Số phận sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng sẽ đi về đâu?

VietTimes -- UBND TP Đà Nẵng muốn giữ lại toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án, nhưng đến nay các bên vẫn chưa đạt được được thỏa thuận. Trong khi đó, các cá nhân khác không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản, khiến việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng không thực hiện được.
Vẫn chưa có cái kết cho sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng
Vẫn chưa có cái kết cho sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng

Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng vừa báo cáo tình hình THADS trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019, trong đó, vấn đề xử lý tài sản là sân vận động Chi Lăng để thi hành án vụ Phạm Công Danh vẫn chưa có lời giải.

Theo Cục THADS  TP Đà Nẵng, vụ Phạm Công Danh (Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đang tồn tại nhiều vấn đề khiến việc thi hành án gặp khó khăn. Đó là bản án số 332/2016/HSST ngày 09/9/2016 và bản án số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 đều của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM.

Để thực thi bản án, Cục THADS TP Đà Nẵng tổ chức thi hành một phần quyết định của bản án nêu trên và ra quyết định thi hành án số tiền gần 3.947 tỷ đồng (Quyết định thi hành án số 82/QĐ-CTHADS ngày 07/5/2018, số tiền 3.646,833 tỷ đồng và Quyết định rút hồ sơ thi hành án số 31/QĐ.RHSTHA ngày 14/9/2018, số tiền 300 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, tính đến ngày 30/4/2019, ông Phạm Công Danh, Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh phải trả các khoản vay được đảm bảo tài sản sân vận động Chi Lăng với nợ gốc là 4.000 tỉ đồng và lãi phát sinh 4.408 tỉ đồng, tổng cộng gốc và lãi là 8.408 tỉ đồng.

Còn theo cung cấp của Agribank chi nhánh Láng Hạ, tính đến nay Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh còn phải trả khoản vay được đảm bảo tài sản là 1 lô đất trong sân vận động Chi Lăng với nợ gốc là 219 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai năm 2003, Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ với thời hạn sử dụng có thời hạn, nên 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng mà UBND TP Đà Nẵng cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, theo pháp luật về đất đai và Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ, TP Đà Nẵng phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.

Ngoài ra, Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch.

"Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được"- ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thông tin.

10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng được cấp thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật
10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng được cấp thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật

Trước đó, sau khi bản án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có hiệu lực, UBND TP Đà Nẵng đã báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nội dung bản án, đồng thời, UBND TP Đà Nẵng đề nghị được giữ lại toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.

Tuy nhiên đến nay các bên vẫn chưa đạt được được thỏa thuận, các ngân hàng không đồng ý phương án mà TP Đà Nẵng đưa ra vì cho rằng số tiền đó quá ít.