Bắt đầu từ ngày 26/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức thu phí không dừng.
Sau hai ngày vận hành hệ thống này, nhiều báo đã phản ánh về tình trạng ùn ứ xảy ra trên chặng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú hướng về trạm thu phí Long Phước.
Cũng theo ghi nhận từ các phóng viên hiện trường, ngày 27/7, lượng phương tiện giao thông ùn tắc tại các trạm thu phí Long Phước, Dầu Giây và Quốc lộ 51 có giảm bớt hơn so với ngày đầu thực hiện quy định thu phí không dừng.
Ở các trạm, đơn vị quản lý tuyến vẫn duy trì làn thu phí hỗn hợp. Với ô tô chưa dán thẻ, hiện tại được tiếp tục hỗ trợ thu bằng tiền mặt và các chủ phương tiện được hướng dẫn qua chốt dán thẻ ETC rồi tiếp tục lưu thông.
Tuy nhiên, từ ngày 1/8 tới, theo yêu cầu của Chính phủ, sẽ áp dụng thu phí không dừng, hoàn toàn tự động, không tổ chức thu tay và trả tiền mặt tại trạm. Hệ thống thu phí ETC do VEC và nhà thầu TASCO triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan khác theo quy định, bảo đảm tính đồng bộ và khả năng kết nối liên thông với hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc.
Triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng trên 4 tuyến cao tốc của VEC
Tại cuộc họp báo diễn ra chiều tối ngày 28/7, ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - thừa nhận: “Mấy ngày gần đây đã tổ chức triển khai thực hiện thu phí không dừng, nhưng lượng phương tiện sử dụng hình thức thu phí không dừng chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại vẫn sử dụng hình thức thu phí cũ, nên đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí”.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Thiện Hợp |
“Đề nghị các chủ phương tiện phải thực hiện đăng ký hình thức thu phí không dừng trước ngày 1/8/2022 để đến đó không còn tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm BOT” – Ông Phan Công Bằng nhấn mạnh.
Về vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, gây bát nháo, mất hình ảnh và bất tiện cho người dân khi sử dụng các dịch vụ vận tải tại sân bay, đặc biệt là dịch vụ xe taxi, theo ông Phan Công Bằng, thời gian phục hồi kinh tế hậu COVID-19 vừa qua, do nhu cầu đi lại tăng lên chóng mặt, lượng hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày rất lớn so với thời gian dịch bệnh, nên đã xảy ra tình trạng quá tải trong sân bay. Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo tới Chính phủ để tìm giải pháp khắc phục cho thời gian tới.
Cụ thể, Giám đốc cụm cảng Hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Giao thông Vận tải về việc tìm kiếm các giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự cho sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt chú trọng các giải pháp ngăn chặn taxi “dù” cũng như các hành vi chèo kéo ép giá cước vận tải, bắt khách sai quy định…
Để giải quyết vấn đề về căn bản, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đề nghị Sở Bộ Giao thông Vận tải báo cáo đề xuất UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe, bãi đệm cho các phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất ở các khu đất trống chưa quy hoạch, TP.HCM đang tạm giao cho cảng vụ Hàng không miền Nam quản lý, ở vị trí tiếp giáp vào ga quốc tế, góc đường Bạch Đằng – Trường Sơn – Hồng Hà, có diện tích khoảng hơn 3.500 mét vuông.