Sắp triển khai cơ sở dữ liệu giúp tìm kiếm thông tin về liệt sĩ nhanh chóng nhất

VietTimes -- Hiện Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số VN đã hoàn thành phần mềm tích hợp tìm kiếm thông tin về liệt sĩ từ các CSDL của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ - TB&XH, dự kiến sẽ bàn giao CSDL này chậm nhất là 14/7/2017. Đây là CSDL đầy đủ nhất từ trước tới nay, giúp cho việc tìm kiếm nhanh chóng hơn.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT công bố tại cuộc họp báo công bố các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ do Ban Tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) vừa tổ chức chiều qua (10/7) tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong 70 năm qua, công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2002, cả nước đã xác nhận được trên 6 triệu người có công, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công, trong đó: liệt sĩ gần 1,2 triệu người (năm 2002 là khoảng 1,1 triệu người); Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 127.000 người (năm 2002 khoảng 42.500 bà mẹ); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động gần 1.300 người (năm 2002 là gần 1.200 người); Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh gần 800.000 người (năm 2002 là gần 400.000 người); người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gần 321.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy gần 111.000 người (năm 2002 khoảng 53.400 người)…

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Bộ trưởng Trương  Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai ứng dụng CNTT để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngay từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để bàn bạc, thống nhất phương án triển khai.
Theo đó, Bộ TT&TT đã giao cho Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam thuộc Bộ TT&TT làm đầu mối cùng với Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) khảo sát thực trạng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) để có kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy, các CSDL ở mỗi Bộ nêu trên thường xuyên biến động, bảo mật riêng và có sự trùng lặp, do vậy Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan để triển khai việc ứng dụng CNTT vào việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam thống nhất với Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng và Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB&XH triển khai từ 17/2 đến 30/5/2017 và đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan. Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã sử dụng siêu máy tính để chuẩn hóa các CSDL về thân nhân đã hy sinh từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) để đối chiếu, lọc dữ liệu chuẩn góp phần đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm tích hợp tìm kiếm thông tin về liệt sĩ từ các CSDL của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ - TB&XH (dự kiến sẽ bàn giao CSDL này cho các Bộ liên quan từ nay đến 14/7/2017), đây là CSDL đầy đủ nhất từ trước tới nay, giúp cho việc tìm kiếm nhanh chóng hơn.
Song song với đó là việc xây dựng trang thông tin tìm kiếm thông tin dựa trên việc tích hợp CSDL của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng để cung cấp cho các cơ quan chức năng thông qua công cụ tìm kiếm.
Đến nay, Bộ TT&TT đã giao cho Cục Thông tin cơ sở phối hợp với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, các doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội… để thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội lớn để thu hút nhiều thành phần tham gia tìm kiếm các thông tin về liệt sĩ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí mở đợt tuyên truyền cao điểm, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các hoạt động chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ; gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng cả trước, trong và sau dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Theo kế hoạch, chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ cấp Quốc gia sẽ bao gồm 18 hoạt động chính. Cụ thể, 

Ngày 26/7 tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ tặng bằng khen đối với 70 đại biểu, Bộ trưởng LĐ-TB&XH tặng bằng khen đối với 630 đại biểu.

Tối 26/7 sẽ diễn ra cầu truyền hình tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 4 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị và Thái Nguyên.

Sáng 27/7 diễn ra lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày thương binh liệt sỹ.

Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc; Tri ân liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia....

Đồng thời, các tỉnh, thành phố nơi có nhà tù của đế quốc (Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Sơn La...) căn cứ điều kiện cụ thể tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong nhà tù đế quốc; Chương trình đại hoa đăng trên sông Thạch Hãn...