Liên tục bị bác bỏ đề xuất
Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành làm chủ đầu tư.
Với tỉ lệ góp vốn 65%, Cty Minh Phát giữ vị trí Tổng giám đốc tại công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC), là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành, quản lý tuyến cao tốc. Số vốn còn lại của Cienco1 và Phương Thành lần lượt là 18% và 17%.
Chiều 4.5, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Đinh Ngọc Đàn - Phó Tổng giám đốc Cienco1 cho biết, từ tháng 1.2016 đến nay, đơn vị ông đã có nhiều đề xuất mang tính thiện chí như đề nghị MPC cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày, hoặc cho phép công ty ông thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí. Tuy nhiên, mọi đề xuất đưa lên đều bị bác bỏ sau đó không lâu.
Lý do từ chối được giải thích là bởi các đề nghị của Cienco1 đã can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của Công ty, không phù hợp với quyền của cổ đông được quy định trong điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp. “Chúng tôi không rõ vì sao việc minh bạch hoạt động thu phí có lợi cho tất cả các bên như vậy lại không được Công ty đáp ứng”, ông Đinh Ngọc Đàn băn khoăn.
Ngoài ra ông Đàn cũng cho biết thêm, nhằm tự mình đánh giá được lưu lượng xe cộ thực tế qua lại, Cienco1 đã cắt cử các cán bộ dùng các thiết bị công nghệ ghi lại hình ảnh tại một số chốt cố định. Mặc dù việc này không gây gián đoạn hay cản trở hoạt động tác nghiệp của các nhân viên thu phí, nhưng cũng liên tục bị MPC gây khó dễ.
“Lúc thì là chiếc xe, lúc thì là tấm biển báo... luôn có một vật gì đó cản lại hoạt động ghi hình của các camera”, ông Đàn nói.
Con số thông báo chưa sát thực tế
Theo đại điện của đơn vị chiếm 18% cổ phần, từ lâu họ đã nhận được những thông tin cho rằng hoạt động thu phí có dấu hiệu chưa minh bạch dẫn tới doanh thu thu phí do MPC thực hiện không phản ánh đúng diễn biến thực tế, kể cả trong thông báo gửi tới các cổ đông lẫn báo cáo trước các cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, sau khi đạt 41 tỷ đồng vào tháng 1/2016, doanh thu thu phí tháng 2/2016 chỉ còn 35,9 tỷ đồng trong khi đây lại là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân 2016. Với mức thu 1.500 đồng/km/PCU, doanh số bình quân 1 ngày cho tuyến cao tốc có mật độ phương tiện lớn nhất phía Bắc chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng – theo Cienco1 là khá bất thường.
Camera ghi hình đếm xe của Cienco1 liên tục bị MPC ngăn trở. |
“Nếu lưu lượng phương tiện được phản ánh chính xác qua doanh thu thu phí thì thời gian hoàn vốn của Dự án sẽ ngắn lại, nhà nước sẽ sớm được tiếp quản đường từ doanh nghiệp. Việc này có lợi cho chính Nhà nước tất cả người dân tham gia giao thông”, ông Đàn nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Ông Phạm Văn Khôi – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành, đơn vị chiếm 17% cổ phần, lại có quan điểm tương đối đồng nhất với quan điểm của MPC.
Trong cuộc trao đổi nhanh với PV Báo Lao Động chiều cùng ngày, ông Khôi thẳng thắn cho biết đơn vị ông "không cảm thấy có vấn đề gì" với cách điều hành hiện tại của MPC. “Là cổ đông góp vốn, các đơn vị thành viên cũng đều có người của mình trong bộ máy hoạt động MPC. Thu chi thế nào thì các bên cũng đều nắm được cả”, ông Khôi nói.
Được biết, cơn "sóng ngầm" mâu thuẫn giữa chính nội bộ các nhà đầu tư trong MPC không phải chuyện mới xảy ra. Nó đã âm ỉ chảy chỉ ít ngày sau khi con đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam Hà Nội này tiến hành thu phí hoàn vốn cho giai đoạn I.
Trước thực tế trên, Cienco1 cũng đã có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, đứng về phía cổ đông nhỏ, người tham gia giao thông để cùng làm rõ nghi vấn “thất thoát phí” tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo Lao động