Theo đó, đối tượng áp dụng cơ chế hỗ trợ này tại dự thảo là các tổ chức, cá nhân (chủ tàu) tàu cá vỏ thép hoặc các loại vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, bao gồm cả mua mới máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa phục vụ hoạt động khai thác hải sản.
Các chủ tàu được hỗ trợ theo nguyên tắc một lần đầu tư sau khi hoàn thành đóng mới tàu, mỗi tàu chỉ được hưởng một lần hỗ trợ khi đóng mới. Nếu có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thì chủ tàu chỉ được lựa chọn một chính sách hỗ trợ cao nhất.
Hiện, các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước với chủ tàu đang áp dụng theo nguyên tắc kéo dài suốt thời gian vay vốn (khoảng 16 năm) của chủ tàu. Với dự thảo thí điểm mới này, khi được ban hành, chủ tàu có thể nhận hỗ trợ một lần, tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng.
Đây có thể coi là thêm một lựa chọn hỗ trợ nữa của Nhà nước hướng tới ngư dân, nhằm khuyến khích ngư dân tập trung đóng tàu đánh bắt xa bờ, gia tăng hiệu quả khai thác thủy hải sản và khả năng bảo vệ vùng biển
Ngoài ra, chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ hướng tới một số đối tượng cụ thể để thực hiện cơ chế hỗ trợ một lần như tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn. Đồng thời cần đánh giá tác động và thực trạng vận dụng Nghị định 67 và Nghị định 89 trong khuyến khích phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ, để xây dựng Quyết định của Thủ tướng về hỗ trợ một lần cho chủ tàu được tốt, tránh việc các chính sách cản trở nhau trong khi thực hiện.