Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 9/6, sáng cùng ngày, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã lên án Hàn Quốc dung túng những người bắc Triều Tiên đào thoát tới miền Nam phát tán truyền đơn chống Triều Tiên và đưa ra quyết định cắt đứt ngay lập tức tất cả các kênh liên lạc giữa hai bên và chuyển "công tác với Hàn Quốc" thành hoạt động "công tác chống lại kẻ thù".
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), cơ quan truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên, tuyên bố trong thông cáo rằng chính phủ Hàn Quốc đã “lấy cớ đê tiện giả vờ bất lực, trốn tránh trách nhiệm lớn của mình, dung túng hành động thù địch chống Triều Tiên của những kẻ cặn bã đáng ghét, đẩy mối quan hệ giữa hai nước đến một kết cục thảm khốc”.
Việc những người Bắc Triều Tiên đào thoát thả bóng mang truyền đơn từ đất Hàn Quốc sang Triều Tiên đã khiến Bình Nhưỡng tức giận (Ảnh: Yonhap).
|
Mô tả điều này là sự phản bội và xảo quyệt, khiến Triều Tiên tức giận, thông cáo viết hành vi của Hàn Quốc: "Đã xúc phạm phẩm giá cao nhất của Bắc Triều Tiên và đánh lừa các trụ cột tinh thần thiêng liêng của tất cả người dân Bắc Triều Tiên, kết quả là sự thù địch với toàn thể nhân dân Bắc Triều Tiên”.
Thông cáo nói vấn đề này không như các vấn đề khác, quyết không thể tha thứ và cho cơ hội, nhất định phải bắt Hàn Quốc trả giá. Vì vậy Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và em gái của lãnh tụ Kim Jong-un, Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban thứ nhất Ban Tuyên truyền Trung ương Kim Yo-jung đã nhấn mạnh tại cuộc họp hôm thứ Hai (8/6) rằng, “Công tác với Hàn Quốc” phải được thay đổi hoàn toàn thành “Công tác với kẻ thù” và ra chỉ thị xem xét kế hoạch cho công tác với kẻ thù ở tất cả các giai đoạn, trước tiên là cắt đứt tất cả các kênh liên lạc giữa Bắc và Nam Triều Tiên.
Đường dây nóng liên Triều nối Nhà Xanh với Trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên cũng đã ngừng hoạt động (Ảnh: Yonhap).
|
Theo đó, bắt đầu từ 12h00 trưa thứ Ba (9/6), Triều Tiên cắt đứt và bãi bỏ đường dây liên lạc của Văn phòng Liên lạc Bắc-Nam, đường dây liên lạc biển Đông - Tây giữa quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc, đường dây thử nghiệm liên lạc thông tấn Bắc - Nam và Đường dây nóng giữa Tòa nhà Trụ sở Trung ương của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên với Nhà Xanh phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Thông cáo cảnh báo rằng các biện pháp nói trên chỉ là hành động giai đoạn thứ nhất và sẽ thề sẽ bảo vệ phẩm giá cao nhất của gia đình lãnh tụ, đồng thời tuyên bố sẽ không còn ngồi lại đàm phán với Hàn Quốc nữa.
Đây là lần thứ hai, Triều Tiên lên án những người đào thoát Bắc Triều Tiên đã phát tán truyền đơn chống Triều Tiên từ đất Hàn Quốc sau khi bà Kim Yo-jong có bài phát biểu vào thứ Năm tuần trước (4/6). Biện pháp này là giai đoạn hành động đầu tiên nhằm cô lập và xóa bỏ hoàn toàn mọi không gian tiếp xúc và những thứ không cần thiết với chính quyền Hàn Quốc.
Triều Tiên tuyên bố từ nay sẽ không ngồi lại nói chuyện với phía Hàn Quốc nữa (Ảnh: Reuter).
|
Bà Kim Yo-jong ngày 4/6 đã có bài phát biểu thông qua KCNA cơ quan truyền thông chính thức Triều Tiên, mắng mỏ về việc những người đào thoát Bắc Triều Tiên phát tán truyền đơn chống DPRK sang miền Bắc ở dọc biên giới.
