SK Group tính thoái một số khoản đầu tư ở Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – SK Group có thể bán cổ phần ở một số doanh nghiệp tại Việt Nam để thu về hàng tỉ đô trước viễn cảnh suy thoái kinh tế. Tập đoàn Hàn Quốc đang nắm giữ lượng lớn cổ phần ở Vingroup, Masan, Pharmacity, Imexpharm,...

SK Group muốn rút bớt vốn khỏi Việt Nam, ưu tiên tích trữ tiền mặt
SK Group muốn rút bớt vốn khỏi Việt Nam, ưu tiên tích trữ tiền mặt

SK Group đang xem xét bán một số tài sản của mình tại Việt Nam và Malaysia thuộc sở hữu của SK South East Asia Investment Pte. Ltd, theo The Korea Economic Daily.

Tuy vậy, vẫn chưa có quyết định cụ thể được đưa ra. “Việc bán cổ phần tại công ty nào và quy mô ra sao sẽ được xác định sau”, một lãnh đạo của SK Group cho biết.

Hợp tác với quỹ hưu trí Hàn Quốc National Pension Service, SK South East Asia Investment - thành viên của SK Group - đã chi tới 3.000 tỉ won (2,34 tỉ USD) để mua cổ phần của 7 công ty Việt Nam và Malaysia.

Được biết, SK South East Asia Investment đang nắm giữ 6,1% cổ phần Vingroup; 9,5% cổ phần Masan; 14,5% cổ phần Pharmacity; 54% cổ phần Imexpharm; 16,3% cổ phần VinCommerce; 4,9% cổ phần The CrownX; và một số cổ phần không xác định trong BigPay – một fintech của Malaysia's AirAsia Group Bhd.

Động thái của SK Group diễn ra trong bối cảnh các tập đoàn lớn của Hàn Quốc ưu tiên việc tích trữ tiền mặt, đồng thời hạn chế đầu tư vào các dự án mới trước triển vọng kinh tế suy thoái vào năm 2023.

“Một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần tại các công ty Việt Nam và Malaysia có thể được tái đầu tư vào các công ty đầy triển vọng ở Đông Nam Á, nguồn tin của The Korea Economic Daily cho hay.

Tờ này cũng dẫn một nguồn tin khác, khẳng định 'SK không gặp khó khăn về tài chính' mà chỉ muốn đảm bảo nguồn vốn để chuẩn bị cho viễn cảnh kinh tế ảm đạm.

Ít tuần trước, ông Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group nhấn mạnh rằng: “Sự sống còn hiện được ưu tiên hàng đầu so với lợi nhuận và hiệu quả quản lý. Các chi nhánh tập đoàn cần nhanh chóng tích trữ tiền mặt để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất”.

SK Group được cho là có tới 4.000 tỉ won trong quỹ dự phòng khẩn cấp. Trong khi đó, khoản vay ròng chưa thanh toán tại SK Inc., công ty mẹ của SK Group, đã tăng vọt lên 10.870 tỉ won trên cơ sở hợp nhất vào cuối quý 3 từ mức 6.880 tỉ won vào cuối năm 2018.

SK Group hy vọng nguồn vốn sẽ được đảm bảo thông qua việc bán tài sản để bù đắp cho suy thoái kinh tế.

Đồng thời, tập đoàn này tiếp tục rót vốn vào các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, nguyên liệu thô và trí tuệ nhân tạo./.