Đó là ngày 10/2/2018. Người con trẻ nhất của nhà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã làm nên lịch sử khi trở thành thành viên đầu tiên trong gia đình của bà đặt chân đến nửa phía Nam của bán đảo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.
Vào tối hôm trước đó, bà Kim Yo Jong đã tham dự buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Bà ngồi phía sau Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và theo dõi hàng trăm vận động viên bước đi dưới một lá cờ chung mang hình bán đảo Triều Tiên.
Bà Kim Yo Jong cùng vỗ tay tán thưởng các vận động viên, cùng với nhiều nhân vật quan trọng khác tham gia sự kiện như Tổng thống Moon, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đó là một hình ảnh đáng chú ý. Nhưng chuyến thăm tới Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), lại là một câu chuyện khác.
Vào sáng hôm sau phiên khai mạc Thế vận hội, Kim Yo Jong bước xuống khỏi một chiếc xe màu đen và tiến vào Nhà Xanh. Bà đi dọc thảm đỏ với cử chỉ thanh nhã, đầu ngẩng cao, giống như phong thái của một người phụ nữ đầy tự tin từng gặp gỡ nhiều lãnh đạo quan trọng của thế giới. Bà mang trang phục màu đen và tay trái mang theo một chiếc cặp táp cũng màu đen.
Tổng thống hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay bà Kim Yo Jong (Ảnh: CNN)
|
Vào thời điểm bấy giờ, bà Kim Yo Jong là trưởng ban tuyên truyền và dân vận của Triều Tiên, và khả năng tạo hình ảnh tốt của bà đã được thể hiện rõ trong chuyến thăm Seoul. Bà đã chứng minh bản thân là đại diện hoàn hảo cho đất nước mình: Một người phụ nữ thông thái, lịch lãm, hòa nhã có thể giúp xóa tan hình ảnh một nước Triều Tiên vốn bị xem là bí ẩn, lạ lùng và có chính sách theo đuổi hạt nhân.
Park Ji-won, cựu Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, nói rằng sau 4 cuộc gặp với bà Kim Yo Jong, ông mang ấn tượng về một người phụ nữ với trí thông minh và sự tự tin vượt qua độ tuổi của mình.
“Bà ấy giống như cha và anh của mình” – ông Park nói – “Bà ấy rất thông minh và suy nghĩ nhanh nhạy. Bà ấy nhã nhặn, nhưng thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng”.
Sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày, bà Kim Yo Jong tạo dựng uy tín nhanh chóng vì đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, anh trai của bà.
Chuyến thăm này cũng mang một ý nghĩa quan trọng khác, mà chỉ qua những diễn biến xuất hiện trong vài ngày gần đây mới trở nên rõ rệt hơn: Kim Yo Jong là nhân vật có quyền quyết định vấn đề về quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, là nhân vật quyền lưc thứ hai ở Triều Tiên và chỉ nhận lệnh từ ông Kim Jong-un.
"Tương lai thống nhất và thịnh vượng"
Ông Moon Jae-in, ông Kim Yong Nam và bà Kim Yo Jong tại buổi tiếp đón tại Nhà Xanh ngày 10/2/2018 (Ảnh: CNN)
|
Vào lúc 1h00 sáng ngày 31/5/2020, các nhà hoạt động thuộc tổ chức Những chiến binh vì Triều Tiên Tự do (FFNK) đã tập hợp ở phần phía Nam của biên giới giữa hai miền Triều Tiên, gần khu phi quân sự (DMZ). Nhóm quy tụ những người đào tẩu khỏi Triều Tiên lúc đó hy vọng rằng bằng cách hội họp trong đêm, họ sẽ tránh được sự chú ý của lực lượng cảnh sát, binh sĩ và những người đi ngang qua…đối với điều mà họ chuẩn bị làm.
Nhóm người này đang trong sứ mệnh mang thông tin từ thế giới bên ngoài tới người đồng bào cũ của mình. Được biết, người dân Triều Tiên không được phép tiếp nhận bất kỳ thông tin nào mà chưa qua sự kiểm duyệt của chính quyền.
Nhóm những người đào tẩu này đã sử dụng 20 trái bóng bay cỡ lớn cùng 500 truyền đơn, 500 cuốn sách nhỏ, 1.000 chiếc thẻ SD bên trong có chứa nội dung mà chắc chắn sẽ khiến các cố vấn hàng đầu của ông Kim Jong-un tức giận.
