Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy Nguyễn Thủy Nguyên mới đây đã gửi thư ngỏ tới các đạo diễn, diễn viên đã, đang cộng tác với Hãng phim truyện Việt Nam; Hội đồng thành viên, Ban giám đốc cùng tập thể người lao động Hãng.
Lá thư này được gửi chỉ ít giờ sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công khai lý do thực sự khiến Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) phải tiến hành cổ phần hoá sau mấy chục năm tồn tại.
Ông Nguyên cho biết, là một người lớn lên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, các tác phẩm điện ảnh kinh điển được thực hiện bởi Xưởng phim truyện Hà Nội, sau đó là Xưởng phim truyện Việt Nam (tiền thân của Hãng) nhưChung một dòng sông, Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Biệt động Sài Gòn, Đêm hội Long Trì, Thằng Bờm… không chỉ khơi dậy niềm đam mê điện ảnh, mà còn góp phần hình thành nên tính cách, lối sống của vị đại gia này trong suốt những năm tháng học tập trên ghế nhà trường hay trong quân ngũ.
“Chính vì vậy, đối với tôi và các cổ đông tại Tổng công ty Vận tải thủy, Hãng phim truyện Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh của nó là một di sản văn hóa quý giá, rất đáng trân trọng của đất nước”, ông Nguyên khẳng định.
Bên cạnh niềm đam mê điện ảnh, vị đại gia này khẳng định, lợi nhuận là yếu tố quan trọng hàng đầu khi Tổng công ty Vận tải thủy bỏ vốn đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, ông này đã nhận được nhiều lời khuyên rằng không nên mạo hiểm đầu tư vào Hãng.
“Chỉ cần bớt chút thời gian để đọc bản cáo bạch trong phương án cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố sẽ thấy những lời khuyên đó không phải không có lý. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm; trang thiết bị lạc hậu, không đồng bộ; nhà xưởng cũ nát; toàn bộ đất đai Hãng thuê của Nhà nước đều chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, nợ thuế đất kéo dài. Việc thay đổi phương án khai thác, sử dụng đất dù tốn kém và cần thiết nhưng rất khó khăn, thậm chí ẩn chứa nhiều rủi ro do liên quan quy hoạch của Hà Nội và TP.HCM”, ông Nguyên chia sẻ.
Trên thực tế, việc Tổng công ty Vận tải thủy là nhà đầu tư duy nhất đăng ký trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam dù Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Hãng, đơn vị tư vấn cổ phần hóa đã công bố công khai trong suốt thời gian khá dài, tự nó nói lên được nhiều điều.
Ông Nguyên cho biết là nếu tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn hay trông đợi vào quỹ đất tiềm ẩn nhiều rủi ro như đã nói ở trên, chúng tôi chắc chắn không đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy đang gặp rất nhiều khó khăn, Hãng vẫn sở hữu một nền tàng tốt để có thể phục hồi, phát triển và hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận từ chính ngành nghề chính: sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện ảnh.
Tổng công ty Vận tải thủy có nghĩa vụ phải khẳng định lại rằng: chúng tôi sẽ thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đã ký với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; với cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam.
Ngoài việc đồng hành lâu dài, Tổng công ty cam kết bố trí việc làm đúng năng lực, chuyên môn công tác của người lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật khi Hãng phim truyện Việt Nam chuyển sang công ty cổ phần. Tổng công ty Vận tải thủy với tư cách là cổ đông chi phối cam kết dùng một phần vốn tối thiểu bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu và sử dụng hợp lí quỹ đất mà công ty hiện đang quản lý cho lĩnh vực văn hóa điện ảnh. Quan trọng hơn, Hãng sẽ 3 người đại diện tham gia vào các vị trí lãnh đạo gồm: thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc và ban kiểm soát tại công ty cổ phần.
“Chúng tôi sẽ cho Hãng phim truyện Việt Nam vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên tính hiệu quả và sự phù hợp của Phương án sản xuất kinh doanh của Hãng phim truyện Việt Nam; giới thiệu các đối tác có tài chính, có nhu cầu truyền thông, quảng cáo để Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá, truyền thông… làm tăng nguồn thu cho Hãng phim truyện Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.
Về định hướng phát triển hãng, cổ đông lớn này cho rằng, việc khôi phục, vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam là một thử thách rất lớn và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nhất khi chúng ta cùng kiên định theo đuổi mục tiêu đưa ra công chúng các sản phẩm điện ảnh chính thống, giàu tính nhân văn nhưng cũng phục vụ được số đông khán giả. Tương tự như thế, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu, mang tính sống còn.
Sẽ phải có sự thay đổi toàn diện trong tư duy làm phim, trong cách tiếp cận thị trường để các sản phẩm điện ảnh do Hãng sản xuất trong thời gian tới mang được hơi thở của cuộc sống. Đây là lối ra duy nhất để hãng tới gần hơn công chúng qua đó có thể cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên; tái đầu tư tích lũy để có những tác phẩm điện ảnh lớn.
Là những người ngoại đạo, chúng tôi trông cậy hoàn toàn vào các anh, các chị lãnh đạo, cán bộ, đạo diễn đương nhiệm trong việc xây dựng một phương án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao.
“Cùng với hỗ trợ tài chính như cam kết, chúng tôi sẽ cố gắng sớm tìm ra mô hình quản trị tối ưu theo hướng không can thiệp sâu vào chuyên môn, vào hoạt động sáng tạo”, ông Nguyên nói.
Chia sẻ lý do vì sao lại bán Hãng phim truyện Việt Nam cho Tổng công ty Vận tải thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014 “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
“Mục tiêu của cổ phần hóa là làm sao để vực dậy được hãng phim. Trong cam kết này nếu Công ty Vận tải thủy không thực hiện phải bồi thường thiệt hại, nếu sử dụng đất không đúng mục đích sẽ đề nghị Hà Nội thu hồi”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.
Đặc biệt, không để mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Tên mới của VFS sau khi cổ phần sẽ là “Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam”. Tuy nhiên, thương hiệu này không tính được bằng tiền trong cổ phần hóa vì theo quy định, nếu tính thương hiệu phải tính từ quảng cáo và lãi. Hiện, ngoài 20% cổ phiếu của nhà nước giữ thì người lao động trong VFS cũng kiểm soát 5% cổ phiếu, ngoài ra, 10.5% cổ phiếu sẽ được bán ra ngoài thị trường. Ba người đại diện sẽ có trách nhiệm báo cáo cho Bộ nếu có sai phạm.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định, con số nợ của VFS hiện là hơn 90 tỷ đồng, vốn thực xác định còn 19,7 tỷ. Khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo luật đây là đất thuê của nhà nước nên khi chuyển cổ phần nên không được tính giá trị đất. Điều này cũng được áp dụng với tất cả các mảnh đất hiện VFS quản lý.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy…
Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam. Năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phẩn hóa, chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy.
Theo Đầu tư