Satra nói gì khi các nhà đầu tư chiến lược “tố” nhau?

Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa cho biết: “Tôi chưa nhận được đơn xin rút cọc từ phía các nhà đầu tư muốn rút. Nếu muốn thì họ phải nộp đơn trước ngày 18/3/2016”.

Ông nhận định thế nào về thông tin Proconco “tố” CJ về chỉ số tài chính không trung thực?

Theo ông Lê Tùng, thông tin về chỉ số tài chính của CJ không trung thực thì phải xem xét trên báo cáo tài chính chính thức có kiểm toán quốc tế của CJ gửi cho Satra. Chỉ số nợ trên tài sản là 1,15 lần là đạt. Số liệu mà Proconco lấy thông tin trên mạng không có tính pháp lý.

Trong khi chào bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược thì có 3 nhà đầu tư là: Anco, Proconco và CJ (Hàn Quốc) chúng tôi đã chọn cả 3. Đối với các nhà đầu tư có người chưa đạt tiêu chí này nhưng ở tiêu chí khác lại đạt.

Trong 5 tiêu chí mà Satra đưa ra thì tiêu chí quan trọng nhất là nhà đầu tư chiến lược phải cam kết không được “xóa” thương hiệu Vissan mà chúng tôi đã gây dựng 40 năm nay để đưa thương hiệu khác thay thế. Vì có những trường nhà đầu tư mua cổ phần của một công ty rồi đưa thương hiệu của họ vào thay thế.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược phải giữ cổ phiếu trong 5 năm.

Việc Anco và Proconco sẽ rút cọc đấu giá là thế nào thưa ông?

Proconco họ khiếu nại, nhưng họ vẫn tham gia cuộc đấu giá hôm nay, đó là câu trả lời rồi.

Cuộc đấu giá lần này có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm cho thấy sự hấp dẫn của Vissan.

Lợi ích của Nhà nước sau phiên đấu giá thành công này?

Qua 2 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đấu giá nhà đầu tư chiến lược của Vissan, Nhà nước đã thu về 2.500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Vissan là 809 tỷ đồng thì lợi ích của Nhà nước được đảm bảo rất lớn. Lợi ích của Vissan cũng rất lớn.

Nhà đầu tư chiến lược vào có đủ năng lực tài chính thì sẽ cùng Vissan xây dựng một chuỗi phân phối từ “trang trại tới bàn ăn”.

Hiện nay, Vissan có một dự án đầu tư rất lớn ở Long An, đây là khu giết mổ tập trung hiện đại nhất Đông Nam Á và cung ứng cho người tiêu dùng các sản phẩm từ thịt chất lượng tốt nhất, đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Vốn đầu tư cho nhà máy ở Long An này khoảng 80 triệu USD. Chúng tôi đã có đất tại Long An, khi có nhà đầu tư chiến lược thì họ sẽ cùng với Vissan xây dựng nhà máy này.

Công suất nhà máy này có thể giết mổ 1 triệu con heo/năm, góp phần giúp các trang trại chăn nuôi của bà con ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nơi tiêu thụ ổn định.

Mục tiêu phát triển Vissan là trong 5-10 năm tới sẽ giữ vững thị phần trong nước và phát triển ra quốc tế.

Theo Bizlive