Thuốc Tamiflu có tác dụng với chủng virus corona mới hay không?

VietTimes -- Ngày 24/1, TS. BS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai – cho biết thuốc Tamiflu không có tác dụng với chủng virus corona mới (nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy

Không nên tự ý trị bệnh

Trao đổi với PV VietTimes, TS. BS. Dương Đức Hùng cho hay: Với bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV mới, thuốc Tamiflu không có tác dụng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân không nên đổ xô đi mua thuốc, tự ý trị bệnh mà cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Theo TS. BS. Dương Đức Hùng, đặc điểm của bệnh viêm phổi cấp do nCoV là có thời gian ủ bệnh rất lâu tới 2 tuần (14 ngày). Do đó, khi bệnh nhân mắc bệnh trong thời gian ủ bệnh thì không có triệu chứng gì.

Hiện, bệnh viêm phổi cấp do nCoV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu viêm phổi cấp xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử đang mắc các bệnh khác thì bệnh sẽ trở nặng. Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bệnh viện Bạch Mai luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Nhân viên y tế kiểm tra thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chi Lê
Nhân viên y tế kiểm tra thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chi Lê

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa với số lượng người đến khám nhiều. Vì thế, ngay khi nhận được thông tin về bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Bệnh viện đã cảnh báo đối với những bệnh nhân sốt chưa rõ nguyên nhân, nhất là những bệnh nhân có tiền sử phơi nhiễm, đi/đến từ thành phố Vũ Hán.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào bệnh viện tại Trung Quốc. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào bệnh viện tại Trung Quốc. Ảnh: AFP

“Hiện, Bệnh viện Bạch Mai đã có quyết định thành lập Ban phòng, chống dịch bệnh do đích thân Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện chủ trì. Ngay khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm nCoV, Bệnh viện sẽ nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào khu truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới để tránh lây lan.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất khi có dịch là khoanh vùng, dập dịch, và cách ly những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh. Bệnh viện Bạch Mai đã và đang phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cùng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế để chủ động ứng phó với dịch bệnh.” - TS. BS. Dương Đức Hùng nói.

Cùng với đó, các bác sĩ tại khoa/phòng ở Bệnh viện Bạch Mai luôn túc trực 24/24 trong dịp Tết để kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, điển hình là có những bệnh nhân đến khám không phải cấp cứu nhưng vẫn được hưởng bảo hiểm y tế như bình thường.

Sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp

Trước tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp có thể xảy ra.

Hôm nay (24/1), Trung Quốc đã xác nhận 25 trường hợp tử vong cùng 830 ca mắc viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) mới.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - cho biết, với những trường hợp có các triệu chứng như: sốt, khó thở, đến từ vùng có dịch, nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV cần đến ngay các cơ sở y tế để cách ly và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện vẫn luôn túc trực 24/24, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, giường bệnh cho bệnh nhân để cách ly khi cần thiết. Tùy thuộc vào mức độ bệnh nhân nhiều hay ít bệnh viện sẽ bố trí khu vực cách ly phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – người dân không nên quá hoang mang vì Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp. Bản chất của nCoV mới này vẫn là chủng từng gây ra SARS (năm 2003) và MERS (2017).

Bệnh viêm phổi cấp do nCoV nguy hiểm ở chỗ thời gian ủ bệnh kéo dài, không có triệu chứng lâm sàng, chưa khẳng định được việc bệnh lây trong thời gian ủ bệnh. Để chủ động phòng bệnh, người dân nên thường xuyên đeo khẩu trang – vũ khí cơ học ngăn chặn virus, đồng thời, hạn chế tụ tập, đi lại tránh nguy cơ bệnh có thể lây lan nhanh ra cộng đồng.  

Số liệu thống kê bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy
Số liệu thống kê bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy

Tại Bệnh viện Việt Đức, đến 9h sáng 24/1 (30 Tết), tổng số bệnh nhân còn nằm viện là 609 bệnh nhân, trong đó có 132 bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông cụ thể: có 7 trường hợp nhập viện do cồn, 1 trường hợp bị tai nạn pháo nổ, 59 ca mổ cấp cứu và 7 trường hợp tử vong/tình trạng bệnh nặng.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có các khu vực cách ly riêng, chuẩn bị sẵn các xe cấp cứu đề phòng trường hợp có bệnh nhân nghi mắc viêm phổi cấp do nCoV.