SCIC và Viettel triệt thoái vốn ở Vinaconex: Bán cả lô, giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, Nhà nước sẽ thu về 8.000 tỷ đồng?

VietTimes -- Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa liên tiếp ra hai thông báo đấu giá bán cổ phần, cùng của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; Mã chứng khoán: VCG).
Nếu cả hai phiên đấu giá diễn ra tốt đẹp, Nhà nước có thể thu về 8.000 tỷ đồng, thậm chí hơn từ việc thoái vốn tại Vinaconex.
Nếu cả hai phiên đấu giá diễn ra tốt đẹp, Nhà nước có thể thu về 8.000 tỷ đồng, thậm chí hơn từ việc thoái vốn tại Vinaconex.

Hai bên chào bán đều là những doanh nghiệp nhà nước hạng “khủng”: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); và Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Cả hai cùng áp dụng hình thức: “Đấu giá cả lô, nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua cả lô toàn bộ số cổ phần chào bán”, và giá khởi điểm đều được áp dụng là 21.300 đồng/cổ phần VCG.

Trong đó lô chào bán của Viettel có quy mô 94.010.175 cổ phần VCG (21,28% VĐL Vinaconex); còn lô chào bán của SCIC có quy mô  254.901.153 cổ phần VCG (57,71%).

Nhấn mạnh rằng, đó là toàn bộ lượng cổ phần mà Viettel và SCIC sở hữu tại Vinaconex. Hay nói cách khác, Nhà nước đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex, tương đương với 79% vốn điều lệ.

Hiện Viettel và SCIC là 2 trong số 3 cổ đông lớn của Vinaconex, bên cạnh PYN Elite Fund (Non-UCITS) – với tỷ lệ sở hữu thấp hơn nhiều (7,54%).

Chốt đến ngày 10/7/2018, Vinaconex có 7.864 cổ đông, gồm 53 tổ chức và 7.697 cá nhân trong nước; 31 tổ chức và 83 cá nhân nước ngoài. Cũng chốt đến ngày này, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Vinaconex đạt 10,78%, trong khi “room” ngoại ở tổng công ty này vẫn bị giới hạn ở mức 49%.

Như vậy, với việc áp dụng hình thức đấu giá cả lô, có thể thấy về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tham gia đấu giá lô 94 triệu cổ phần VCG của Viettel; còn lô 255 triệu cổ phần VCG của SCIC sẽ dành riêng cho nhà đầu tư trong nước.

Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể “lách” giới hạn sở hữu thông qua việc thành lập một công ty tại Việt Nam để đứng ra thâu tóm. Cách mà ThaiBev đã làm trong thương vụ thâm tóm Sabeco có thể là một gợi ý.

Nhà đầu tư phải có cam kết có đủ nguồn vốn để thực hiện mua trọn lô cổ phiếu, phải thực hiện đặt cọc và phải "qua cửa" của hội đồng thẩm định. Nhà đầu tư cũng phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo thông báo của HNX, phiên đấu giá cổ phần VCG của Viettel và SCIC sẽ cùng diễn ra vào chiều ngày 22/11/2018. Trong đó, phiên đấu giá của SCIC sẽ diễn ra trước - lúc 14h40, còn của Viettel sẽ chậm hơn gần 1 tiếng – lúc 15h30.

Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần và phương thức đấu giá trọn lô, Viettel dự kiến sẽ thu về tối thiểu 2.002 tỷ đồng; Trong khi SCIC sẽ thu về tối thiểu 5.429 tỷ đồng. Hay nói cách khác, Nhà nước sẽ thu về tối thiểu 7.431 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Vinaconex – dĩ nhiên là trong trường hợp phiên đấu giá diễn ra thành công.

Lưu ý rằng, chốt phiên giao dịch hôm nay 24/10, thị giá cổ phiếu VCG ở mức 18.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 15% so với mức giá khởi điểm mà Viettel và SCIC đưa ra./.