Bà Kim Yo-jong mắng: "Một nhóm những kẻ tồi tệ không xứng đáng làm người dám miệt thị phẩm giá cao nhất của chúng ta và nói về vấn đề hạt nhân”. Bà cũng gọi những người đào thoát là "cặn bã người" bán nước cầu vinh, "chó má", "rác rưởi", v.v. với các từ ngữ gay gắt.
Bà Kim Yo-jung phê phán Hàn Quốc đã dung túng các hành động này, đe dọa nếu phía Hàn Quốc không thực hiện các biện pháp đối với những kẻ có hành vi phát tán các tờ rơi chống DPRK, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng khu công nghiệp Kaesong bị phá hủy và đóng cửa văn phòng liên lạc Triều Tiên – Hàn Quốc và hủy bỏ Hiệp nghị quân sự Hàn-Triều.
Việc những người Triều Tiên đào thoát tung những ấn phẩm tuyên truyền nói xấu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã đụng chạm đến điểm nhạy cảm của Triều Tiên (Ảnh: Đông Phương).
|
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 9/6 tuyên bố rằng kênh liên lạc giữa Bắc và Nam Triều Tiên là kênh cơ bản để liên lạc giữa hai nước, cần được duy trì. Phía Hàn Quốc cùng ngày đã gọi điện cho Triều Tiên thông qua Văn phòng liên lạc Bắc - Nam và kênh liên lạc thông tin biển Đông Tây, nhưng bên kia không nghe máy. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên Triều Tiên từ chối trả lời điện thoại sau khi đường dây nóng giữa hai quân đội được khôi phục vào hai năm trước.
Trước áp lực liên tục của Triều Tiên về việc phát tán truyền đơn chống DPRK, đảng cầm quyền Dân chủ chung của Hàn Quốc (Deobureominjudang), đã tổ chức một cuộc họp hôm thứ Hai, đề nghị nhanh chóng hoàn thành luật cấm phổ biến các truyền đơn có liên quan càng sớm càng tốt. Những người đào thoát Bắc Triều Tiên có kế hoạch phát tán 1 triệu tờ truyền đơn sang CHDCND Triều Tiên vào ngày 25 tháng này. Hội nghị Tham vấn Thống nhất Dân chủ và Hòa bình của Hàn Quốc cũng nêu rõ cần huy động cảnh sát và quân đội để ngăn chặn hành động thả truyền đơn sang Triều Tiên của các nhóm người này.
Bà Kim Yo-jong đã phát biểu kịch liệt lên án những người Triều Tiên đào thoát và chỉ trích Hàn Quốc cho phép họ phát tán truyền đơn sang miền Bắc (Ảnh: Reuters).
|
Được biết, Văn phòng Liên lạc Bắc-Nam Triều Tiên đặt tại Khu công nghiệp Kaesong. Nó được thành lập vào tháng 9/2018 theo "Tuyên bố Panmunjom" giữa lãnh đạo hai miền cùng năm. Hai bên nói chuyện điện thoại mỗi ngày hai lần, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Tuy nhiên, Triều Tiên đã không trả lời điện thoại của Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ 21 tháng qua vào thứ Hai (8/6). Khi đó, giới quan sát bên ngoài đã lo lắng về việc phía Bắc Triều Tiên thực hiện phát biểu của bà Kim Yo-jong hôm 4/6, trong đó đã cảnh báo đóng cửa văn phòng liên lạc giữa hai miền.
Theo trang Deutsche Welle (Đức) ngày 9/6, ông Choi Hyun-soo, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng quân đội đang chú ý đến tình hình, nhưng không nói rõ cách họ sẽ liên lạc với Triều Tiên. Yoh Sang-key, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói rằng việc những người bất đồng chính kiến sử dụng bóng khí nhẹ để phát tán truyền đơn đã khiến cuộc sống của cư dân biên giới gặp nguy hiểm. Ông nói, chính quyền đang tìm kiếm một giải pháp cơ bản có thể lập pháp để ngăn chặn những hành động này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu