Số lượng bò Úc nhập về Việt Nam giảm

Theo đại diện một số công ty chuyên nhập khẩu bò Úc nguyên con, trong 4 tháng đầu năm 2016 số lượng bò Úc nhập về Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bò Úc được nhập về và vỗ béo trước khi phân phối ra thị trường tại trang trại của công ty cổ phần Kết Phát Thịnh ở Nghệ An. Ảnh: TL
Bò Úc được nhập về và vỗ béo trước khi phân phối ra thị trường tại trang trại của công ty cổ phần Kết Phát Thịnh ở Nghệ An. Ảnh: TL

Ông Võ Xuân Hòa, giám đốc điều hành công ty cổ phần Kết Phát Thịnh (tỉnh Long An) – một trong những công ty nhập khẩu bò Úc số lượng lớn - cho biết, từ sau Tết 2016 công ty nhập khẩu về dưới 10.000 con bò Úc, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bò nhập khẩu có cân nặng 350-400kg/con, sẽ được nuôi vỗ béo trong vòng 3-4 tháng rồi mới phân phối, giết thịt.  

Ông Hòa cũng cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, ngày thường (tức không phải dịp lễ, tết) mỗi ngày công ty phân phối trên toàn quốc 300-350 con, nhưng ở thời điểm hiện tại số lượng phân phối ở mức trên dưới 200 con.

Nguyên nhân số lượng bò nhập giảm theo ông Hòa là bởi cung trong nước đã tăng lên.

“Thực tế, lượng tiêu thụ bò ngày càng tăng nhưng số lượng bò Úc lại giảm bởi, nếu cách đây vài năm, nguồn cung ứng bò trong nước chưa ổn định thì nay, sau một thời gian, người nông dân đã nuôi nhiều hơn, nguồn cung tốt hơn. Thêm vào đó phải kể tới lượng bò từ biên giới Lào, Campuchia, Thái Lan đưa qua. Mặc dù không có số liệu chính thức nhưng tôi biết tổng số lượng này có năm gấp đôi số lượng bò Úc”, ông Hòa nói thêm.

Đồng thời, theo ông Hòa, giá nhập khẩu bò Úc cũng giảm. Mức giá hiện nay là 2,8 đô la Mỹ/kg, so với cùng thời điểm này năm 2015 là 3-3,05 đô la Mỹ/kg. Sở dĩ giá nhập khẩu giảm ngoài nguyên nhân nguồn cung tại thị trường Việt Nam còn khoảng hơn 100.000 con còn đang nuôi, vỗ béo chờ đưa ra thị trường, thì còn có nguyên nhân kìm giá từ các nhà nhập khẩu Indonesia.

“Indonesia là nước nhập khẩu bò Úc lớn nhất với 700.000 con năm 2015, sau đó tới Việt Nam với 360.000 con, nhưng theo tôi được biết từ đầu năm tới nay các nhà nhập khẩu từ Indonesia kìm giá, nếu phía Úc bán giá cao thì không mua, theo đó Úc phải hạ giá thành xuống cả với Việt Nam”, ông Hòa nói.

Ông Hòa còn cho biết thêm, với tình hình như hiện tại, dự đoán cả năm 2016 công ty có khả năng tiêu thụ khoảng 72.000 con. Và với giá thành nhập về như vậy, ông Hòa cho biết, nếu chăm sóc tốt, quản lý tốt dịch bệnh, chuồng trại và giá thành thức ăn ổn định thì mỗi tháng công ty sẽ lời 500.000 đồng/con bò, nhưng thường rủi ro rất cao. Vì vậy theo ông, nhập khẩu bò Úc nguyên con về vỗ béo và phân phối giờ không còn là ngành kinh doanh hấp dẫn.

Ngoài ra, theo ông Hòa, đối thủ của người nuôi bò trong nước cũng như các đơn vị nhập khẩu bò hiện nay chính là bò đông lạnh nhập khẩu; giá thành nhập khẩu loại sản phẩm này không cao và nhiều rủi ro như nhập khẩu nguyên con.

Ông Phùng Duy Linh, giám đốc chiến lược công ty TNHH Trung Đồng, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay Trung Đồng nhập khoảng 13.000 con bò Úc.

“Nếu tính bình quân từ khi thành lập năm 2011 đến nay thì số lượng bò Úc nhập khẩu của công ty là khá ổn định, nhưng xét về mặt bằng chung của thị trường, theo quan sát, nhận định chủ quan của công ty thì mức nhập bò Úc của toàn thị trường Việt Nam năm nay sẽ giảm so với năm 2015”, ông Duy Linh nói.

Nguyên nhân bò Úc giảm ở thị trường, theo ông Duy Linh, là do lượng bò từ Thái, Lào, Campuchia về nhiều. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của sản phẩm bò từ các doanh nghiệp, người nông dân trong nước.

“Như các mặt hàng buôn bán khác, bò Úc đang ở trong thời kỳ hạ nhiệt sau một khoảng thời gian ồ ạt nhập khẩu. Vậy nên thời gian tới các doanh nghiệp nhập khẩu bò sẽ thận trọng hơn”, ông Linh nói thêm.

Theo TBKTSG