Mới đây, sau khi Tencent Photonics Studio hủy bỏ giờ làm thêm và kêu gọi nhân viên nghỉ làm lúc 18 giờ, một số công ty Internet cũng học theo và ban hành chính sách cho phép nhân viên không phải làm thêm giờ.
Công ty ByteDance đã tiến hành biểu quyết nội bộ xem có nên hủy các tuần tăng ca hay không, kết quả là 1/3 số nhân viên ủng hộ và 1/3 số nhân viên không ủng hộ.
Ứng dụng video ngắn của Trung Quốc Kuaishou cho biết họ sẽ kết thúc lịch trình làm việc cuối tuần bắt đầu từ tháng tới. Lịch làm việc hiện tại của Kuaishou, được gọi là "cuối tuần dài ngắn", yêu cầu nhân viên làm việc xen kẽ vào Chủ nhật, tuần này làm thì tuần sau sẽ nghỉ. Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, trong đó có Alibaba, cũng sử dụng lịch làm việc như vậy cho người lao động.
"Làm thêm giờ hay mất ít nhất một khoản tiền thuê nhà mỗi tháng" đang là đề tài mà mọi người thảo luận. Đó rõ ràng là quyền lợi chính đáng được pháp luật quy định, vậy tại sao người lao động lại không vui vẻ?
Tại sao một số người lại miễn cưỡng từ bỏ những "phước lành" đã từng bị chỉ trích trong quá khứ?
Ngược dòng thời gian hai năm về trước, sự cố "996ICU" gây sóng gió một thời khiến người ta phải thở dài, bao nhiêu sức khỏe của lập trình viên đã phải hy sinh trong thời đại phát triển vũ bão của các công ty Internet Trung Quốc. Cụ thể, mùa xuân 2019, một người dùng Internet ẩn danh phát động cuộc biểu tình trực tuyến trên GitHub, nền tảng toàn cầu của Microsoft dành cho giới lập trình viên, tranh luận 996 đe dọa sức khỏe của nhân viên công nghệ Trung Quốc. Người dùng có biệt danh "996ICU" khẳng định bất kỳ ai làm theo lịch trình 996 có nguy cơ phải đến phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Chủ đề nhanh chóng "gây sốt" và được bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội lớn như WeChat, QQ và Zhihu. Khi tranh luận nóng lên, Jack Ma lên tiếng ủng hộ văn hóa 996. "Cá nhân tôi nghĩ rằng 996 là một phước lành to lớn", ông Ma nói. "Làm thế nào bạn có thể thành công nếu không muốn tốn thêm công sức và thời gian?" Ông cho rằng tinh thần làm việc này đã giúp các ông lớn công nghệ đạt tới quy mô và thành tựu như ngày nay.
Hai năm sau, không chỉ các lập trình viên mà tất cả nhân viên công ty Internet đều phải đối mặt với hệ thống làm thêm giờ của 996. Hầu như tất cả các công ty Internet đều tin rằng "chỉ cần nhân viên ngủ ít hơn mười phút, công ty sẽ sớm được niêm yết trên thị trường sớm hơn 1 năm", và khi mọi nhân viên trong một công ty Internet đều hưởng sự đối xử như nhau, tại sao họ lại có những tiếng nói khác nhau?
Trang tin Sina thảo luận về cách đối mặt với 996 thông qua một số người lao động ở các thành phố khác nhau với các công việc khác nhau trong các công ty Internet, 996 có ý nghĩa gì đối với công việc và cuộc sống của họ?
Cuối tuần không thể nghỉ ngơi, nếu không tôi không thể kiếm được tiền - Li Di | Nhân viên phụ trách một nền tảng thương mại điện tử ở Hàng Châu
"Nghỉ ngơi để làm gì cơ chứ, làm việc là được rồi".
Sau khi tin tức Kuaishou tuyên bố cắt ngày làm việc vào cuối tuần lọt tìm kiếm nóng trên Weibo, Li Di, nhân viên phụ trách mảng livestream thương mại điện tử, nói rằng ngay cả khi Kuaishou ngừng làm thêm giờ, với tư cách là thành viên của hệ sinh thái livestream, cô ấy vẫn bận rộn. "Kuaishou đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh, và doanh thu hàng tháng đã vượt quá 1 tỉ NDT. Dù hủy bỏ 'cuối tuần dài ngắn', nhưng hoạt động kinh doanh phát sóng trực tiếp thương mại điện tử không thể dừng lại".
