Sẽ hạ nguyên kênh YouTube vi phạm thay vì từng video riêng lẻ
Xuân Lan
VietTimes -- Cùng với đề nghị Google xem xét lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, đây là một trong những vấn đề được Bộ TT&TT đặt ra nhằm xây dựng môi trường Internet lành mạnh và thúc đẩy sự hợp tác giữa Google - Bộ TT&TT tiếp tục đạt hiệu quả hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa có buổi tiếp Đoàn công tác cấp cao Google do bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn nhân dịp Đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã ghi nhận và đánh giá cao thiện chí của Google và đây được xem là bước khởi đầu để hai bên (giữa Google với Bộ TT&TT) trong thời gian qua đã hiểu nhau, chia sẻ thông tin với nhau trên cơ sở tuân thủ thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt sau cuộc làm việc vào tháng 3/2017 với bà Ann Lavin, hai bên đã thiết lập cơ chế dành riêng cho Việt Nam về việc xử lý các yêu cầu của Bộ TT&TT đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Google đã gỡ ứng dụng một số trò chơi có nội dung phản động, chống phá Việt Nam khỏi Google Play, đồng thời gỡ bỏ 6 video giới thiệu trò chơi này trên YouTube. Google đã gỡ ứng dụng của 5 trò chơi điện tử G1 chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định khỏi Google Play.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã cảm ơn phía Google đã tích cực hợp tác với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các video, clip xấu độc, xuyên tạc về Việt Nam, vi phạm pháp luật của Việt Nam trên YouTube.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, Việt Nam là một đất nước với dân số 93 triệu người, đang trong giai đoạn dân số vàng và số lượng trẻ đang rất đông. Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, việc ứng dụng CNTT và doanh nghiệp khởi nghiệp đang được đẩy mạnh. Hiện tại, gần 70% dân số Việt Nam dùng Internet, đây là cơ hội lớn để Google hợp tác với các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, Google cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Việt Nam để không bỏ lỡ thời cơ đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Để làm được việc đó, giữa Google và Bộ TT&TT Việt Nam cần thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa, Google có thể đặt Văn phòng đại diện hoặc thiết lập kênh riêng để tăng cường hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn Google tại Việt Nam lần này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Google dành thời gian đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp ICT hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty MobiFone, Tập đoàn FPT… và nên tiếp xúc với doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Khi tiếp cận như vậy sẽ hiểu hơn nhu cầu của Việt Nam và Google có thể hợp tác với Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng cam kết sẽ hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với phía Google để Google phát triển tốt hơn theo thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng, những vấn đề Việt Nam quan tâm đã nêu trong chuyến thăm tháng 3/2017 của Đoàn cấp cao Google đề nghị hợp tác giải quyết có hiệu quả, tuy nhiên trên thực tế để đạt được yêu cầu thì vẫn còn xa. Bộ trưởng khẳng định: “Việt Nam luôn quan niệm cởi mở sử dụng mạng xã hội, cũng như Google, YouTube, Facebook. Tuy nhiên, khi dùng mạng xã hội – ví như một con đường có người chấp hành tốt có người vi phạm nên các bên có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả thiết thực để giảm tối đa hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung của quốc tế và hoạt động ở quốc gia nào thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó. Ở Việt Nam không phải ngoại lệ. Bộ TT&TT mong muốn Google tìm hiểu kỹ pháp luật Việt Nam và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam xử lý vi phạm trên YouTube”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn cấp cao Google
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất lớn, mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 4 đến 5 thành phố thông minh. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử ở các địa phương. Các Bộ, ngành TW đã xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử và Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0; Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo sinh viên, chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực CNTT. Đây là cơ hội tốt để Google hợp tác với Bộ TT&TT trong lĩnh vực đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng giao thông thông minh, theo đó Google có thể hợp tác. Đối với chuyên gia an toàn – an ninh thông tin, Bộ TT&TT luôn ủng hộ và sẽ có cơ chế thiết lập hợp tác với chuyên gia an toàn – an ninh thông tin của Google về cơ chế bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam.
Bộ trưởng hy vọng trong thời gian tới, để sự hợp tác giữa Google và Bộ TT&TT tiếp tục đạt hiệu quả hơn nữa và nâng cao sự hiểu biết giữa hai bên, Bộ TT&TT đề nghị Google một số nội dung: Tăng cường, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Bộ TT&TT thể hiện bằng việc hạ nguyên kênh vi phạm thay vì hạ từng video clip hiện nay; Đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các đề nghị từ phía Bộ TT&TT, sớm thiết lập lại cơ chế cập nhật kết quả xử lý vào thứ 3 hàng tuần.
Đồng thời, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng, thực hiện danh sách trắng (white list), danh sách đen (black list). Kể từ tháng 3/2017 đến nay, các đại lý quảng cáo liên tục kiến nghị Bộ TT&TT xây dựng, ban hành sách trắng đối với các nội dung trên YouTube để họ yên tâm chạy quảng cáo. Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với một đơn vị của Việt Nam xây dựng danh sách này. Khi các danh sách được công bố, đề nghị Google phối hợp chuyển đến các đại lý quảng cáo của Việt Nam có hợp tác với Google để họ biết và thực hiện, tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra.
Đề nghị Google xem xét lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để tiếp nhận trực tiếp các yêu cầu xử lý và thực hiện nghĩa vụ có liên quan khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hợp tác trong việc nâng cao năng lực và đào tạo cán bộ TT&TT trong một số hoạt động cụ thể như tạo kênh chia sẻ thông tin, dữ liệu về an toàn thông tin mạng giữa Google và Bộ TT&TT. Khi ứng dụng CNTT thì nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng lớn, Bộ TT&TT mong muốn hợp tác với Google để xử lý các vấn đề tăng cường bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam; Tổ chức Hội thảo, hội nghị tập huấn theo từng chuyên đề trong lĩnh vực TT&TT mà Google có thế mạnh.
Tại buổi tiếp, bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: Sau cuộc làm việc với Bộ TT&TT năm 2017, hai bên đã hiểu biết nhau tốt hơn và đã hợp tác tốt hơn. Bà Ann Lavin cam kết, Google đi đến quốc gia nào thì đều phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi rất hy vọng được đóng góp một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và đóng góp cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ. Mục đích của chuyến làm việc lần này của Đoàn tại Việt Nam cũng như vậy nhằm mục đích tìm hiểu pháp luật Việt Nam, làm việc với các đơn vị có liên quan của Việt Nam để Google hiểu rõ hơn và hợp tác tốt hơn với Việt Nam trong thời gian tới”, bà Ann Lavin khẳng định.
Về vấn đề an toàn – an ninh thông tin, Google cam kết hợp tác và cam kết bảo vệ người sử dụng. Trong năm qua, Google đã cử một chuyên gia đến Việt Nam để tư vấn về an toàn thông tin, chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam. Đối với vấn đề Việt Nam quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Google đã thấy được tiềm năng của người Việt Nam và cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế số; đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tiếp cận thế giới tốt hơn. Đồng thời, hỗ trợ các nhà lập trình, start-up trong năm 2018 tiếp cận 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để tập huấn, đào tạo họ tiếp cận với thế giới. Và với cộng đồng các nhà lập trình, Google sẽ hỗ trợ tập huấn giúp họ lập trình và đào tạo tới các đối tượng trẻ hơn để các em tiếp cận với công nghệ này - bà Ann Lavin khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này.