Và họ để những trái bóng bay lên bầu trời, hy vọng rằng khi mặt trời mọc, gió sẽ đẩy truyền đơn sáng phía Triều Tiên.
Giới chức ở Bình Nhưỡng rất tức giận trước hành động này. Thông tin về thế giới bên ngoài bị coi như một thứ virus ở Triều Tiên, có thể lây lan nhanh chóng và hủy hoại xã hội. Và việc rải truyền đơn cần phải bị trừng phạt.
Và trách nhiệm đó thuộc về bà Kim Yo Jong.
Trong một tuyên bố đưa ra sau sự việc, bà Kim Yo Jong nói rằng những truyền đơn này đã vi phạm trắng trợn một thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức vào tháng 4/2018, một cuộc gặp mà chính bà Kim là người đặt nền móng nhân chuyến thăm tới Hàn Quốc. Như một phần của thỏa thuận, hai nhà lãnh đạo nhất trì ngừng “mọi hành động thù địch và tiêu hủy các phương tiện (phục vụ hành động đó), bao gồm hoạt động phát thanh bằng các dàn loa lớn và rải truyền đơn”.
Bởi vậy, đưa ra phản ứng trước việc rải truyền đơn, bà Kim Yo Jong chỉ đạo cắt tất cả đường dây liên lạc với phía Hàn Quốc, trong đó có cả một đường dây nóng kết nối trực tiếp hai nhà lãnh đạo của hai bên.
Bà yêu cầu chính phủ Hàn Quốc trừng phạt những người đào tẩu mà bà gọi là “kẻ phản bội”, “cặn bã”, những người “dám gây tổn hại tới thanh danh của Lãnh đạo tối cao đại diện cho đất nước của chúng ta và phẩm hạnh to lớn”; theo tuyên bố mà hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lại.
Phía chính phủ Hàn Quốc thì nói rằng họ đã yêu cầu lực lượng cảnh sát điều tra những người đào tẩu này, nhưng cũng thêm rằng điều này sẽ tạo một tiền lệ xấu trong nền dân chủ tự do nơi mà mọi người dân được tự do ngôn luận.
Nhưng những diễn biến trong vài ngày gần đây đã cho thấy phái Triều Tiên phẫn nộ đến mức nào.
Cách đây 30 tháng, thời điểm mà Kim Yo Jong bước vào Nhà Xanh ở Hàn Quốc, bà đã cảm ơn Tổng thống Moon Jae-in vì lo bà bị lạnh trong buổi khai mạc Thế vận hội mùa Đông và còn viết trong sổ lưu niệm Nhà Xanh rằng bà mong chờ một “tương lai thống nhất và thịnh vượng”.
Nhưng trong hôm thứ Ba tuần này, cũng chính bà là người ra chỉ thị đánh sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc, một cơ sở có chi phí xây dựng lên tới 8 triệu USD được chính phủ Hàn Quốc chi, để bắt phía Hàn Quốc “trả giá xứng đáng vì những tội ác của họ”.
Ngọn lửa âm ỉ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: CNN)
|
Rất nhiều sự việc có thể xảy ra trong khoảng thời gian 30 tháng, và mặc dù vấn đề rải truyền đơn đã khiến Triều Tiên phẫn nộ, nhưng phần lớn giới chuyên gia phân tích tin rằng nó chỉ là một trong số những nguyên nhân có thể khiến cho mối quan hệ giữa hai bên sụp đổ.
Những kỳ vọng không được đáp ứng, những mục tiêu đầy tham vọng nhưng phi thực tế và thiếu đi sự liên lạc thường xuyên là nguyên nhân khiến quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng như hiện nay, rõ nhất là kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội trong năm ngoái.
Hội nghị được tổ chức vào cuối tháng 2/2019, hơn 1 năm kể từ sau chuyến thăm Seoul của bà Kim Yo Jong. Vào thời điểm đó, ông Kim Jong-un đã gặp ông Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng dù đạt được đột phá ban đầu, thì các vòng đàm phán cấp làm việc giữa Washington và Bình Nhưỡng cuối cùng không đạt được bước tiến liên quan tới vấn đề giải giáp hạt nhân và gỡ bỏ lệnh cấm vận.
Kể từ khi biết được Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân cách đây 30 năm, 4 đời chính quyền Mỹ đã liên tục cố gắng để rồi thất bại khi thuyết phục họ từ bỏ chương trình hạt nhân. Mặc dù qua các thời kỳ, “củ cà rốt” mà Mỹ đưa ra có khác, nhưng “cây gậy” thì vẫn luôn là lệnh cấm vận.
