Trực tiếp cắt cơn cho 800 con nghiện
Đến cơ cở cai nghiện số 4 Hà Nội hỏi Khoa, ai cũng biết. Khoa làm việc tại Phòng y tế phục hồi sức khỏe của đơn vị. Anh được giao nhiệm vụ quản lý và cấp phát thuốc điều trị cho học viên, cho những người đang đau ốm phải điều trị. Khi cấp thuốc Khoa luôn gần gũi, động viên, chia sẻ để họ có thêm quyết tâm, có thêm niềm tin vượt qua khó khăn để sớm được trở về với cuộc sống đời thường. Đó cũng là liều thuốc tinh thần mà chàng bác sĩ trẻ Khoa mang đến cho học viên .
Khoa vào làm việc ở cơ sở từ 1/3/ 2016 khi mới tốt nghiêp Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ. Lúc đó Khoa là một trong những người có tuổi đời cũng như tuổi nghề trẻ nhất tại đơn vị (anh sinh năm 1993).
“Mới đầu thực sự em không nghĩ lại có một môi trường làm việc mà kỷ luật như quân đội, giáo dục như nhà trường, chữa bệnh như bệnh viện như thế này, mọi tác phong từ ăn mặc, nói năng và giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp hay với học viên đều phải “chuẩn mực”, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan có khá nhiều điều “khắt khe” với những cán bộ trẻ như em thì đúng là “khó thích nghi” anh ạ”- Khoa tâm sự.
Thế nhưng Khoa không những trụ vững trước mọi thử thách của công việc mà còn làm cho mọi người thêm tin yêu “thầy thuốc như mẹ hiền”.Trong số những người nghiện ma túy được điều trị tại đây người lớn tuổi nhất là 64, người nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi (thuộc đối tượng tự nguyện).
Đối mặt với hiểm nguy
Có tiếp xúc với những học viên đang cai nghiện mới hiểu được nỗi vất vả, thậm chí “nguy hiểm” của người cán bộ làm công tác y tế tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
Vì người cai nghiện ma túy hầu hết là các đối tượng có tiền sử dụng ma túy nhiều năm, phần lớn trong số họ có tiền án, tiền sự, nhiều người mang trong mình bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bản chất hung hăng, côn đồ, một khi đã lên cơn “vật thuốc” thì họ không còn kiểm soát được hành vi nữa.
Đặc biệt thời gian gần đây số học viên sử dụng ma túy đá ngày một tăng, rất khó khăn trong công tác quản lý và điều trị. “Hồi mới vào làm, em thường xuyên bị mất ngủ vì ám ảnh bởi cảnh tượng những học viên đang trong thời kỳ cắt cơn. Nhìn họ đau đớn về thể xác và tinh thần vượt qua các hội chứng cai của ma túy thật sự rất thương xót” – Khoa buồn rầu nói.
Chỉ trong hai năm Khoa cùng đồng nghiệp đã cắt cơn nghiện cho 800 con nghiện.
Tiếp xúc với người nghiện với những đặc điểm như vậy, nên không chỉ gia đình và bạn bè mà cả đồng nghiệp cũng lo lắng. Vì sợ Khoa sẽ bị mắc các bệnh truyền nhiễm từ người nghiện. Vì sợ Khoa sẽ bị người nghiện chống đối ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vậy mà Khoa đã làm rất tốt công việc của mình là giúp bao con nghiện trở lại với cuộc sống đời thường.
Thay người nhà…
Việc trông học viên đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện có lẽ là chuyện thường ngày với các cán bộ làm công tác y tế ở cơ sở cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, việc thay người nhà chăm sóc, phục vụ ăn uống, thuốc thang và vệ sinh cho học viên thậm chí là người trực tiếp tắm rửa, thay quần áo mới cho học viên khi bị tử vong thì không nhiều. Vậy mà Khoa đã làm!
Đó là trường hợp của học viên Nguyễn Hồng Q. sinh năm 1972, ở Thanh Trì – Hà Nội. Do trước khi vào cơ sở cai nghiện, Q đã uống thuốc diệt cỏ, vì vậy vào đơn vị được một tuần thì Q phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Lúc Q nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu, thường xuyên phải thở ô xi, bản thân không tự ăn uống, vệ sinh được. Tất cả các hoạt động hàng ngày đều do cán bộ y tế của cơ sở chăm sóc. Đơn vị có liên hệ với gia đình Q để phối hợp chăm sóc, nhưng nhận được là thái độ thờ ơ, lạnh lùng của mẹ và chị gái Q gia đình Q đã tuyên bố “để nó chết”.
Với trách nhiệm và tình thương của người thấy thuốc, Khoa cùng với 2 đồng nghiệp thay nhau trực 24/24h tại bệnh viện để chăm sóc Q, từ việc bón cháo, bón sữa đến việc thay bỉm, lau rửa vệ sinh cá nhân hàng ngày Khoa đều làm thay người thân Q. Những khi Q kêu la vì đau đớn ảnh hưởng đến những bệnh nhân xung quanh, Khoa động viên, chia sẻ nói chuyện , cũng như nói với bệnh nhân cùng phòng thông cảm cho hoàn cảnh của Q. Khoa đã chăm sóc tận tình chu đáo cho Q như chăm sóc cho chính người thân của mình.
Càng ngày sức khỏe của Q càng xấu đi do thuốc diệt cỏ đã ngấm sâu vào cơ thể.
Sáng ngày 9/3/2018, Q đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Không một người thân ở bên, không lời trăn trối.
Điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện rất thiếu thốn, không có giường nằm, không có chỗ nghỉ ngơi. Những lúc mệt quá, Khoa cũng như các anh em thay nhau nằm nghỉ ngay trên ghế đá bệnh viện!
Nếu không xuất phát từ một trái tim ấm nóng tình thương và trách nhiệm thì Khoa và các đồng nghiệp đã không thể làm được như vậy.
Một đồng nghiệp của Khoa ngồi trò chuyện cùng chúng tôi nghe Khoa kể chuyện về sự chăm sóc người nghiện của Khoa, cậu bật ra những câu thơ:
“Trái tim ươm những nụ cười
Trái tim ngăn giọt lệ rơi não lòng
Trái tim bừng sắc hoa hồng
Trái tim Thầy thuốc mênh mông tình người”
Người cai nghiện ma túy bắt buộc được chăm sóc thế nào?
Theo Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người nghiện ma túy thuộc diện nói trên đều bị đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp luật cũng quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
+ Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
+ Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
+ Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
b) Do việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là một biện pháp hình sự mà là một biện pháp hành chính nên các học viên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hưởng các chế độ theo quy định tại Nghị định 221/2013/ NĐ-CP ngày 30/12/2013. Cụ thể:
- Được hưởng chế độ cai nghiện, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Ví dụ như họ được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp; được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện; được điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và định kỳ 6 tháng được khám, kiểm tra sức khỏe.
Người bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được chuyển tới cơ sở y tế hoặc đưa về gia đình để chữa trị, chăm sóc…
- Chế độ, ăn, mặc, sinh hoạt: Định mức tiền ăn hàng tháng của học viên là 0,8 mức lương cơ sở.
Học viên được trang bị quần áo và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; được học văn hóa, học nghề; được phân cao lao động phù hợp với tình hình sức khỏe; được quyền gặp thân nhân theo quy định…
Họ cũng được xét giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc… nếu đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công…
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội