Vissan giá bao nhiêu?

Bây giờ thị trường đã rõ người trả giá cao nhất 102.000 đồng/cổ phiếu trong cuộc đấu giá bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tuần trước là một công ty con (Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina) của Công ty CJ (Hàn Quốc).
Cửa hàng tiện lợi Vissan trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TPHCM - Ảnh: Vũ Yến
Cửa hàng tiện lợi Vissan trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TPHCM - Ảnh: Vũ Yến

CJ đã trúng 3,3 triệu cổ phiếu Vissan ở mức giá này, tương đương số tiền 336,6 tỉ đồng. Một công ty con khác của CJ là Công ty TNHH CJ Vina Agri đặt mua 8 triệu cổ phiếu ở mức giá gần bằng giá trúng thầu thấp nhất và trượt. Nếu công ty con thứ hai của CJ chỉ cần nâng giá đặt lên một chút, họ có thể đã “ôm” trọn 14% cổ phần bán ra công chúng của Vissan.

CJ là một trong ba tổ chức đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Vissan với tỷ lệ cổ phần được mua tối đa 14%. Hai tổ chức còn lại là công ty Proconco và công ty Anco của tập đoàn Masan. Chưa biết cả ba sẽ trả giá nào, nhưng theo qui định về cổ phần hoá, giá bán cho đối tác chiến lược tối thiểu phải bằng giá IPO thành công, tức 80.053 đồng/cổ phiếu.

Nửa tỉ đô la Mỹ cho Vissan?

Giới đầu tư không ngừng tranh luận về Vissan những ngày qua. Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành thực phẩm nhận xét nếu các tổ chức trả giá 102.000 đồng/cổ phiếu để được làm cổ đông chiến lược Vissan, thì giá trị Vissan tính ra tới 370 triệu đô la Mỹ. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Masan cũng đã không ít lần trả giá cao cho các thương vụ M&A. Còn nếu đơn vị nào quyết tâm mua, nâng giá lên 135.000 – 140.000 đồng/cổ phiếu, giá trị Vissan sẽ tương đương nửa tỉ đô la Mỹ. Giả định thứ hai này không phải không thể xảy ra!

Nửa tỉ đô la Mỹ (trong trường hợp Nhà nước bán đứt 100% Vissan giá có thể còn cao hơn) cho một doanh nghiệp có doanh thu 4.000 tỉ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế 100 tỉ đồng, EPS dự kiến 1.236 đồng/cổ phiếu, tức chỉ số P/E 113 lần. Còn tính trên giá 102.000 đồng mà CJ đã trả, P/E cũng tới 97 lần. Đây có lẽ là P/E cao nhất thị trường hiện nay.

Ai bảo giá trị tài sản ở Việt Nam thấp, chắc sẽ phải thay đổi quan điểm khi nhìn vào trường hợp Vissan. Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty sản xuất thức ăn gia súc nhanh nhạy tính: “Nhà nước nên thành lập vài doanh nghiệp như Vissan, cổ phần hoá thu về không ít tiền”. Ông dự đoán sau Vissan, trào lưu chăn nuôi, chế biến thực phẩm chắc hẳn trỗi dậy mạnh mẽ, biết đâu không kém phong trào thành lập công ty chứng khoán, ngân hàng trước đây cũng nên!!!

Chuyện đầu tư

Ngày 10-3-2015 CJ tổ chức gặp gỡ giới truyền thông và tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay họ đã đầu tư 400 triệu đô la Mỹ, tức số tiền sắp đầu tư cao hơn số vốn đã bỏ ra trong 18 năm qua. CJ đã đầu tư những gì ở Việt Nam?  

Năm 2013 CJ mua toà nhà Gemadept trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 của của Công ty Gemadept với giá 45,5 triệu đô la Mỹ. Đình đám hơn cả là việc CJ mua chuỗi rạp Megastar (sau đổi tên thành CGV Cinema) từ công ty Envoy Media Partners trong liên doanh Công ty cổ phần truyền thông Megastar.