Khi chính quyền Trump nắm quyền, Nhà Trắng cũng dụng tới “cây gậy” này. Sau khi Triều Tiên thử nghiệm nhiều tên lửa trong năm 2017, Washington phản ứng bằng cách đề xuất các lệnh trừng phạt tăng cường tại Hội đồng Bảo an LHQ nhằm đánh vào nền kinh tế Triều Tiên. Vào thời điểm cuối năm, Bình Nhưỡng bị luật pháp quốc tế cấm bán gần như mọi thứ ra nước ngoài.
Bởi vậy khi ong Trump và ông Kim nhất trí gặp gỡ trực tiếp lần thứ hai, cả hai đều hy vọng kỳ hội nghị thượng đỉnh có thể giúp họ đạt một thỏa thuận nào đó.
Nhưng khi ngồi vào bàn đàm phán để tính xem cơ sở hạt nhân nào được đem ra ngã giá đổi lấy việc nới lỏng cấm vận, cả hai bên mới nhận ra rằng giữa họ có cách biệt quá lớn. Phái đoàn hai nước rời khỏi hội nghị khi nhận ra rằng họ không thể nhất trí được điều gì.
Các vòng đàm phán cấp thấp hơn kể từ đó cũng không đi đến đâu, và Triều Tiên bắt đầu tin rằng họ bị lừa dối.
Các tuyên bố mà giới chính trị gia cấp cao ở Triều Tiên đưa ra sau đó đều mô tả nước họ đã bị Mỹ và Hàn Quốc lợi dụng để đạt lợi ích chính trị trong nước. Giới phân tích thì cho rằng các bước đi mà Triều Tiên đưa ra đến nay phần lớn chỉ mang tính tượng trưng chứ không thể đảm bảo nước này ngừng phát triển vật liệu hạt nhân và theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo.
Nhưng với con mắt của Triều Tiên thì họ là bên duy nhất chịu đưa ra hành động cụ thể. Chính quyền Bình Nhưỡng đã trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, đáp sập một số đường hầm tại một bãi thử nghiệm hạt nhân, và cũng ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo tầm xa.
Nhưng các lệnh trừng phạt hủy hoại nền kinh tế Triều Tiên lại vẫn được duy trì. Hàn Quốc, bên đáng lẽ ra phải hỗ trợ hợp tác kinh tế với Triều Tiên, vẫn từ chối làm như vậy một phần vì muốn tuân thủ luật pháp quốc tế, phần vì muốn tránh làm Mỹ khó chịu.
“Triều Tiên rất thất vọng bởi hạt động ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc không mang lại được thứ mà họ được hứa hẹn…tiêu chuẩn sống tốt hơn cho người dân” – Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về chính sách với Triều Tiên, nhận định.
Ông Yun nói rằng chính quyền Bình Nhưỡng cuối cùng “phải giải thích cho người dân nước họ” tại sao “sáng kiến ngoại giao to lớn của họ không mang lại được bất cứ thứ gì”. Và công việc này dường như thuộc về bà Kim Yo Jong.
Khủng hoảng được dự báo trước
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ đánh sập văn phòng liên lạc chung qua truyền hình (Ảnh: AsiaTimes)
|
Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in bấy lâu nay vẫn luôn muốn tìm cách hỗ trợ Triều Tiên để từ đó tăng cường sự hòa hợp và hợp tác. Từng nằm trong nội các của Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon là người ủng hộ cái gọi là “Chính sách Ánh dương”, một chiến lược đầu tư vào Triều Tiên nhằm mang tới sự thay đổi.
Nhưng ở thời điểm hiện nay, Tổng thống Moon có rất ít lựa chọn, bởi hầu hết những thứ mà Triều Tiên mong muốn từ phía Hàn Quốc đều đi ngược lại các lệnh cấm vận mà Mỹ dẫn đầu.
“Triều Tiên rất thông minh trong cuộc chơi này, mặc dù họ không thể đạt được sự nhượng bộ từ phía Hàn Quốc nhưng nếu gây chia rẽ giữa Washington và Seoul thì đó cũng đã được coi là tốt rồi” – ông Evans Revere, cựu chuyên gia cấp cao về châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Và nước đi mới nhất được họ đưa ra trong hôm thứ Ba tuần này, khi bà Kim Yo Jong ra chỉ thị phá hủy văn phòng liên lạc chung đặt tại thành phố Kaesong, nằm ở lãnh thổ Triều Tiên nơi mà Seoul và Bình Nhưỡng cùng hợp tác thực hiện một số dự án trong khoảng thời gian hòa bình.
