Theo thống kê của công ty, trong số hơn 1.200 hành khách lên bờ, đã có hơn 1.000 người đã rời Campuchia bằng các chuyến bay thuê bao của chính phủ. Trong số đó, có 137 hành khách đã đi cùng bệnh nhân tới Malaysia rồi bay đi các nơi, bao gồm Mỹ, Hà Lan và Australia.
Một số chuyên gia nhận xét rằng công việc thống kê này là khó khăn và quy mô ngoài ý muốn, có thể tạo thành một “bước ngoặt” trong sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Holland America Line cho biết họ sẽ hợp tác với cơ quan y tế các quốc gia có liên quan và WHO để xác nhận điểm đến của các hành khách và theo dõi tình trạng của những người bị nghi ngờ tiếp xúc.
Tàu Westerdam cập cảng Sihanoukville hôm 13/2 (Ảnh: AFP)
|
Sau khi hơn ngàn người rời đi, một hành khách được xác nhận bị bệnh
Tàu du lịch Westerdam thuộc sở hữu của hãng Holland America Line, khởi hành từ Hồng Kông vào ngày 1/2. Sau khi bị nhiều quốc gia và khu vực từ chối cho vào cảng, nó được phép dừng chân tại Sihanoukville, Campuchia vào ngày 13/2. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đích thân tới bến cảng để chào đón các hành khách vào ngày hôm sau.
Trong vài ngày sau đó, đã có hơn 1.200 trong số 2.257 người trên tàu (gồm 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn) đã rời tàu lên bờ.
The New York Times mô tả rằng sau hai tuần trôi dạt trên biển, một số người trên tàu đã đến các khu vực địa phương để tham quan, thưởng thức các món ăn và mát-xa, trong khi những người khác tiếp tục đi tới các nơi trên thế giới.
Vào ngày 14/2, 145 hành khách đã được đưa tới Malaysia bằng một chuyến bay thuê bao do chính phủ Mỹ sắp xếp. Một phụ nữ 83 tuổi trong số này bị phát hiện sốt khi kiểm tra thân nhiệt tại sân bay và được kết luận bị COVID-19 vào ngày hôm sau. Bà đã bị cách ly cùng với người chồng.
1.200 hành khách đã lên bờ ở Sihanoukville (Ảnh: AFP)
|
Mặc dù phải đối mặt với những nghi ngờ từ Bộ Y tế Campuchia và hãng tàu Holland America Line, nhưng Phó Thủ tướng Malaysia, bà Wan Azizah Ismail chiều 16/2 tuyên bố kết quả xét nghiệm thứ hai vẫn là dương tính với nCoV. Xem xét tới việc tiếp xúc với bệnh nhân, Malaysia đã cấm những hành khách còn lại của tàu Westerdam được nhập cảnh Malaysia.
Khách đã đi khắp ba châu lục, hãng tàu khẩn cấp truy tìm
Hãng Reuters ngày 17/2 đưa tin, hãng tàu Holland America Line cho biết họ đang hợp tác với chính phủ và ngành y tế Malaysia, Campuchia, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ và WHO để truy tìm những hành khách đã rời khỏi Westerdam và đi đến các nơi khác trên thế giới. .
Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng hiện có hơn 1.000 người đã rời khỏi thủ đô Phnom Penh, Campuchia trên các chuyến bay thuê bao của chính phủ và hiện đang trên đường trở về nhà. Trên tàu Westerdam vẫn còn 980 người (233 hành khách, 747 thành viên thủy thủ đoàn) đã không xuống tàu.
Tàu Westerdam bị 5 quốc gia và khu vực từ chối cập cảng trước khi vào Sihanoukville (Ảnh: CNBC)
|
Hãng tin Nhật Kyodo cho biết, khoảng 405 hành khách ngày 14/2 đã đáp máy bay thuê bao tới Phnom Penh hoặc Kuala Lumpur. Vào ngày 15/2, 769 hành khách và 66 thành viên thủy thủ đoàn đã rời Campuchia bằng máy bay.
Một hành khách 66 tuổi người Australia tiết lộ với Time rằng bà và chồng sau khi rời tàu đã đến Phnom Penh, sau đó đáp chuyến bay tới Bali để nghỉ lễ và đã quá cảnh tại Singapore.
Chính quyền Malaysia tiết lộ rằng, trong số các hành khách đi cùng chuyến bay với người bị COVID-19, 137 người không phát hiện ra triệu chứng nào và đã bay tới Mỹ, Hà Lan và Australia vào ngày 16/2. Chính phủ Thái Lan cho biết hàng chục hành khách khác đã bay tới khắp nơi ở nước họ.
