp, nói. “Câu hỏi lớn là: liệu Fed có chuyển hướng đi hay không?”
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn đã đẩy đồng USD lên cao, khi các nhà đầu tư bán trái phiếu bằng các loại tiền tệ khác để quay sang mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều này khiến vàng không còn tỏa sáng.
“Việc nắm giữ vàng khi lãi suất bằng 0 là một chuyện, nắm giữ vàng khi lãi suất ở mức 4% lại là chuyện khác,” Giles Parkinson, giám đốc quản lý các quỹ toàn cầu tại hãng Close Brothers Asset Management, nói.
Giới đầu tư đang đánh giá tác động của đợt nâng lãi suất mới đây nhất của Fed. Kể cả Fed chỉ nâng lãi suất chỉ 0,5 điểm phần trăm, tiếp theo nhiều đợt nâng 0,75 điểm phần trăm, giá vàng vẫn giảm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo ông không thể đảm bảo rằng dự báo của Fed về mức lãi suất đỉnh sẽ không thay đổi một lần nữa.
Tuy nhiên, có sự đồng thuận trên các thị trường Mỹ rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa sau của năm 2023. Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott, hãng quản lý tài sản chuyên về kim loại quý, nói rằng vàng với vị thế tài sản dự trữ an toàn rất cuốn hút bởi xuất hiện nguy cơ suy thoái và bất ổn tài chính, và trong thời điểm mà “lãi suất có thể được nâng cao hơn và đồng USD quá khỏe mạnh.”
Ông cho rằng Fed đã đánh tín hiệu về việc giảm nhịp độ nâng lãi suất sau khi nhận thấy những số liệu về lạm phát thấp hơn so với kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 là 7,1%, thấp hơn mức 7,3% mà các nhà kinh tế học dự báo, đẩy giá vàng lên trên 1.800 USD nhờ kỳ vọng của thị trường rằng Fed có thể sẽ áp dụng chính sách nhẹ tay hơn để kiềm chế lạm phát.
Theo Wong, những sự thay đổi này đã giúp các loại kim loại quý trở thành nhóm tài sản tốt nhất trong tháng 11, vượt trội so với vốn cổ phần, USD và trái phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có bằng chứng để ủng hộ cho luận điểm ngược lại rằng Fed sẽ tiếp tục cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát, đó là khoảng cách giữa chi phí vay mượn ngắn hạn và dài hạn ở Mỹ đã đạt đến điểm rộng nhất trong vòng chỉ hơn 40 năm.
Trong tháng này, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm ở mức 4,2%, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm là 3,4%, nâng khoảng cách giữa hai mức lợi tức này lên 0,84 điểm phần trăm.
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nói rằng “còn quá sớm để dự đoán về việc Fed chuyển hướng” và “chưa phải lúc để mua vàng”. Nhưng ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng trong năm 2023, sẽ có một giai đoạn mà các nhà đầu tư hứng thú mua vàng, khi thị trường bắt đầu đánh hơi được rằng Fed sẽ giảm lãi suất.”
Khủng hoảng nợ đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới (Ảnh: SeekingAlpha) |
Khủng hoảng nợ và lạm phát dai dẳng
Giới chuộng vàng đã nêu bật nỗi lo rằng diễn biến có thể tồi tệ hơn so với Fed kỳ vọng. Vàng đã chứng minh được giá trị của nó trong những đợt kinh tế suy giảm trước đây, đem đến lợi nhuận trong 5 trên 7 cuộc suy thoái xảy ra từ năm 1973 đến nay, bao gồm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cú sốc do đại dịch COVID-19, theo World Gold Council, một tổ chức công nghiệp.
Giới chuộng vàng cho rằng những khối nợ khổng lồ trên toàn thế giới có thể buộc các ngân hàng trung ương phải đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn so với dự định.
Tỷ lệ nợ/GDP của thế giới hiện ở mức 247%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2007 (dưới 200%), theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hoạt động vay mượn để chi tiêu cho hoạt động chống dịch COVID-19 gây ra khoản nợ còn lớn hơn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn sau đó.
Phần lớn các khoản nợ là bằng đồng USD. Sức khỏe của đồng tiền này đã thổi phồng những khoản nợ của những bên đi vay, trong khi trả lãi cũng tốn kém hơn vì lãi suất cao.
Peter Marrone, Chủ tịch của Yamana Gold, công ty khai thác vàng Canada, nói rằng các ngân hàng trung ương không thể cứ mãi duy trì mức lãi suất cao khi mà gánh nặng về nợ ở các nền kinh tế nghèo hơn đang tăng dần, đây cũng là điều mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo trong tháng này.
“Điều gì sẽ xảy ra với tất cả đống nợ đó khi đồng USD tăng giá, các đồng tiền khác giảm giá và lãi suất tăng lên?” Marrone nói. “Đơn giản là không thể duy trì mãi tình trạng đó, và đến một thời điểm, các ngân hàng trung ương sẽ phải công nhận điều này.”
Marrone cũng cảnh báo rằng có nguy cơ cao về sự trở lại của “lạm phát kịch tính” như kiểu những năm 1970, bởi sức ép về giá đang bị điều khiển bởi những vấn đề có hệ thống, ví dụ như thiếu hụt lao động và thiếu đầu tư mà chính sách tiền tệ không thể giải quyết.
Trên thực tế, giá vàng đã thực sự cán mốc cao nhất từ trước đến nay vào năm 1980 khi vượt mốc 800 USD/troy ounce, theo Marrone. Được điều chỉnh theo giá trị hiện nay của đồng USD, mức giá này là gần 2.700 USD/troy ounce. Bởi vậy, ông cho rằng giá vàng vẫn có thể tăng.
