Siêu ứng dụng WeChat thắng lớn khi cạnh tranh với TikTok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Channels - dịch vụ video ngắn của WeChat đã mang lại doanh thu quảng cáo 411,5 triệu USD trong quý hai khi người dùng ứng dụng hàng tháng đạt 1,327 tỉ.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo dữ liệu mới nhất do chủ sở hữu ứng dụng Tencent Holdings công bố, siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc tiếp tục phát triển lớn mạnh và có nhiều lợi nhuận hơn khi tính năng video ngắn tương tự TikTok của nền tảng đã bắt đầu tạo ra doanh thu quảng cáo và doanh số thương mại điện tử mạnh mẽ.

Ứng dụng truyền thông xã hội, bắt đầu phát triển dưới dạng một công cụ nhắn tin vào năm 2011, đã dần trở thành một nền tảng tất cả trong một cho người dùng điện thoại thông minh Trung Quốc.

Tencent cho biết hôm thứ Tư rằng người dùng hoạt động hàng tháng của WeChat và Weixin – thuật ngữ mà công ty sử dụng để chỉ các tài khoản bên ngoài Trung Quốc đại lục – đã cán mốc 1,327 tỉ vào cuối tháng 6, tăng từ 1,319 tỉ ba tháng trước đó. Tencent đã không cung cấp thông tin chi tiết về người dùng trong nước và nước ngoài, mặc dù chuyên gia ước tính rằng phần lớn người dùng vẫn ở Trung Quốc.

Trong quý hai, thời gian dành cho WeChat Channels – tên của dịch vụ video ngắn cạnh tranh với Douyin của ByteDance, phiên bản tiếng Trung của TikTok – tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự tăng trưởng hai con số về số người dùng hoạt động hàng ngày, Chủ tịch Tencent, Martin Lau Chi-ping, cho biết trong một hội nghị với các nhà phân tích vào thứ Tư.

Khi Tencent đã thành công thu hút người dùng dành nhiều thời gian hơn cho các video ngắn, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã tìm cách tối ưu khả năng kiếm tiền từ nền tảng này.

Theo đó, dịch vụ này đã đóng góp khoảng 3 tỉ nhân dân tệ (411,5 triệu USD) doanh thu quảng cáo trong quý hai, trở thành động lực chính cho mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo 34%.

James Mitchell, giám đốc chiến lược của Tencent, cho biết trong báo cáo thu nhập rằng quảng cáo trên các WeChat Channels vẫn là “một phần rất nhỏ” so với các nền tảng video ngắn của đối thủ, nhưng Tencent sẽ “tăng dần quảng cáo và sớm chuyển hóa tính năng này thành một bộ máy tạo ra nhiều doanh thu hơn”.

Thương mại điện tử phát trực tiếp là một con đường tiềm năng khác để tiếp tục kiếm tiền từ WeChat Channels, vì các nền tảng video ngắn khác tạo ra khoảng một nửa doanh thu quảng cáo của họ từ các công ty bán hàng thông qua nguồn cấp dữ liệu video của họ, Mitchell nói.

Công ty cho biết tổng khối lượng hàng hóa của WeChat từ thương mại điện tử phát trực tiếp đã tăng 150% trong quý hai so với mức thấp một năm trước đó.

Vào thứ Tư, Tencent đã báo cáo doanh thu trong quý thứ hai tăng 11% , đạt 149,2 tỉ nhân dân tệ, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích. Lợi nhuận đạt 26,2 tỉ nhân dân tệ trong quý này cũng thấp hơn ước tính nhưng vẫn tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

WeChat Channels, được gắn nhãn là sản phẩm beta kể từ khi ra mắt vào tháng 1 năm 2020, được người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty, Pony Ma Huateng, gọi là hy vọng mới của Tencent trong một cuộc họp nội bộ vào tháng trước, khi công ty tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Mặc dù công ty chưa tiết lộ số lượng người dùng video ngắn hiện tại của mình, nhưng người dùng hoạt động hàng tháng trên Channels được ước tính đã đạt 813 triệu vào tháng 6 năm ngoái, vượt xa con số 680 triệu trên Douyin và 390 triệu trên Kuaishou trong cùng tháng, theo dữ liệu công ty phân tích QuestMobile.

Tencent đã dần dần giới thiệu nhiều kế hoạch kiếm tiền cho Channels, bao gồm đăng ký trả phí, phát trực tiếp trả phí và thương mại điện tử phát trực tiếp, từ đó công ty có thể tối ưu hóa doanh thu từ tính năng này.

Theo SCMP