Kể từ khi gia nhập công ty cách đây một năm, ngành phát sóng trực tiếp đang trên đà phát triển nhanh chóng. Cũng giống như video ngắn, cuộc đua livestream của nền tảng thương mại điện tử cũng đang tăng tốc. Ai nhanh tay nắm bắt tài nguyên sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Ảnh: Sina |
"Vì vậy công ty của tôi cũng giống như chế độ làm việc của Kuaishou". Li Di nhớ lại năm cô ấy tham gia chương trình phát sóng trực tiếp thương mại điện tử, làm thêm giờ là chuyện thường. "Chúng tôi làm thêm cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Làm thêm giờ sẽ có lương cao hơn. Ai biết được khi nào sức nóng thị trường livestream sẽ tan biến. Thật tốt nếu bạn có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn".
Mặc dù "cuối tuần dài ngắn" ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, nhưng Li Di cảm thấy việc hủy bỏ chúng không phải là điều tốt cho những người trẻ tuổi như cô. "Nếu tính trên tiền thuê nhà, tiền làm thêm hàng tháng có thể đủ bù đắp. Nếu không làm thêm giờ hoặc làm thêm giờ ít hơn có nghĩa là chi phí sinh hoạt đã tăng lên. Ngoài ra công ty cung cấp rất nhiều đồ ăn khi tăng ca cuối tuần, tôi thực sự đã tiết kiệm được không ít tiền".
"Nhưng thực ra nó cũng liên quan đến tính cách của tôi. Tôi không hứng thú lắm với các trò giải trí xã hội hay bất cứ thứ gì khác. Cuối tuần, tôi cũng chỉ ở nhà, ngủ nướng hoặc cày phim và tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn". Li Di nói cô ấy có thể học hỏi rất nhiều bằng cách làm thêm giờ, điều này rất tốt cho bản thân cô ấy.
"996 và cuối tuần dài ngắn là một loại sản phẩm dị dạng, nhưng khi bạn thích ứng, bạn có thể sẽ không sẵn sàng phản kháng. Điều này không phải vì tôi muốn hòa nhập với các đồng nghiệp xung quanh mình, mà là vì tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn và có tự do tài chính. Kiếm được tiền, bạn mới có thể thoải mái hưởng thụ cuộc sống".
Dù sống gần bố mẹ nhưng Li Di mỗi năm chỉ về thăm nhà vài lần. Bố mẹ Li Di cũng từng than phiền tại sao sống cùng một thành phố mà không về thăm họ, Li Di liền cho bố mẹ xem các chương trình livestream của cô để họ thấy rằng cô vẫn ổn.
Ở góc độ lâu dài, Li Di cũng suy nghĩ xem cuộc sống này có thể tồn tại được bao lâu. "Kỳ thật, hiện tại tôi không cảm thấy có vấn đề gì, nhưng dù sao tuổi trẻ và nhiệt huyết chẳng thể kéo dài mãi mãi. Li Di nói rằng cô ấy không muốn ở lại công ty cả đời. Nhưng nếu có thể tiết kiệm được một khoản tiền sau khi làm việc chăm chỉ trong một vài năm, bản thân có thể tự mở một cửa hàng trực tuyến để làm kinh doanh nhỏ.
"Với tư cách là một người lao động, tốt hơn hết là hãy làm việc hết mình. Đối với một người nghiện công việc như tôi, tôi hy vọng mình có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai".
Chúng ta đã vào bẫy của chủ nghĩa tư bản - Yang Lin | Nhân viên tại công ty Internet lớn ở Thiên Tân
Sau khi chuyển sang một công ty Internet khác, mỗi ngày làm việc của Yang Lin đều không đủ. "Sau khi tan làm tôi sẽ tiếp tục làm việc, khoảng 3 lần một tuần". Dù vẫn chưa thể thoát khỏi ám ảnh làm thêm giờ, nhưng Yang Lin cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với những ngày đen tối dậy sớm ngủ muộn như trước đây.
“Quanh năm bị bóc lột, bỗng một ngày thu dọn ra đi, tôi cảm thấy đặc biệt thoải mái". Cũng như "cuối tuần dài ngắn" trở nên hot trên mạng gần đây, những ngày cuối tuần hóa ra lại là "món lợi" vô hình cho doanh nghiệp. Yang Lin cười nói: "Chúng ta đã bước vào cạm bẫy của chủ nghĩa tư bản".