Trước đó vài ngày, lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra một tuyên bố nói rằng văn phòng trên, vốn đã ngừng hoạt động suốt nhiều tháng, sẽ “hoàn toàn sụp đổ”. Không ai ở bên ngoài Triều Tiên biết được đây chỉ là một phép ẩn dụ hay văn phòng trên sẽ thực sự bị cho nổ tung cho đến khi thực sự nghe thấy tiếng nổ.
Văn phòng này được xây dựng từ nguồn ngân sách của Hàn Quốc và có mục đích là tổ chức đối thoại và hợp tác, bởi vậy mà việc phá hủy nó là một biểu tượng lớn cho sự bất mãn của Triều Tiên. Vụ việc lập tức thu hút được sự qua tâm của truyền thông quốc tế ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, căng thẳng sắc tộc ở nước Mỹ và nguy cơ bùng nổ xung đột ở biên giới hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Ấn Độ và Trung Quốc.
Và theo như kênh truyền thông nhà nước Triều Tiên, ra chỉ thị thực hiện lần này cũng là bà Kim Yo Jong.
Tâm điểm Kim Yo Jong
Ông Kim Jong-un và bà Kim Yo Jong trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều (Ảnh: CNBC)
|
Khi bà Kim Yo Jong còn là một đứa trẻ, cha của bà được cho là đã nói với một nhà ngoại giao Nga rằng con gái mình có thiên hướng trở thành một chính trị gia. Có lẽ điều này giờ đã trở thành sự thực, và chỉ thị đánh sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới khó có thể là lần cuối cùng mà thế giới nghe về Kim Yo Jong.
Giới chuyên gia tin rằng tiếng tăm đang tăng dần của Kim Yo Jong là một phần trong chiến dịch được hãng truyền thông nhà nước tính toán thận trọng để đánh tín hiệu rằng sắp có một quyết định lớn nào đó liên quan tới bà. Mặc dù gia đình Kim vẫn còn nhiều thành viên, nhưng bà Kim Yo Jong, ông Kim Jong-un, cha ông và ông của ông là những người duy nhất được truyền thông Triều Tiên mô tả như những thành viên mà đất nước này gọi là “huyết thống Paektu”, ngọn núi thiêng nằm ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc.
"Các bạn có thể thấy bà ấy xuất hiện vài tháng một thần, cùng với một chức danh mới, một vị trí mới và trách nhiệm mới...và trách nhiệm mà bà ấy nắm giữ đang tăng dần" - ông Revere nói - "Một số tờ báo không bỏ sót một ngày nào mà không đăng bài có phát ngôn và ảnh của bà ấy".
Nhưng trong khi người ta nghe nhiều hơn về bà Kim Yo Jong, thì dường như nghe ít hơn về ông Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã biến mắt khỏi con mắt công chúng một cách bí ẩn trong khoảng thời gian khá dài trong năm nay, làm dấy lên nhiều tin đồn về tình hình sức khỏe của ông cũng như khả năng bà Kim Yo Jong có thể trở thành người kế vị trong trường hợp nhất định.
Nhưng đó chỉ là tin đồn, trong khi sự thực đằng sau vẫn chưa rõ. Tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un là một trong những bí mật được canh giữ nghiêm ngặt nhất, cũng giống như chương trình hạt nhân của nước này.
Việc ông Kim biến mất trước con mắt công chúng không phải không có tiền lệ, như việc ông vắng mặt vài tháng trong năm 2014 mà nhiều người cho là để đi phẫu thuật mắt cá chân. Ông là người thường xuyên có lịch trình làm việc dày đặc, hay xuất hiện trong các chuyến thăm, thị sát, động viên tinh thần công nhân viên, người dân...bởi vậy mà việc bỗng dưng vắng mặt được cho là điều bất thường.
Mặc dù vậy thì tương lai của bà Kim Yo Jong cũng chưa thể nói chắc. Một số nhà phân tích tin rằng chỉ thị quyết liệt liên quan tới văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc là một đòn chiến thuật, khiến người ngoài coi Triều Tiên như một chiến binh cứng rắn, số khác lại cho rằng bà đang dần nắm lấy một vai trò lớn hơn.