Phật tử bái vọng về nơi Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu |
Cũng theo Thượng toạ Thích Từ Đạo – Giám tự Tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế), tang lễ Thiền sư Nhất Hạnh sẽ được thực hiện theo di nguyện của Thiền sư, cụ thể, lễ nhập kim quan sẽ tiến hành vào lúc 8h ngày 23/1, di quan vào sáng ngày 29/1 và thực hiện nghi lễ Trà tỳ (hỏa táng) sau đó.
“Sau khi hoả tang theo di nguyện, tro cốt của Thiền sư sẽ được thỉnh về và lưu giữ tại tổ đình Từ Hiếu. Đây là di nguyện của Sư ông và chúng tôi thực hành theo di nguyện của Sư ông khi Sư ông còn sống” – Thượng toạ Thích Từ Đạo cho biết thêm.
Cùng ngày, Tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế), đạo tràng Mai Thôn đã có thông báo di huấn về Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo đó, Tổ đình Từ Hiếu và Tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang. Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.
"Trong suốt thời gian đó, quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang lễ tâm tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng" - thông báo viết.
Clip: Tăng ni Tổ đình Từ Hiếu chuẩn bị cho tang lễ của Thiền sư Nhất Hạnh |
Sau lễ Trà tỳ, Xá lợi sẽ được thỉnh về và an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.
Sáng cùng ngày, các tăng ni Tổ đình Từ Hiếu đã chuẩn bị thu xếp, tổ chức tang lễ cho Thiền sư Nhất Hạnh sau khi ông viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu vào rạng sáng ngày 22/1.
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.
- Năm 1942, xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
- Tháng 9 năm 1945, thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.
- Năm 1947, theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.
- Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.
- Tháng 10 năm 1951, thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.
- Năm 1954: Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.
- Năm 1955, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.
- Năm 1957, thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc.
- Năm 1961 – 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”.
- Năm 1964, được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.
Năm 1965, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1966, thành lập Dòng tu Tiếp Hiện.
- Ngày 1.5.1966, được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.
- Ngày 11.05.1966, rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm lưu vong.
- Năm 1967, được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.
- Năm 1968 – 1973, vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, được mời dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại trường đại học Sorbonne, Pháp Quốc và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.
- Tháng 9 năm 1970, được GHPGVNTN chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris.
- Tháng 5 năm 1970, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.
- Năm 1972, chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung: sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.
- Năm 1971, thành lập Phương Vân Am, Paris.
- Năm 1976, cứu giúp thuyền nhân và thực hiện chương trình “Máu chảy ruột mềm”.
- Năm 1982, thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp.
- Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Hoa Kỳ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.
- Năm 1999, cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.
- Năm 2005, trở về Việt Nam lần thứ nhất. Thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc.
- Năm 2007, trở về Việt Nam lần thứ hai, tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền.
- Năm 2008, trở về Việt Nam lần thứ ba, thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
- Từ năm 2008, thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Hoa Kỳ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris; Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam, tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.
- Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam.
00:00 giờ ngày 22 tháng Giêng năm 2022, an nhiên thị tịch tai Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu.
Nhất tâm đảnh lễ Tân Viên Tịch, Tự Lâm Tế Tông Tứ Thập Nhị Thế, Liễu Quán Pháp Phái Đệ Bát Thế, Từ Hiếu Tổ Đình Niên Trưởng Trú Trì, Mai Thôn Đạo Tràng Quốc Tế Khai Sơn, Huý Thượng Trừng Hạ Quang, Tự Phùng Xuân, Hiệu Nhất Hạnh Thiền Sư, Nguyễn Công Hoà Thượng Giác Linh.
(nguồn Tổ Đình Từ Hiếu)
Một số hình ảnh ghi nhận được tại Tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế) sáng ngày 22/1 (ảnh Tuấn Hiệp):
Tăng ni, phật tử chuẩn bị cho tang lễ của Thiền sư Nhất Hạnh |
Phật tự đến bái vọng sau khi nghe tin Sư ông viên tịch |
Phật tử chuẩn bị cho tang lễ |
Một nhóm phật tử có mặt tại Tổ đình Từ Hiếu từ rất sớm |