Ảnh: Sina |
Cũng như Yang Lin, hầu hết mọi người đều biết rằng đây là một "cái bẫy", nhưng tại sao nhiều người vẫn chọn cách "nhảy vào hố"?
"Những người làm thêm giờ đôi khi được trả tiền làm thêm giờ. Ngoài ra, tôi nghĩ điều quan trọng hơn là làm thêm giờ tốt hơn cho sự phát triển trong tương lai của họ". Yang Lin nhớ lại vô số đêm văn phòng rực rỡ ánh đèn. Khi đó, Yang vừa tốt nghiệp, có cơ hội vào một doanh nghiệp lớn, tuổi trẻ luôn có nhiều đam mê, anh muốn viết nên câu chuyện khởi nghiệp tích cực của chính mình.
Vì vậy, anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ. Đối với hầu hết những người mới vào làm việc, họ cần phải đầu tư thời gian và công sức để nổi bật nhanh chóng trong giai đoạn đầu, và anh ấy cũng rất nỗ lực.
Ngay sau đó Yang Lin đã nhận được đánh giá tốt từ lãnh đạo, nhưng anh ấy rơi vào lo lắng nhiều hơn ngay sau khi vui mừng. KPI được tính toán dựa trên chức vụ mà họ đảm nhận, vì vậy một số đồng nghiệp phải chọn làm thêm giờ thường xuyên cả đêm. "Để hoàn thành công việc, tôi đã từng làm ca đêm không ngủ, không dám đi vệ sinh, uống ít nước và làm việc chăm chỉ. Cuối cùng, mắt tôi đỏ và sưng lên không thể chịu nổi", Yang Lin nhớ lại.
Mặc dù việc thường xuyên tăng ca cả đêm nghe có vẻ hơi sốc nhưng trên thực tế, phương pháp này là một chiến lược nổi bật khi mọi người chưa nắm được bí quyết làm việc hiệu quả.
"Núi cao thì sẽ có núi cao hơn", Yang Lin chỉ ra rằng làm thêm giờ cũng có thể được nội bộ hóa.
Tất nhiên, ngoài nhu cầu làm nổi bật giá trị bản thân, nhiều trường hợp là do "buộc phải làm thêm giờ". "Tăng ca thường là vì có quá nhiều việc, còn bộ phận của chúng tôi là bởi vì có ít người ..." Yang Lin giới thiệu tình hình ở công ty mới, "Các đồng nghiệp xung quanh tôi không làm thêm giờ mỗi ngày, thỉnh thoảng mới làm thêm giờ, tần suất không cao".
Yang tin rằng làm thêm giờ có mối quan hệ nhất định với tuổi tác. Một số người trẻ muốn được lãnh đạo công nhận. Nhưng người lớn tuổi hơn ở nơi làm việc thường tan làm đúng giờ khi công việc không xảy ra vấn đề đột xuất.
Đối với Yang Lin, công ty hiện tại có nhiều cơ hội để thăng chức hơn, vì vậy mặc dù từng ám ảnh với việc làm thêm giờ, anh không hoàn toàn phản kháng lại vấn đề này. Và làm thêm khoảng ba lần một tuần sẽ không phá vỡ nhịp sống của anh.
"Trên thế giới này thật sự có công ty Internet không làm thêm giờ sao?" Yang cười nói, "Môi trường rộng lớn thế này, có lúc tâm muốn làm nhưng sức không đủ, nhưng mình có quyền lựa chọn, mình có thể tìm công ty phù hợp hơn và cố gắng hết sức để kiểm soát nhịp sống ở trạng thái tương đối thoải mái".
"Hầu hết mọi người đều thích 965 hơn. Ít nhất nó không ảnh hưởng đến cuộc sống và chuyện riêng của tôi nhưng trong ngành Internet, điều này không dễ dàng". Yang Lin đặc biệt khao khát công việc và cuộc sống của 965 (lịch làm việc 9 giờ/ngày, từ 9h sáng đến 6h tối, 5 ngày/tuần)
Nằm ườn hay kiếm tiền? Vẫn là kiếm tiền hơn - Song Yi | Kỹ thuật viên của một công ty công nghệ ở Thượng Hải
Sau khi nghỉ việc ở Bắc Kinh, Song Yi, người đã làm việc cật lực trong ba năm, đã có một kỳ nghỉ dài và dành ba tháng để đi du lịch ở Tân Cương và Tây Tạng. Sau đó, anh chuyển nơi làm việc đến Thượng Hải và bắt đầu sự nghiệp mới với tư cách là một kỹ thuật viên công nghệ, đối mặt với tình trạng 996, anh nói ra suy nghĩ của mình.
