“Nhờ vào khả năng tự vệ hạt nhân hiệu quả và đáng tin cậy, sẽ không còn thêm cuộc chiến tranh nào trên Trái Đất, và sự an toàn, tương lai của đất nước chúng ta sẽ được đảm bảo mãi mãi” – ông Kim nói trong một bài phát biểu được hãng thông tấn nhà nước (KCNA) dẫn lại hôm 28/7.
Phát biểu trước một nhóm cựu chiến binh nhân kỷ niệm 67 năm ngày ký hiệp ước ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh liên Triều (27/7), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng vũ khí hạt nhân sẽ cho phép Triều Tiên tự bảo vệ mình “trước mọi mối đe dọa và sức ép lớn từ những thế lực thù địch và những người theo chủ nghĩa đế quốc”.
Triều Tiên trong suốt nhiều năm luôn khẳng định rằng việc họ theo đuổi vũ khí hạt nhân chỉ mang mục đích phòng thủ và nhằm đánh chặn mọi âm mưu xâm lược hay thay đổi chế độ. Nhưng một số chuyên gia cho rằng vũ khí hạt nhân giúp củng cố vị thế của Bình Nhưỡng, cho phép chính quyền nước này áp dụng các chính sách thù địch hơn, cùng lúc ngăn các thế lực thù địch đưa ra phản ứng với các động thái hung hăng ở mức độ thấp.
Mặc dù lý do mà Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có như thế nào, thì bình luận mà ông Kim đưa ra trong hôm đầu tuần này cũng là lời nhắc nhở quan trọng rằng Bình Nhưỡng khó có thể từ bỏ hạt nhân để đạt được một thỏa thuận nào đó.
Bài phát biểu của ông Kim xuất hiện ngay trong một trong những kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất của Triều Tiên: kỷ niệm “Chiến thắng của người dân Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc vĩ đại”, cách nói về cuộc Chiến tranh Triều Tiên của người Triều Tiên.
Một số sử gia cho rằng cuộc xung đột này bắt đầu khi cố lãnh đạo Kim Il Sung của Triều Tiên mở cuộc tấn công Hàn Quốc nhằm nỗ lực tái thống nhất bằng vũ lực. Về phần mình, Triều Tiên cho rằng cuộc chiến bắt đầu khi Mỹ và Hàn Quốc tấn công Triều Tiên – và Triều Tiên đã giành chiến thắng nhờ vào sự lãnh đạo của ông Kim Il Sung.
Xét về mặt kỹ thuật thì cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc, bởi các bên chỉ ký lệnh ngừng bắn – chứ không phải hiệp ước hòa bình – vào ngày 27/7/1953. Nhiều thập kỷ sau đó, Triều Tiên vẫn cảnh báo người dân của họ rằng mối đe dọa bị xâm lược vẫn hiện hữu.
Nhiều nhà quan sát đã tỏ ra đầy lạc quan khi Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6/2018, cho rằng nó có thể dẫn tới bước đột phá mà cả hai bên mong muốn. Tuy nhiên, các vòng đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đến nay đã lâm vào thế bế tắc.
Mặc dù phía Triều Tiên từng đánh tín hiệu rằng họ luôn cởi mở với khả năng tham gia một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ, nhưng viễn cảnh đó giờ rất mờ nhạt.
Kim Yo Jong, em gái của ông Kim Jong-un và có khả năng trở thành nhân vật quyền lực thứ hai ở Triều Tiên trong tương lai, hồi đầu tháng này nói rằng Mỹ cần phải theo đuổi một chiến lược đàm phán mới nếu muốn Triều Tiên chấp nhận tham gia một hội nghị thượng đỉnh.
Bà Kim Yo Jong cũng nói, bà tin rằng thước đo các vòng đàm phán giữa hai nước cần phải thay đổi để tập trung vào việc “Mỹ ngừng sự thù địch” đối với Triều Tiên, thay vì tập trung vào lấy việc gỡ bỏ lệnh cấm vận để đổi lấy giải giáp hạt nhân.
Phía Triều Tiên suốt nhiều năm qua luôn cáo buộc Mỹ áp dụng cái mà họ gọi là “chính sách thù địch”, chỉ ra mối quan hệ đồng minh của Washington với Hàn Quốc, cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc bằng “cái ô hạt nhân” và việc Mỹ triển khai quân lực tới Đông Á.
“Chúng tôi muốn làm rõ rằng, điều này không phải có nghĩa rằng giải giáp hạt nhân là không thể đạt được” – ông Kim Jong-un nói trong bài phát biểu được KCNA dẫn lại – “Điều chúng tôi muốn nói là, không thể đạt được điều đó trong thời điểm này. Tôi nhắc nhở Mỹ rằng giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được khi có những sự thay đổi lớn ở cả hai phía”.