Robert Crayfourd, quản lý của quỹ CQS Natural Resources Growth & Income, nói rằng “có khả năng mọi thứ sẽ đổ vỡ. Chúng tôi tin rằng vàng là thứ tài sản bảo hiểm có giá khá rẻ.”
Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận về sức hấp dẫn trong ngắn hạn của vàng dựa trên kỳ vọng Fed sẽ chuyển hướng, nhưng một số quản lý quỹ vẫn coi nhẹ sức hấp dẫn của nó trong dài hạn.
Vàng hiện đang phải đối mặt với “làn gió ngược thế hệ” do một thế hệ các nhà đầu tư trẻ tuổi của phương Tây chưa hiểu rõ về nó trong khi hứng thú hơn với tiền mã hóa, thêm nữa là vàng không đóng vai trò trong quá trình chuyển dịch xanh, theo Nicky Shiels, người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại tại MKS PAMP, một tổ chức kim loại quý.
Vàng cũng không sản sinh ra thu nhập – trong khi các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức lớn, có nhiều hạng mục đầu tư sinh lợi hơn bao giờ hết.
“Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của vàng là nó không có lợi tức,” Parkinson nói. Ông thêm rằng có nhiều thứ tài sản vẫn mang lại lợi nhuận cao ngay cả trong giai đoạn suy thoái.
Luận điểm này sẽ càng được củng cố nếu như xảy ra trường hợp lạm phát được kiềm chế mà không gây nhiều hậu quả, và đà phục hồi kinh tế vững chắc của Mỹ và châu Âu. Môi trường như vậy, theo ông Dahdah, “sẽ có lợi cho các tài sản khác thay vì vàng.”
Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể tác động xấu tới thị trường vàng, theo John Reade, trưởng chiến lược gia thị trường tại World Gold Council (WGC). “Lạm phát tăng có thể gây trở ngại cho vàng, bởi Fed sẽ càng thắt chặt chính sách một cách nhanh chóng hơn. Nguyên nhân có thể là do Trung Quốc mở cửa trở lại.”
Nên hay không nên mua vàng trong năm 2023? (Ảnh: Getty) |
Nên hay không nên mua vàng?
Tuy nhiên, giới chuộng vàng lại có một luận điểm khá vững chắc khác. Một yếu tố sẽ giúp vàng tỏa sáng chính là mức độ kỷ lục trong mua vàng của ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng trong quý 3 – con số lớn nhất tính từ năm 2000, thời điểm mà dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận – theo WGC. Lượng vàng mà các ngân hàng trung ương thu mua trong 9 tháng đầu năm 2022 đã vượt qua bất kỳ năm nào tính từ 1967.
Giới quan sát ngờ rằng Trung Quốc và Nga đứng đằng sau những đợt mua vàng này bởi họ muốn đa dạng hóa tài sản nắm giữ sau khi các đồng minh phương Tây đóng băng 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Điều này phần nào được xác nhận cách đây không lâu khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) báo cáo lượng vàng mà họ nắm giữ đã tăng thêm 32 tấn trong tháng 11.
Thêm nữa, việc các ngân hàng trung ương mua vàng diễn ra trong lúc mà nhiều nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tìm đến vàng.
Họ bắt đầu mua vàng thỏi và vàng xu do lo ngại rằng lạm phát có thể kéo dài hơn so với kỳ vọng của các quản lý quỹ chuyên nghiệp, theo dữ liệu của WGC. Và có lẽ họ còn lo ngại hơn về các rủi ro địa chính trị, như cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan.
“Các nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ dường như tin vào ý tưởng rằng đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu là giải pháp an toàn trong những giai đoạn lạm phát cao và kinh tế suy giảm,” Alan Goldberg, chuyên gia phân tích đến từ BestBrokers, nói.
Các giao dịch mua trang sức đã tăng lên nhờ việc người tiêu dùng ở Trung Quốc và Ấn Độ trở lại cuộc sống thường nhật sau đại dịch COVID-19 trong quý 3 năm nay, trong khi nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011, tăng 36% so với năm ngoái.
Ngoài ra, vàng có thể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tiền mã hóa, sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX. “Khi tiền mã hóa đang trong trạng thái kiệt quệ, chúng tôi cho rằng vàng sẽ trỗi dậy như một thứ tài sản không thể bị mất phẩm chất,” Louney nói.
Nhưng các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư cá nhân không phải là toàn bộ thị trường. Các nhà đầu tư tài chính lớn nhất – nhà đầu tư tổ chức – vẫn chưa bị thuyết phục bởi luận điểm ủng hộ vàng.
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng, được thống trị bởi các nhà đầu tư tổ chức, đã trải qua nhiều đợt dòng vốn ra trong 7 tháng liên tiếp. Một số quản lý quỹ nói rằng cơn bĩ cực này sẽ chỉ tăng thêm trong thời điểm cuối năm khi các danh mục đầu tư được đánh giá lại và chi phí cơ hội nắm giữ vàng có thể trở thành tâm điểm.
Những người chuộng vàng cho rằng mọi chuyện đều sẽ diễn biến tốt khi viễn cảnh kinh tế ổn định. Nhưng nó không hề ổn định. Shaun Usmar, giám đốc điều hành của công ty Triple Flag Precious Metals chuyên về kim loại quý, nói rằng: “Các bạn nghĩ thế giới trong năm 2023 sẽ điên rồ hơn hay ít điên rồ hơn năm 2022?”
Nhiều nước tăng tích trữ vàng trước nỗi lo suy thoái
Giá vàng đang trải qua một năm tồi tệ. Tại sao?
Mối tương quan với vàng ngày càng tăng, Bitcoin đang trở thành tài sản trú ẩn an toàn?
Theo Financial Times
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu