Lưu ý rằng, đây là BCTC do doanh nghiệp tự lập, chứ chưa qua soát xét của kiểm toán độc lập.
Những năm gần đây, số liệu trong BCTC do HAG tự lập thường xuyên có sự sai khác với số liệu trong BCTC sau soát xét. HAG cũng phải nhiều lần phải thực hiện giải trình về sự sai khác của những số liệu này.
Tuy vậy, BCTC Q2/2018 vừa được HAG công bố là một nguồn thông tin tham khảo đáng giá cho những ai quan tâm về sức khỏe tài chính và tình hình phát triển ở doanh nghiệp này. Nhất là trong bối cảnh thị giá cổ phiếu HAG (và cả HNG) đang tăng trưởng "nóng", thu hút dòng tiền lớn từ thị trường suốt nhiều tuần qua.
BCTC tự lập của HAG lần này cũng có vẻ "thực" hơn, không còn thấy những khoản doanh thu tài chính đột biến - điều vốn từng bị giới tài chính mổ xẻ rất nhiều về tính thực chất trong mỗi lần công bố trước đây...
Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao
Theo BCTC Quý II/2018, HAGL đã ghi nhận Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.894 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ. Xét về cơ cấu, doanh thu từ bán trái cây và ớt chiếm tỷ trọng lớn (lần lượt 49,2% và 18,8%), trong khi doanh thu từ bán bò, bán mủ cao su tiếp tục giảm tỷ trọng. Điều này phần nào phản ánh sự chuyển dịch hướng kinh doanh của HAGL sang mảng trái cây trong nửa đầu năm 2018.
Trong công văn giải trình biến động kết quả kinh doanh trên BCTC hợp nhất Quý II/2018, HAGL đã cung cấp một số lý giải cho sự tăng trưởng doanh thu trong kỳ.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ bán trái cây đến từ việc HAGL có thêm nguồn thu của Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng, một Công ty con được HAGL mua về từ tháng 3/2018. Trong BCTC Hợp nhất, HAGL cho biết đang sở hữu 100% doanh nghiệp này và hoạt động kinh doanh chính của Đại Thắng trong năm hiện tại là trồng và chăm sóc 1.625 ha vườn cây ăn trái tại Tỉnh ChmawpaSak, Lào.
Hoạt động bán ớt cũng đã nhanh chóng đem lại doanh thu cho HAGL khi doanh thu trong kỳ này ghi nhận con số 356 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 chưa phát sinh doanh thu từ lĩnh vực này).
Cơ cấu Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ và Doanh thu hoạt động tài chính của HAGL (Nguôn: BCTC Hợp nhất bán niên năm 2018 - HAGL)
|
Trái ngược với tốc độ tăng trưởng doanh thu, Giá vốn hàng bán trong kỳ ghi nhận ở mức 921 tỷ đồng, giảm tới 123 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017. Do vậy, Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng tới 60% so với cùng kỳ, đạt 973 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp vì thế cũng ghi nhận ở mức cao với giá trị đạt 51,3%.
Bên cạnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh, BCTC cũng cho thấy sự giảm mạnh của Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ. Cụ thể, Doanh thu tài chính Quý II/2018 chỉ đạt 172 tỷ đồng, giảm mạnh 853 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Mức biến động trong kỳ này là do HAGL đã ghi nhận khoản lãi từ việc thanh lý Nhóm Công ty mía đường và Công ty CP Cao su Ban Mê năm 2017.
Áp lực lớn từ chi phí lãi vay
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý II/2018 còn thể hiện mức bức tranh cơ cấu chi phí thường thấy tại HAGL trong những năm gần đây.
Trong đó, Chi phí hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận ở mức 489 tỷ đồng, giảm nhẹ 37 tỷ đồng so với cùng kỳ. Phần lớn trong số đó là các chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu ở mức 429 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,65% so với doanh thu thuần.
Nguyên nhân theo HAGL giải trình xuất phát từ dư nợ vay giảm trong Quý II/2018. Để biết hơn chi tiết về dư nợ vay của HAGL, cần phải xem xét thêm các khoản mục có liên quan trong bảng cân đối kế toán đến ngày 30/6/2018.
Chi phí bán hàng, chi phí quản lý và các chi phí khác cũng có sự gia tăng đáng ghi nhận.
Trong kỳ, HAGL ghi nhận 354,8 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (chiếm 18,7% so với doanh thu), tăng 140 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Theo giải trình, nguyên nhân chủ yếu do trong Quý II/2018, HAGL đã trích trước dự phòng một số khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các hoạt động khác ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 134 tỷ đồng. Chi phí khác trong kỳ tăng 79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017 chủ yếu là do HAGL có thực hiện xóa sổ các tài sản không hiệu quả đưa vào chi phí.
Không còn ghi nhận doanh thu tài chính đột biến như cùng kỳ và các chi phí trong kỳ có xu hướng gia tăng, Lợi nhuận trước thuế kỳ này của HAGL chỉ còn 112,65 tỷ đồng, giảm tới 86,7% so với 6 tháng năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 83,3 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận âm 13,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 97 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến cuối quý này, Công ty mẹ (HAGL) đã ghi nhận khoản lỗ 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi 564 tỷ đồng.
