Lê Thọ Bình
Lê Thọ Bình

Nhà báo

Đặt tên xã, phường ra sao khi sáp nhập?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, phường theo số thứ tự là một đề xuất nhằm tối ưu hóa quản lý dữ liệu, số hóa hệ thống hành chính. Tuy nhiên, phương án này cũng đặt ra nhiều thách thức về bản sắc văn hóa và thói quen nhận diện địa phương.

Để đạt được sự hài hòa giữa hiện đại hóa và gìn giữ truyền thống, cần có giải pháp linh hoạt, kết hợp yếu tố công nghệ với giá trị lịch sử, văn hóa.

sap-nhap-phuong-xa-ha-noi20240426213735-1742965397237884496530.jpg
Việc đặt tên đơn vị hành chính theo số thứ tự có lợi cho quá trình số hóa và quản lý. Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ vừa hoàn tất dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, kèm theo tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo nghị quyết quy định rõ nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp, nhấn mạnh tính dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đồng thời đảm bảo tính hệ thống và khoa học.

Bộ này còn khuyến khích sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập, ưu tiên các tên mang giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được nhân dân địa phương đồng thuận.

“Đặc biệt, việc đặt tên theo số thứ tự cũng được đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho quá trình số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin”, dự thảo nhấn mạnh (theo Dân trí, ngày 25/3/2025).

Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự với mục tiêu tạo thuận lợi cho số hóa, cập nhật dữ liệu là một đề xuất mang tính thực dụng, phù hợp với xu hướng quản lý hành chính hiện đại. Cách đặt tên này giúp hệ thống dữ liệu trở nên nhất quán, dễ tìm kiếm, phân loại và tích hợp với các nền tảng công nghệ.

Đây không phải là điều quá mới mẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đặt tên các đơn vị hành chính cấp cơ sở (tương đương xã, phường) theo số, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.

Tại Nhật Bản, ở các thành phố lớn, các khu phố (chōme hoặc machi) và khu vực hành chính nhỏ hơn thường được đánh số, ví dụ: Shinjuku 1-chōme (khu hoặc lô), 2-chōme, 3-chōme, Ginza 4-chōme

Tại Hàn Quốc, một số quận (gu) và phường (dong) có cách đặt tên theo số, ví dụ: Yeoksam 1-dong, Yeoksam 2-dongNonhyeon 1-dong, Nonhyeon 2-dong.

Ở Trung Quốc, tại một số thành phố, các khu phố (subdistrict) hoặc làng có thể được đánh số, ví dụ: Chaoyang Qu 1, 2, 3… Một số khu công nghiệp và khu dân cư cũng có số trong tên gọi.

Tại Mỹ, một số thành phố có phường (ward) được đánh số, ví dụ: Boston có Ward 1, Ward 2, Ward 3... Washington D.C.có Ward 1, Ward 2, Ward 3... Ngoài ra, một số địa danh dùng số cho tên đường hoặc khu dân cư, như 5th Avenue (New York), 16th Street (Washington D.C.).

Tại Pháp, Paris được chia thành arrondissements (quận) từ 1er (1st) đến 20e (20th). Một số thành phố khác cũng có hệ thống đánh số tương tự.

Như đã nói ở trên việc đặt tên xã, phường theo số thứ tự có rất nhiều thuận lợi, như: Dễ dàng trong số hóa, quản lý dữ liệu. Một hệ thống tên gọi đơn giản, có quy luật nhất quán giúp chính quyền nhanh chóng tra cứu, cập nhật thông tin và quản lý các đơn vị hành chính trên nền tảng số.

Hạn chế trùng lặp: Hiện nay, nhiều địa phương có những xã, phường trùng tên, gây khó khăn cho việc xác định địa danh chính xác trong hệ thống hành chính và công nghệ. Số thứ tự giúp giải quyết vấn đề này. Đồng thời việc đặt tên xã, phường theo số thứ tự rất thích hợp cho công nghệ AI và bản đồ số. Hệ thống tên dựa trên số dễ dàng tích hợp vào các công cụ trí tuệ nhân tạo, GPS và bản đồ điện tử.

Tuy nhiên nói như vậy, không có nghĩa là việc đặt tên cấp cơ sở (xã, phường) theo số thứ tự không có những vấn đề nảy sinh.

Thứ nhất, mất đi bản sắc lịch sử, văn hóa: Nhiều địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, gắn với truyền thống của từng vùng đất và thói quen làng xã của Việt Nam. Nếu thay thế bằng số thứ tự, người dân có thể cảm thấy xa lạ, mất đi sự gắn kết với địa phương.

Hai là thay đổi thói quen và nhận diện địa phương: Người dân từ lâu đã quen với cách gọi theo địa danh truyền thống. Việc đổi tên theo số có thể gây bối rối, nhất là với các thế hệ lớn tuổi.

Ba là không mang lại ý nghĩa đặc biệt: Tên địa danh thường mang ý nghĩa về vùng đất, con người, truyền thống, trong khi số thứ tự lại không truyền tải được giá trị này.

Để cân bằng giữa yêu cầu hiện đại hóa quản lý hành chính và bảo tồn bản sắc địa phương, có thể áp dụng một số giải pháp sau:

- Kết hợp tên địa danh truyền thống với mã số hành chính: Thay vì chỉ đặt theo số thứ tự, có thể kết hợp tên truyền thống với mã số hành chính. Ví dụ: Xã Kim Liên 01, Xã Đình Bảng 02, Xã Tân Trào 03… Cách này giúp duy trì bản sắc văn hóa địa phương trong khi vẫn đảm bảo tính nhất quán và thuận lợi cho số hóa.

- Sử dụng mã hành chính trong hệ thống dữ liệu nhưng giữ nguyên tên truyền thống: Trong các hệ thống quản lý điện tử, có thể quy định mã số hành chính riêng cho mỗi địa phương, nhưng người dân vẫn sử dụng tên cũ trong đời sống thường nhật. Ví dụ: Hệ thống quản lý có thể ghi nhận Xã Quỳnh Đôi (Mã: 101) nhưng người dân vẫn gọi là “Xã Quỳnh Đôi” thay vì “Xã 101”.

-Tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi quyết định tên mới: Chính quyền địa phương cần tổ chức các cuộc họp tham vấn người dân để tìm phương án đặt tên phù hợp, tránh áp đặt một cách hành chính cứng nhắc. Nếu cộng đồng đồng thuận giữ tên truyền thống, có thể sử dụng cách đánh số trong dữ liệu mà không làm thay đổi thói quen sinh hoạt.

- Ưu tiên đặt tên theo lịch sử, văn hóa thay vì thuần túy theo số: Trong trường hợp phải thay đổi tên do sáp nhập, có thể chọn những cái tên có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc địa danh trung tính, thay vì chỉ sử dụng số thứ tự.

Tóm lại việc đặt tên đơn vị hành chính theo số thứ tự có lợi cho quá trình số hóa và quản lý, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm mất đi bản sắc địa phương. Để hài hòa giữa hai yếu tố này, cần một phương pháp linh hoạt, có sự kết hợp giữa số hóa và yếu tố văn hóa – lịch sử. Điều quan trọng là chính quyền địa phương cần lắng nghe ý kiến của người dân để đưa ra quyết định hợp lý, vừa hiện đại hóa hành chính, vừa giữ gìn bản sắc quê hương.