Tuần qua, Apple đã công bố sẽ khai tử iTunes trên macOS Catalina và thay thế bằng ứng dụng Apple Music, Podcast và Apple TV vào mùa Thu năm nay. Mặc dù iTunes vẫn tồn tại trên một số mẫu iPhone, iPad và máy tính Windows nhưng về cơ bản, dịch vụ này đã không còn nằm trong kế hoạch phát triển của Apple.
Vậy trong 18 năm kể từ khi ra mắt iTunes đã thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc như thế nào?
Trước khi có iTunes, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc đến từ tiền bán đĩa CD, băng cassete và đĩa than. Thời điểm đó, Napster đã nổi lên là dịch vụ chia sẻ âm nhạc phổ biến, cho phép người dùng nghe nhạc trực tuyến thông qua Windows Music Player.
Tuy nhiên, iTunes đã xuất hiện và nhanh chóng bắt kịp, đặc biệt về số lượng người dùng trả phí. Dịch vụ này cũng nhanh chóng thu hút được các nhà sản xuất âm nhạc lớn đăng ký để mang các bài hát độc quyền từ Black Eyed Peas, The Rolling Stones v.v. đến với các thiết bị của Apple.
Tấm biển quảng cáo dịch vụ iTunes Music Store vào năm 2003. Kể từ khi ra mắt, người dùng đã tải xuống hơn 1 triệu bài hát từ cửa hàng âm nhạc trực tuyến của Apple với giá 99 cent. Ảnh: CNN |
Sự phát triển của iTunes đã đặt dấu chấm hết cho các nhà sản xuất băng đĩa, khi Apple bán ra các album nhạc kỹ thuật số với giá 10 USD và đĩa đơn chỉ 99 cent. Tới năm 2012, Hiệp hội công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA) thống kê được 75% giao dịch liên quan đến các bản nhạc kỹ thuật số.
“Có thời điểm mà mọi máy Mac đều mở iTunes trong hầu hết thời gian. Đối với tôi đó là thời Đại học. iTunes chưa bao giờ hoàn hảo nhưng tôi vẫn muốn dành hàng giờ mỗi ngày để sắp xếp lại danh sách phát”, Giám đốc kinh doanh Lex Friedman (Art19) nói. “Nó [iTunes] chưa bao giờ là ứng dụng có giao diện quyến rũ nhất hay tốc độ khởi chạy nhanh nhất, nhưng nó vẫn là ứng dụng quản lý âm nhạc tuyệt vời.
Ngoài ra, iTunes cũng là một trong những sản phẩm hiếm hoi mà Apple cho phép hoạt động bên ngoài hệ sinh thái, kể từ khi đưa ứng dụng nghe nhạc này lên Windows vào năm 2003.
“Mọi người không bao giờ quên tại một thời điểm, iTunes được coi là phầm mềm hay nhất và quan trọng nhất trên cả Mac và Windows”, đồng sáng lập Recode Walt Mossberg đánh giá. “iTunes cũng là một ứng dụng được người dùng cài đặt nhiều nhất”.
iTunes không còn thống trị
Ngày nay, iTunes không còn duy trì được vị trí thống trị trên thị trường do sự ra mắt của các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify hay Apple Music. Hiệp hội công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA) ước tính doanh thu phát nhạc trực tuyến đã tăng 30% so với năm 2018, trong khi doanh thu tải xuống các bản nhạc trực tuyến đã giảm 26%.
Steve Jobs công bố các bản nâng cấp của iPod Nano, iPod Shuffle, iPod Touch và iTunes vào năm 2010. Ảnh: AFP |
Giám đốc điều hành truyền thông và marketing của IHS Markit, Jack Kent cho rằng iTunes chết bởi người dùng đã thay đổi suy nghĩ, “từ muốn sở hữu bài hát thành nhu cầu trả phí để truy cập thư viện bài hát” như Spotify hay Apple Music.
Ngoài ra, iTunes đã không còn đủ thú vị để khiến người dùng phải chú ý như trước đây. Nhà đồng sáng lập Recode, ông Walt Mossberg nhận xét: “Trong những năm gần đây, iTunes đã trở thành một mớ hỗn độn với quá nhiều nhiệm vụ và tính năng”. Ông Mossberg nói thêm: “Vì vậy, tôi thích ý tưởng chia nó thành nhiều ứng dụng riêng biệt hơn”.
Giám đốc kinh doanh Art19, Alex Friedman tán thành: “Apple bắt đầu tích hợp càng nhiều thứ vào iTunes, từ đồng bộ hóa iPod, iPhone âm thanh, phim, chương trình TV v.v... tất cả khiến nó trở thành mớ hỗn độn.
Di sản của iTunes?
iTunes sẽ vẫn là đại diện cho ngành công nghiệp âm nhạc đầu những năm 2000, nhắc nhở chúng ta về quá trình hình thành của các dịch vụ kỹ thuật số.
“iTunes sẽ giữ vị trí đặc biệt và quan trọng trong trí nhớ của tôi. Tôi từng yêu ứng dụng này và cuối cùng thấy mừng vì sẽ không còn phụ thuộc vào nó”, ông Friedman nói.
Steve Jobs giưới thiệu về kế hoạch cung cấp dịch vụ iTunes tại Anh, Đức và Pháp vào tháng 6/2004. Thời điểm đó, của hàng iTunes cho phép người dùng mua và tải xuống trong kho âm nhạc với hơn 700.000 bài hát. Ảnh: CNN |
Đối với Apple, iTunes vẫn là cánh cửa dẫn tới ngôi nhà của hàng triệu người dùng. “Các dịch vụ như iTunes chính là điểm nổi bật giữa Apple và các đối thủ”, nhà phân tích Roberta Cozza (Gartner) nhận định.
Với iTunes, Apple đã cho thấy họ không chỉ là nhà sản xuất phần cứng, mà còn làm chủ cả hệ sinh thái. Theo nhà phân tích của Gartner, cái chết của iTunes sẽ rất thú vị vì Apple sẽ phải lấp đầy khoảng trống bằng dịch vụ có giá trị hơn.
Theo CNN