Nợ phải trả vẫn chiếm 67% tổng tài sản
Về bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6/2018, quy mô tổng tài sản của HAGL qua 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 55.106 tỷ đồng, tăng 2.044 tỷ đồng. Khối tài sản này được tài trợ bởi nguồn vốn Nợ phải trả lên tới 36.851 tỷ đồng (chiếm 66,8%) và nguồn vốn Chủ sở hữu 18.255 tỷ đồng.
Tổng các khoản vay đến 30/6/2018 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: BCTC Hợp nhất bán niên 2018 - HAGL)
|
Xét về cơ cấu tài sản, Tài sản ngắn hạn của HAGL đạt 8.002 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản mục Tiền của HAGL đến cuối kỳ chỉ ghi nhận 230 tỷ đồng, chiếm 2,87% tài sản ngắn hạn và chỉ chiếm 0,4% trong tổng tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.297 tỷ đồng, giảm 1.184 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 78,7% tài sản ngắn hạn của HAGL.
Chủ yếu là do khoản Trả trước cho người bán ngắn hạn giảm 428,4 tỷ đồng và Phải thu về cho vay ngắn hạn giảm tới 2.580 tỷ đồng.
Theo thuyết minh trong BCTC, biến động của khoản Phải thu về cho vay đến từ các hoạt động cho vay ngắn hạn các bên liên quan đã giảm mạnh trong kỳ. Đây là các khoản cho vay tín chấp cho các bên liên quan có thời hạn hoàn trả từ năm 2018 đến năm 2022 và lãi suất trung bình từ 10% đến 13%/năm.
Ở chiều hướng ngược lại là sự gia tăng của khoản Phải thu khách hàng (tăng 1.265,9 tỷ đồng so với đầu năm), đạt 3.431,9 tỷ đồng. Trong đó, các khoản Phải thu từ hoạt động kinh doanh chính (tăng gấp 2 lần so với đầu năm) đạt 2.022 tỷ đồng và khoản Phải thu tiền thanh lý khoản đầu tư lên tới 589,2 tỷ đồng.
Chưa rõ HAGL đã thanh lý khoản đầu tư nào, chỉ biết là khoản Phải thu tiền thanh lý khoản đầu tư đã xuất hiện từ BCTC Quý I/2018.
Khoản phải thu tiền thanh lý khoản đầu tư đến 30/6/2018 của HAGL (Nguồn: BCTC Hợp nhất bán niên năm 2018 - HAGL)
|
Bên cạnh đó, khoản Phải thu ngắn hạn khác (tăng 571 tỷ đồng so với đầu năm), đạt 1.327,4 tỷ đồng. Sự thay đổi chủ yếu là do hoạt động “Cho mượn các công ty” dài hạn và ngắn hạn tăng tổng cộng tới gần 1.786 tỷ đồng. HAGL cũng không có thuyết minh thêm chi tiết về tiểu mục này trong BCTC.
Hàng tồn kho có biến động không đáng kể, tăng 287 tỷ đồng so với cùng kỳ, bao gồm chủ yếu là: chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; nguyên vật liệu. Hàng hóa và thành phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ.
Tài sản dài hạn của công ty trong kỳ tăng 2.857 tỷ đồng, đạt 47.104 tỷ đồng. Chủ yếu đến từ: Các khoản phải thu dài hạn tăng 440,1 tỷ đồng; Tài sản cổ định tăng 2857,9 tỷ đồng; Tài sản dài hạn khác tăng 886,6 tỷ đồng (chủ yếu là Lợi thế thương mại tăng mạnh 887 tỷ đồng).
Ngược lại, các khoản Tài sản dở dang dài hạn ghi nhận giảm 1.141 tỷ đồng; Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 572 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, khoản Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm chủ yếu là do trong ngày 20/3/2018, CTCP Bò sữa Tây Nguyên, Công ty con trong Tập đoàn HAGL đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tương ứng với 23,46% tỷ lệ sở hữu (574 tỷ đồng) trong CTCP Chăn nuôi Gia Lai cho một bên thứ ba. Theo đó, CTCP Chăn nuôi Gia Lai không còn là công ty liên kết trong tập đoàn kể từ ngày này.
Về các khoản vay, đến ngày 30/6/2018, HAGL ghi nhận tổng nợ Vay ngắn hạn và Vay dài hạn lên tới 23.161 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng, gấp 1,26 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tốc độ vay ngắn hạn tăng khá nhanh ở các tiêu mục Vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả và vay ngắn hạn ngân hàng lần lượt là 2,1 lần và 1,57 lần.
Việc các khoản vay ngắn hạn mới tiếp tục gia tăng gây rủi ro lớn cho HAGL về áp lực trả nợ gốc và lãi vay. Một phần đã được thể hiện rõ trong chi phí tài chính trong kỳ. Một phần khác thể hiện ở khoản mục tiền mặt trên BCTC chỉ có 230 tỷ đồng, hầu như không đáng kể nếu so sánh với giá trị khoản mục Vay ngắn hạn.
Tính đến ngày 30/6/2018, Vốn chủ sở hữu của HAGL là 18.255 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu chiếm 50% với 9.274 tỷ đồng. Phần còn lại chủ yếu là Thặng dư vốn cổ phần 3.263 tỷ đồng và Lợi ích của cổ đông không kiểm soát ghi nhận 4.779 tỷ đồng ./.