Dấu ấn cổ đông ngoại ở Amigo Technologies
Tháng 11/2016, Fintechnews dẫn nguồn tin cho hay, Credit China FinTech Holdings Limited – nhà cung cấp dịch vụ tích hợp fintech có trụ sở Hongkong muốn chi 12,73 triệu USD (gần 300 tỉ đồng) để sở hữu xấp xỉ 51% cổ phần phát hành thêm của CTCP Công nghệ Bằng Hữu (Amigo Technologies).
Khi ấy, Amigo Technologies là đối tác chiến lược của nhiều nhà cung cấp giải pháp CNTT và thiết bị, bao gồm IBM, HP, Dell, Oracle và Microsoft và được đánh giá là một trong 5 nhà cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu tại Việt Nam.
Tới tháng 8/2017, Amigo Technologies tăng vốn từ 50,5 tỉ đồng lên 74,4 tỉ đồng.
Các cổ đông trong nước bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Thiên Bình (14,9% VĐL), Công Ty TNHH Đầu Tư Linh Dương (13,18% VĐL), Công Ty TNHH Đầu Tư Nam Phan (13,18% VĐL), và CTCP Đầu Tư Sao Thổ (4,39% VĐL), ông Nguyễn Anh Minh (1,62% VĐL), ông Lê Đức Minh (0,57% VĐL), bà Ngô Lan Phương (0,57%VĐL), ông Vương Anh Đức (0,57% VĐL).
Cổ đông ngoại Champion Crest Enterprises Limited (trụ sở tại British Virgin Islands) nắm giữ 3,79 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ sở hữu 50,9% vốn điều lệ. Đến tháng 4/2021, Champion Crest Enterprises Limited đã chuyển nhượng 6% cổ phần Amigo Technologies cho Sbwin International Trading Pte. Ltd (Singapore).
Với sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại, dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu và quy mô của Amigo Technologies được cải thiện rõ rệt.
Năm 2017, Amigo Technologies ghi nhận doanh thu đạt 542 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 33,3 tỉ đồng, lần lượt tăng 1,6 lần và 22,3 lần so với năm 2016. Tại ngày 31/12/2017, quy mô tổng tài sản của Amigo Technologies đạt 675,5 tỉ đồng, tăng 3,6 lần so với cuối năm 2016.
Các năm sau đó, Amigo Technologies vẫn duy trì đà tăng trưởng doanh thu ở mức hai chữ số. Tới năm 2019, doanh thu của Amigo Technologies cán mốc nghìn tỉ, đạt 1.001,5 tỉ đồng.
Cũng khó có thể bỏ qua vai trò của các nhà đầu tư trong nước tại Amigo Technologies, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Lê Đức Minh (SN 1977).
Song, theo một dữ liệu của VietTimes, vào tháng 1/2017, các cổ đông nội tại Amigo Technologies đã thế chấp toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho nhà đầu tư ngoại Champion Crest Enterprises Limited.
Ít tháng sau, CTCP Đầu Tư Sao Thổ, Công Ty TNHH Đầu Tư Linh Dương, Công ty TNHH Đầu tư Thiên Bình, Công Ty TNHH Đầu Tư Nam Phan, vợ chồng doanh nhân Lê Đức Minh – Ngô Lan Phương góp vốn thành lập CTCP Red Summit, hoạt động trong lĩnh vực viễn thông không dây. Đây cũng là động thái mở đầu cho loạt thương vụ đầu tư khác sau này.
'Cuộc chơi' mới của những 'ông chủ' Việt ở Amigo Technologies
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Trần Quốc Hoàn (SN 1981) – Giám đốc kiêm người đại diện của CTCP Red Summit – hiện còn đứng tên ở nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đa số các doanh nghiệp này được thành lập trong năm 2020, liên quan tới Công ty TNHH Đầu tư Thiên Bình (Thiên Bình Investment) của vợ chồng ông bà Lê Đức Minh – Ngô Lan Phương.
Trong đó, có thể kể tới một số cái tên như: Công ty TNHH Điện mặt trời Thái Dương Cần Thơ, Công ty TNHH Điện mặt trời Thái Dương Đồng Nai, CTCP Đầu tư điện mặt trời Thái Dương, CTCP Điện mặt trời Thái Dương Hà Tĩnh, CTCP Điện mặt trời Thái Dương Bình Dương, CTCP Điện mặt trời Thái Dương Thanh Hoá.
CTCP Đầu tư Điện mặt trời Thái Dương (TDSP) được thành lập vào ngày 11/6/2020, có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: Thiên Bình Investment (33,33% VĐL), ông Phạm Anh Tuấn (33,33% VĐL), ông Hoàng Phương (33,34% VĐL). Doanh nghiệp này đang phát triển dự án Điện mặt trời áp mái Bình Dương 2.
Tháng 10/2020, TDSP, Thiên Bình Investment và các ông Phạm Anh Tuấn, Hoàng Phương góp vốn thành lập CTCP Điện mặt trời Thái Dương Thanh Hoá, đầu tư vào dự án Điện mặt trời áp mái Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Anh Minh – cổ đông đứng tên 1,62% vốn Amigo Technologies – hiện là giám đốc của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Tài Chính (Việt Tài Chính).
Công ty này được thành lập vào tháng 4/2017, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Tạ Hùng Quốc Việt (55% VĐL), ông Nguyễn Quang Việt (40% VĐL) và ông Nguyễn Anh Minh (5% VĐL).
Ông Tạ Hùng Quốc Việt, nên biết, còn đứng tên ở nhiều pháp nhân như: CTCP Tập đoàn Greenhill (Greenhill Holdings), Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đất Việt, CTCP Tập đoàn Đầu tư trí tuệ Nhân tạo – Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ - Đại học Quy Nhơn (AIQ), CTCP Kho cảng xăng dầu Việt Nam, CTCP Greenhill Village (Greenhill Village).
Trong đó, Greenhill Village là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2018, phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 vào tháng 1/2019.
Phối cảnh khu căn hộ của dự án Greenhill Village |
Tới tháng 7/2020, Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital) đã nhận chuyển nhượng 45% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Greenhill Village.
Phía VietinBank Capital cho hay, Greenhill Village thuộc nhóm công ty sở hữu nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa trải dọc miền Bắc, Duyên hải miền Trung và miền Nam.
Ngày 18/6/2021, Greenhill Village đã chào bán riêng lẻ thành công 180 tỉ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước.
Sô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản hình thành trong tương lai tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 18/12/2020, Greenhill Village đã tăng vốn điều lệ từ 720,1 tỉ đồng lên 1.101,5 tỉ đồng./.