"Trong thời gian đi du lịch, tôi đã hiểu ra một số điều. Công việc và cuộc sống thường không tách rời nhau. Tôi từng là một người nghiện công việc, nhưng sức khỏe của tôi đã tiêu hao rất nhiều trong ba năm. Vì vậy, khi tôi quay lại tìm việc mới, tiêu chuẩn của các công ty đã khác so với trước đây".
Ảnh: Sina |
Song Yi nói với Sina rằng anh ấy từng muốn kiếm nhiều tiền hơn, vì vậy anh ấy luôn làm việc ngoài giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật, nhưng bây giờ, anh ấy hy vọng một không gian làm việc tương đối tự do.
"Công việc tôi làm bây giờ thường đi du lịch khắp mọi miền đất nước. Làm một kỹ thuật viên như thế này tốt hơn là cứ cắm mặt vào bàn làm việc của công ty trước đây. Sau cùng, tôi cũng có thể có cơ hội nhìn quanh đất nước mình", anh nói.
Theo quan điểm của Song Yi, việc các công ty Internet hủy bỏ 996 và "cuối tuần dài ngắn" là một khởi đầu tốt đẹp, nhưng công việc vẫn rất tàn nhẫn, chỉ có bản thân mới có thể tự bảo vệ sức khỏe. "Nhìn mọi người xung quanh ta, ai mà không vất vả, người chuyển phát nhanh và tài xế, tất cả đều đang làm thêm giờ. Điều mà nhân viên công ty Internet nên quan tâm là sức khỏe của họ, chẳng mấy ai thực sự quan tâm đến sức khỏe của bạn ngoại trừ bố mẹ và chính bạn".
"Tôi không thích 996, và cũng không thích tăng ca cuối tuần, vì vậy tôi đã chọn cách thỏa hiệp. Tôi tin rằng mọi người đều có thể tìm thấy sự thỏa hiệp của riêng mình mà người Trung Quốc hay đề cập đến đó chính là đạo "trung dung" của Khổng Tử. Tìm giải pháp cho vấn đề, ngay cả khi giải pháp này không hoàn hảo 100%".
Vì vậy, Song Yi có thể hiểu tại sao hiện nay nhiều người lại chọn nằm ườn, "Tôi có thể không kiếm được nhiều tiền như những người giàu có, nhưng tôi ít nhất có sức khỏe, có lẽ tôi đã có cuộc sống tốt đẹp". Cách đối diện tiêu cực này thực chất là do không có cách nào khác. Do đó, một khi bạn có ý tưởng như vậy, hãy đi ra ngoài và nhìn vào thế giới tuyệt vời này.
"Chỉ cần bạn đi chợ một vòng, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều niềm vui của cuộc sống, nhưng dù chỉ một niềm vui nho nhỏ như vậy thôi cũng phải có công việc để nuôi sống bản thân. Nằm biếng mà bụng đói thì cũng chẳng vui vẻ gì".
Người lao động luôn bị bóc lột sức lao động nhưng tôi thà họ nói rõ ngay từ đầu - Xiao Lei | Leader dự án của một công ty tư vấn Internet ở Quảng Châu
Tháng 3/2020, Xiao Lei chuyển đến một công ty tư vấn Internet, trước khi đến công ty đó, Xiao Lei rất hài lòng với công ty. "Trong cuộc phỏng vấn, nhân sự nói với tôi rằng triết lý của công ty là đôi bên cùng có lợi, nói rằng sẽ không làm thêm giờ vào cuối tuần và ngày lễ." Xiao Lei rất hào hứng, mặc dù công việc này lương thấp hơn các công ty khác, nhưng khi nghĩ đến có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân, Xiao Lei đã nhanh chóng lựa chọn tham gia công việc.
"Không có tuyên truyền sai sự thật. Công ty này thực sự không làm thêm giờ. Nhân viên sẽ tan ca đúng giờ và công ty sẽ tắt đèn. Nhưng tôi không có thời gian cho bản thân", Xiao Lei nói với phóng viên Sina, mặc dù tuyên bố không làm thêm giờ của công ty rất hấp dẫn, nhưng đây chỉ là một cái bẫy.