Những người hiện còn trên tàu đã được yêu cầu không rời đi. Một hành khách nói với Reuters vào ngày 16/2 rằng, hàng trăm hành khách đã lên bờ đang ở các khách sạn địa phương, trong đó có 300 người Mỹ. Họ sẽ được Bộ Y tế Campuchia xét nghiệm COVID-19.
Ông Grant Tallin, Giám đốc Y tế của Holland America Line nói: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới. Họ sẽ phối hợp với các cơ quan y tế quốc gia có liên quan để điều tra và truy tìm những hành khách có thể tiếp xúc với vị khách nọ (bệnh nhân người Mỹ)”.
Công ty này nói rằng không ai khác báo cáo bất kỳ triệu chứng nào ngoài bệnh nhân được xác nhận và các cơ quan y tế địa phương sẽ liên lạc với những hành khách đã về đến nhà.
Tuyên bố tìm người của hãng Holland America Line (Ảnh: Guancha)
|
Các chuyên gia thừa nhận rằng quy mô lớn chưa từng thấy trước đây và nghi ngờ biện pháp kiểm tra những người lên bờ
Tiến sĩ William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, thẳng thắn rằng sẽ rất khó khăn để ngăn chặn sự phát tán dịch (có thể) so với tình hình ở Trung Quốc, khi hơn 1.000 người về nhà sau khi rời tàu.
“Chúng tôi đã dự đoán sẽ có những vấn đề nhỏ, nhưng tôi cần phải nói rằng tôi không ngờ đến một quy mô lớn như vậy. Đây có thể là một bước ngoặt” – ông thừa nhận.
Ngoài ra, công ty Holland America Line trước khi tàu cập bến đưa ra cam kết “không có bất cứ dấu hiệu nào về sự hiện diện của nCoV trong suốt hành trình” cũng bị nghi ngờ vì các biện pháp kiểm tra bất cập.
Trước khi rời tàu, 20 hành khách báo cáo thấy khó chịu đã được xét nghiệm nCoV và cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, Holland America Line thừa nhận người bị bệnh không nằm trong nhóm này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện vẫn không rõ người này bị nhiễm bệnh khi nào và ở đâu.
Hành khách vui mừng khi được lên bờ sau hàng chục ngày lênh đênh trên biển (Ảnh: AFP)
|
Ông Schaffner cho rằng thay vì sử dụng bảng câu hỏi, lấy nhiệt độ cơ thể và xét nghiệm tại chỗ, sẽ khôn ngoan hơn nếu xét nghiệm tất cả các hành khách đã lên bờ. Bởi vì hành khách có thể cố tình che giấu và nhiệt độ của bệnh nhân cũng dao động ở những thời điểm khác nhau.
Công ty Holland America Line đã biện hộ cho các phương pháp kiểm tra được họ sử dụng trong khi hành trình và cập bến. Tuy nhiên, công ty đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu có phù hợp hay không khi cho phép hành khách đi du lịch các nơi mà không trải qua cách ly.
Ông Katz, Chủ nhiệm Trung tâm An ninh và Khoa học Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho rằng chính phủ Campuchia đã đưa ra quyết định dựa trên những thông tin được biết vào thời điểm đó. Còn đối với COVID-19 với thời gian ủ bệnh khá dài, các phương pháp phát hiện hiện tại cũng chưa hoàn hảo.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đón hành khách lên bờ tại cảng Sihanoukville (Ảnh: Thời báo Campuchia -Trung Quốc).
|
Người phát ngôn của Bộ Y tế Campuchia nói, tất cả hành khách đã được xét nghiệm theo tiêu chuẩn của WHO để đảm bảo rằng họ không gặp vấn đề gì về sức khỏe mới được chấp thuận cho lên bờ.
The New York Times cho rằng, sự khác biệt trong phương pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh giữa các quốc gia khác nhau đã gây thêm khó khăn cho những nỗ lực toàn cầu trong việc chống COVID-19. Mặc dù WHO sẽ cung cấp hướng dẫn, nhưng cuối cùng vẫn là mỗi quốc gia sẽ tự quyết định triển khai như thế nào.
Dư luận nghi ngờ về sự hiệu quả của biện pháp “thả gà ra rồi đuổi” của Holland America Line và lo ngại đây có thể là bước ngoặt khiến dịch bệnh phát tán rộng ra nhiều quốc gia.