Nhiều nước tăng tích trữ vàng trước nỗi lo suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vàng vẫn được xem là lựa chọn ưa thích đối với nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Trên phương diện vĩ mô, vàng còn là “tấm lá chắn” trước suy thoái kinh tế.
Nhiều nước tăng tích trữ vàng trước nỗi lo suy thoái
Nhiều nước tăng tích trữ vàng trước nỗi lo suy thoái

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 399 tấn vàng (trị giá khoảng 20 tỉ USD) trong quý 3/2022, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Hoạt động này đưa tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua vào sau 9 tháng đầu năm 2022 lên mức 673 tấn, mức kỷ lục kể từ năm 1967, theo WGC.

Đồng thời, nó cũng làm dấy lên suy đoán rằng các quốc gia như Trung Quốc hoặc Nga có thể đang tăng cường tích trữ vàng.

Nguồn: Trading Economics

Nguồn: Trading Economics

Theo Trading Economics, tính tới ngày 22/9, Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, lên tới 8.133 tấn vàng. Tiếp đến là Đức với 3.355 tấn vàng. Trong khi đó, dự trữ vàng của Trung Quốc và Nga lần lượt đạt 1.948 và 2.299 tấn.

Ngày 7/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng thêm 32 tấn, trị giá khoảng 1,8 tỉ USD - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2019.

Đây là lần đầu tiên dự trữ vàng ở nước này được ghi nhận có sự thay đổi kể từ năm 2019. Dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc đạt 1.980 tấn vào cuối tháng 11/2022, trị giá khoảng 112 tỉ USD.

Việc các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ vàng được cho là một trong những động thái nhằm ứng phó với một cuộc khủng hoảng sắp tới. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc nắm giữ vàng còn mang đến nhiều lợi ích khác.

Tại sao nên dự trữ vàng?

An toàn và ổn định

So với chứng khoán, bất động sản hoặc kinh doanh, vàng được cho là ít rủi ro hơn ngay cả khi kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng.

Vàng vẫn được xem là biểu tượng của sức mạnh và ổn định tài chính, là 'hàng rào bảo vệ' khi kinh tế rơi vào suy thoái.

Vàng cũng là “đồng tiền” dễ dàng qui đổi ra các loại đồng ngoại tệ khác để đảm bảo không mất giá.

Giá vàng luôn có xu hướng tăng

Từ khi con người phát hiện ra vàng và sử dụng làm công cụ trao đổi, cho đến nay, sự phát triển của ngành công nghiệp và trang sức đã khiến giá trị của vàng tăng lên nhanh chóng.

Trong dài hạn, giá vàng cũng có xu hướng tăng và bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng thị trường, người dùng có xu hướng tích trữ nhiều vàng hơn làm giá vàng tiếp tục tăng mạnh.

Có giá trị cao và không bao giờ lỗi thời

Vàng đặc biệt không bao giờ lỗi thời. Vàng được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống, nhiều nhất là dùng vàng làm đồ trang sức, làm quà tặng, của hồi môn, chế tác các vật dụng trang trí nhà cửa… Vàng là biểu tượng của sự giàu sang và phú quý.

Kim loại vàng được phát hiện và khai thác với sản lượng rất ít so với than đá hay các kim loại khác. Chính vì vậy, giá của nó cao gấp nhiều lần. Hơn nữa, việc dò tìm những mỏ vàng tốn kém nhiều chi phí, quá trình khai thác, gia công lại mất thời gian và công sức. Các yếu tố đó đã đẩy giá vàng lên rất cao.

Thói quen truyền thống

Quan niệm cất giữ vàng bạc đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người vì giá trị của vàng không sản phẩm nào có thể thay thế được. Vàng là biểu tượng của giàu sang phú quý và quyền lực.

Việc tích trữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính của bản thân và gia đình. Người dân mua vàng không chỉ nhằm mục đích đợi tăng giá mà còn muốn phòng thủ tài chính, tạo cảm giác an toàn, khi có việc cần đến có thể bán được ngay mà không mất giá.

Bên cạnh đó, vàng còn là của hồi môn không thể thiếu trong các đám cưới. Ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ… vàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cả kinh tế cũng như đời sống tinh thần./.