ảnh: Sina |
"Ngay từ đầu kỳ thực tập, tôi đã biết tại sao tỷ lệ nghỉ việc của công ty lại cao như vậy, bởi vì theo hệ thống KPI của công ty, không thể hoàn hành chỉ tiêu nếu không làm thêm giờ". Nói cách khác, công ty đã che dấu lớp vỏ của thời gian làm thêm giờ. Không có lương làm thêm giờ và không gian văn phòng. Với KPI quá mức, nhân viên chỉ có thể âm thầm làm việc ngoài giờ để hoàn thành nhiệm vụ công việc.
Khi phát hiện ra vấn đề này, Xiao Lei đã cố gắng giải thích với lãnh đạo rằng KPI không thể hoàn thành trong giờ làm việc bình thường. Xiao Lei nghĩ rất đơn giản, lãnh đạo nên điều chỉnh nhiệm vụ công việc. Nhưng lời nói của người lãnh đạo lại rất "êm tai": "Vào thời điểm đó, người lãnh đạo nói, hãy cứ làm việc trước, có thể làm đến đâu thì hay đến đó. Tôi nghĩ rằng đó là một lời khuyến khích hợp lệ, vì vậy tôi đã tuân theo".
Điều mà Xiao Lei không ngờ tới là khi tính KPI cuối tháng, dù Xiao Lei có cố gắng hết sức để nâng cao hiệu quả công việc thì anh cũng chỉ hoàn thành được khoảng 70% KPI, và hiệu suất công việc tính theo KPI, sau các khoản khấu trừ, Xiao Lei chỉ nhận được khoảng 60% tiền lương trong tháng đó.
Xiao Lei một lần nữa đi tìm lãnh đạo, và lần này lời nói của người lãnh đạo không còn tế nhị nữa. "Tôi đến gặp lãnh đạo và nói rằng tôi đã cố gắng hết sức để nâng cao hiệu quả công việc. Rõ ràng, việc xây dựng KPI có vấn đề. Lãnh đạo không nói gì về tiền lương mà chỉ nói rằng tôi mới vào công ty không quen, sau này sẽ quen dần".
Sau khi ra khỏi văn phòng lãnh đạo, Xiao Lei cuối cùng cũng nhận ra vấn đề, "Lúc đó tôi thực sự rất ngu ngốc. KPI là do người đứng đầu đặt ra, lẽ nào ông ấy lại không biết KPI quá mức? Ông ấy để tôi thử trước, sau đó để tôi làm quen với điều đó. Mọi thứ dường như đều được suy xét từ góc độ của tôi, nhưng tiền lương vẫn được trả như thường. Kế hoãn binh này được ông ấy tận dụng quá cao tay. Đối mặt với loại vấn đề này, tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là làm thêm giờ đề có đủ tiền lương, hai là rời đi".
Khi Xiao Lei nghĩ về vấn đề này, anh ấy bắt đầu tìm công việc mới. Tuy nhiên, theo quan sát của Xiao Lei, những đồng nghiệp xung quanh anh có vẻ hơi kỳ lạ.
Một ngày cuối tuần, Xiao Lei và đồng nghiệp đi ăn tối cùng nhau, trong bữa ăn, một người bạn hỏi đồng nghiệp về điều kiện làm việc ở công ty. Các đồng nghiệp nói với giọng điệu khoe khoang: "Điều tuyệt vời nhất ở công ty là chúng tôi không phải làm thêm giờ. Tan làm muốn làm gì thì làm".
Câu nói đó khiến những người thường xuyên phải làm thêm giờ cảm thấy rất ghen tị. Đồng nghiệp của Xiao Lei thậm chí còn tỏ vẻ tự đắc trước sự ghen tị của mọi người. Người trong cuộc như Xiao Lei cảm thấy như "ngồi trên đống lửa".
Sau đó, Xiao Lei nghĩ rằng tâm lý của đồng nghiệp có thể giống như một cậu học sinh lén lút sau lưng bạn học cật lực học tập, rồi giả vờ đạt điểm cao một cách dễ dàng. Mặc dù hành vi này khá ngây thơ nhưng lại khiến không ít người tin "sái cổ".
Xiao Lei sau đó đã nhanh chóng chọn một công ty 996. "Dù sao đi nữa, làm nhân viên sẽ luôn bị bóc lột sức lao động. Tôi thà bị bóc lột một cách công khai", Xiao Lei nói.
Theo Sina
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu