Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong tháng cuối năm 2023 khi các ngân hàng được chủ động tăng tín dụng. Chỉ trong 10 ngày cuối năm, có gần 290.000 tỉ đồng tín dụng được 'bơm' vào nền kinh tế.

Chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng diễn ra sáng nay (3/1), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13,5%.

Theo ông Tú, đây là con số rất tích cực trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, đồng thời cũng là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm.

"Thực tế tháng cuối cùng của năm 2023 cho thấy, khi các ngân hàng được chủ động tăng tín dụng, tốc độ tăng nhanh hơn nhiều", Phó Thống đốc NHNN nói.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%. Còn theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 30/11/2023, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 9,15% so với cuối năm 2022.

Như vậy, theo tính toán của VietTimes, chỉ trong 10 ngày cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 2,41%, tương đương gần 290.000 tỉ đồng tín dụng được 'bơm' vào nền kinh tế.

sbv-3041.jpg
Toàn cảnh họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 ngày 3/1 (Ảnh: VGP)

Lãnh đạo NHNN cho biết, đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt gần 13,6 triệu tỉ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỉ đồng đã được bơm ra nền kinh tế.

"Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế", Phó Thống đốc cho hay.

Trong năm 2024, NHNN khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu; điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng./.