Trước đây Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC-Hose) nắm giữ 20% cổ phần trong liên doanh này và việc chuyển nhượng phần góp vốn của Phương Nam đã gây “sóng gió” trong đại hội cổ đông năm kia khi cổ đông chất vấn.

Ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, CJ thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri với ba nhà máy chế biến ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và trang trại nuôi heo ở Bình Dương. Trong bảng tổng sắp của ngành này, CJ Vina Agri đứng sau vị trí của CP Vietnam, Proconco, Anco hoặc Hùng Vương.... cho dù họ ra đời từ sớm. CP Vietnam đã qua mặt rất nhanh các đối thủ và chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Ở mức kinh doanh nhỏ hơn, CJ lập chuỗi cửa hàng bakery Tous Les Jours hay gần đây mua lại Công ty kim chi Ông Kim. Nhìn vào danh mục đầu tư của CJ, rất khó để khẳng định CJ chuyên về lãnh vực nào. Giám đốc một quỹ đầu tư ví von CJ giống như một cửa hàng bách hóa, cái gì có khả năng mang lại lợi nhuận là đầu tư.

Khoảng 5 năm trước, ngay khi TPHCM có chủ trương cổ phần hoá Vissan, CJ đã từng tiếp xúc và đề nghị hợp tác kinh doanh với Vissan nhưng khi đó không được chấp nhận, vì những điều kiện mà CJ đặt lên bàn cho Vissan không phù hợp. Vissan, như một lãnh đạo đã nghỉ hưu của công ty cho biết, cung cấp chừng 20% thịt heo hàng ngày cho người dân thành phố và luôn tham gia chương trình bình ổn hàng năm. Nói một cách khác, hoạt động của Vissan liên quan ở một mức độ nhất định đến lĩnh vực dân sinh thiết thực của mọi gia đình.

Chuyện tiền

Giá IPO thành công của Vissan đã gây bất ngờ cho thị trường. Giám đốc tài chính một công ty niêm yết nói bà rất muốn biết vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại trả giá cao đến thế?

Mua bán doanh nghiệp là chuyện thị trường. Giá cao/thấp cũng là chuyện thị trường. Ai có tiềm lực tài chính bỏ giá cao thì trúng, giá thấp thì trượt. Tuy nhiên, về phía Vissan điều kiện trở thành cổ đông chiến lược không phải chỉ có tiền là xong. Vissan nêu rõ trong bản công bố thông tin IPO rằng nhà đầu tư chiến lược phải có chức năng, ngành nghề kinh doanh phù hợp với công ty; có uy tín, năng lực nhằm mục đích tạo nên giá trị cộng hưởng để xây dựng chuỗi giá trị 3F “Từ trang trại đến bàn ăn”.

Giới tài chính thường nói gần như mọi thứ về doanh nghiệp đều có trong báo cáo tài chính. Chắc vậy. Theo báo cáo tài chính cho năm 2014 gửi kèm hồ sơ đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của CJ gửi cho Vissan (bản dịch tiếng Việt), doanh thu năm 2014 của công ty đạt 4.329 tỉ won (tỷ giá ngày 10-3-2016 : 1 đô la Mỹ = 1.206 won), tương đương 3,59 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức 4.514 tỉ won năm 2013.

Về lợi nhuận thuần năm 2014, CJ đạt 125 tỉ won (103,6 triệu đô la Mỹ), thấp hơn năm 2013 là 203 tỉ won (168,3 triệu đô la Mỹ). Tỉ suất lợi nhuận thuần trên doanh thu, như vậy, không thể nói là cao được.

Chọn đối tác chiến lược nào, quyết định thuộc về Vissan, nhưng kiểm tra hầu bao của người mua trước khi bán hàng dường như không phải động thái thừa. Tổng giám đốc một ngân hàng nói, bán cổ phần ở một góc độ nào đó, giống như cho vay với tài sản thế chấp là một căn nhà mặt phố ở vị trí đẹp. Cái cần nắm rõ là người vay có thật sự làm chủ căn nhà ấy, hay chỉ là người đi thuê?

Theo TBKTSG