Pharmacity, Long Châu, An Khang đã 'bành trướng' hậu Covid-19 như thế....

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau dịch Covid-19, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các hệ thống chuỗi nhà thuốc lớn. Đứng đầu là Pharmacity với 1.093 nhà thuốc, sau đó là Long Châu với 754 nhà thuốc và An Khang với 583 nhà thuốc

Ba chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam làm ăn ra sao?
Ba chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam làm ăn ra sao?

Từng vấp phải nhiều hoài nghi, các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam đã chứng kiến sự 'bùng nổ' mạnh mẽ trong giai đoạn trong và hậu đại dịch Covid-19.

Theo tờ Nikkei Asia, người dân Việt Nam từ sau đại dịch Covid-19 đang có xu hướng chuyển sang mua thuốc và các loại dược phẩm tại các đại lý thuộc chuỗi lớn điều hành nhiều hơn.

Người dân trước đây thường mua dược phẩm ở các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ - các hộ kinh doanh gia đình. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi người dân có ý thức hơn về sức khoẻ trong đại dịch Covid-19, số lượng nhà thuốc do 3 chuỗi lớn điều hành đã tăng gấp 8 lần.

Pharmacity

Trung tuần tháng 8/2022, CTCP Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity) - chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc bán lẻ dược phẩm cùng tên - bất ngờ công bố việc nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Christopher Randy Stroud (Chris Blank) không còn là người đại diện pháp luật của công ty. Thay thế vị trí này là ông Nguyễn Như Nam - nhân sự được cho là quản lý đầu tư của SK Group.

Sự thay đổi nhân sự cấp cao của Pharmacity là dấu hiệu cho thấy quỹ đầu tư Hàn Quốc đã thực hiện rót vốn vào chuỗi bán lẻ dược phẩm có mạng lưới lớn bậc nhất tại Việt Nam. Lưu ý, từ cuối tháng 5/2020, SK Investment Vina III - thành viên của SK Group - đã mua vào lượng lớn cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã CK: IMP).

Cập nhật đến ngày 28/8/2022, Pharmacity có đến 1.093 nhà thuốc đạt chuẩn GPP đang hoạt động trên toàn quốc. Chuỗi dược phẩm này ra đời từ năm 2011, bởi ông Chris Blank - một dược sĩ mang 2 dòng máu Mỹ, Việt.

Ông Blank từng đặt mục tiêu một nửa dân số Việt Nam có thể tiếp cận các nhà thuốc của chuỗi này trong 10 phút lái xe, tương ứng tới năm 2025, sẽ mở rộng hệ thống lên 5.000 cửa hàng Pharmacity trên toàn quốc.

Mục tiêu kể trên của Pharmacity là rất tham vọng, nếu biết rằng, công ty này liên tục báo lỗ trong giai đoạn 2016 - 2019, dù doanh thu liên tục ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 con số.

Năm 2021, Pharmacity cho biết doanh thu của công ty đạt 3.567 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020. Doanh nghiệp này cũng bắt đầu có lãi từ tháng 7/2021, theo chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao).

An Khang

Năm 2018 đánh dấu sự gia nhập của CTCP Đầu tư Thế Giới di động (Mã CK: MWG) vào thị trường bán lẻ dược phẩm với việc rót vốn đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (sau đổi tên thành An Khang). Tính đến cuối quý 2/2022, MWG đã nắm giữ 99,9% cổ phần tại CTCP Bán lẻ An Khang.

Theo lãnh đạo MWG Đoàn Văn Hiểu Em, mục tiêu của An Khang không phải doanh thu và lợi nhuận mà là gia tăng thị phần và số lượng cửa hàng.

Tính đến cuối tháng 7/2022, An Khang đã có 510 nhà thuốc mở tại TP.HCM và các tỉnh, phục vụ đến 116.600 khách mỗi ngày.

MWG cho biết, tính đến cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang vào khoảng 340 – 350 triệu đồng/tháng. Đến quý 1/2022, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 650 triệu đồng/tháng/cửa hàng.

Long Châu

Năm 2017, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã CK: FRT) đánh dấu việc gia nhập ngành dược bằng việc mua lãi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu. Tháng 11/2018, FRT thành lập CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) - động thái được cho là nhằm đẩy mạnh tốc độ mở rộng chuỗi nhà thuốc.

Hiện tại, FPT Retail nắm 85,07% vốn của FPT Pharma, bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail – là người đại diện theo pháp luật của công ty con này.

Sau 4 năm hoạt động, Long Châu hiện sở hữu hệ thống 754 nhà thuốc trên toàn quốc, và đang chú trọng vào việc nâng hiệu quả doanh thu mỗi cửa hàng.

Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, doanh thu bán hàng của Long Châu có xu hướng tăng trưởng rõ rệt.

Năm 2019 doanh thu Long Châu đạt 511 tỉ đồng, chỉ chiếm 3% tổng doanh thu của FPT Retail. Đến nửa đầu năm 2022, doanh thu của chuỗi đã lên tới 4.008 tỉ đồng, đóng góp đến 35% doanh thu cho công ty mẹ.

Tại thời điểm 30/6/2022, với số lượng 678 nhà thuốc đang hoạt động trên cả nước thì doanh thu trung bình mỗi cửa hàng là 985 triệu đồng/tháng.

FPT Retail kỳ vọng trong năm 2022, Long Châu sẽ có lợi nhuận khoảng 50 – 100 tỉ đồng tùy thuộc vào tốc độ mở mới và mức độ đầu tư cho dài hạn./.