Được công ty tư vấn hàng không Skytrax (Anh) bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới sáu năm liên tiếp, sân bay Changi của Singapore đang theo đuổi mục tiêu tự động hóa sâu rộng để trở thành hình mẫu sân bay của tương lai.
Nhà ga số 5 – một cỗ máy tự động
Thử hình dung sân bay quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới sẽ tự động hóa sâu rộng ra sao khi một chiếc máy hạ cánh, nó sẽ được nhận dạng và giám sát bởi một loạt camera và công nghệ vượt trội so với tháp kiểm soát không lưu truyền thống. Vào đến cổng rồi, một chiếc thang được dẫn đường bằng laser sẽ tự gắn vào để hành khách rời máy bay. Các loại xe tự lái lo bốc dỡ hành lý bên dưới trước khi tránh đường cho các robot đưa các suất ăn và hành lý lên để chuẩn bị cho các chuyến bay tiếp theo.
Không quá chú ý đến chuyện “hậu trường” đó, các hành khách lúc này sẽ tiếp tục hướng về các cửa nhập cảnh tự động tích hợp sẵn công nghệ quét khuôn mặt và lấy dấu vân tay. Xong thủ tục nhập cảnh, họ lấy hành lý đã được đưa sẵn đến các băng chuyền. Sau cùng, họ chỉ cần gặp con người bằng xương bằng thịt một lần duy nhất, đó là các nhân viên hải quan. Sau đó, hàng khách có thể lần lượt xếp hàng chờ taxi không người lái đến đón.
Tháng 10 năm ngoái, Changi đã mở cửa nhà ga số 4 và thử nghiệm tại đó những trang thiết bị nhỏ nhất, tối tân nhất của họ để phát triển khả năng tự động. Mục đích của họ là để thử nghiệm và chuẩn bị cho nhà ga số 5 khổng lồ - một tòa nhà tự động hóa gần như toàn bộ, có thể tiếp đón lượng hành khách 50 triệu người/năm khi mở cửa vào năm 2020.
Khi đó, nhà ga số 5 sẽ trở thành một trong những nhà ga sân bay lớn nhất và được tự động hóa cao nhất trên thế giới. Hướng đi này nhận được sự tán đồng của ông Jeffrey Lowe, Giám đốc điều hành Tập đoàn Asian Sky ở Hồng Kông. Ông Lowe nhận xét: “Các sân bay ngày càng mở rộng và được hiện đại hóa để tiếp đón nhiều hành khách hơn. Muốn các hoạt động nhanh chóng và hiệu quả ở quy mô hành khách như thế thì chỉ có cách đẩy mạnh tự động hóa”.
Con đường như thế càng phù hợp với đảo quốc sư tử. Dân số nước này không chỉ già hóa mà còn không muốn làm những công việc tay chân như bốc dỡ hành lý hay đóng gói suất ăn. Tính cả các dịch vụ như bảo trì, hàng hóa, Changi và các doanh nghiệp hàng không liên quan đến sân bay này hiện thuê mướn tới 21.000 nhân công, đóng góp khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore. Hơn nữa, Singapore còn đối mặt sức ép duy trì vị thế dẫn đầu của Changi trong bối cảnh các nước láng giềng cũng tích cực nâng cấp và mở rộng sân bay của họ.
Thử nghiệm hàng loạt công nghệ
Theo hãng tin Bloomberg, Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) và các công ty nhà nước tại đây, như công ty dịch vụ mặt đất và cung cấp suất ăn cho chuyến bay SATS, đang hợp tác nâng cao khả năng tự động.
SATS hiện thử nghiệm loại xe điều khiển từ xa có thể thu gom hành lý từ máy bay và đưa đến khu vực xử lý trong vòng chưa đầy 10 phút. Một thử nghiệm khác của SATS là sử dụng đèn để sắp xếp lộ trình cho các xe đẩy tự động vận chuyển thức ăn. Mỗi xe có tải trọng lên tới 200 kg. Ông Alex Hungate, Giám đốc điều hành SATS, cho hay: “Hơn 1 tỷ người ở châu Á sẽ bay lần đầu tiên từ nay tới năm 2035. Tự động hóa sẽ giúp công ty phục vụ được nhiều khách hơn mà không phải thuê thêm lao động”.
Các bếp ăn của SATS hiện chuẩn bị gần 100.000 suất mỗi ngày ở riêng Singapore và gấp bốn lần con số trên cho toàn khu vực. Hiện họ còn chưa có robot nấu ăn thay cho người nhưng chỉ riêng hệ thống sắp xếp dao kéo đã đẩy năng suất tăng 36%. Dây chuyền đóng gói suất ăn tự động nay chỉ còn cần chín nhân viên vận hành toàn bộ công việc.
Trong khi đó, công ty công nghệ hàng đầu của Singapore là ST Engineering đang thử nghiệm các loại cầu thang tự động gắn vào cửa máy bay nhờ hệ thống laser và camera. Công nghệ tương tự cũng có thể áp dụng cho các thiết bị khác ở sân bay, như xe tải hậu cần. Bản thân CAAS hiện thử nghiệm “tháp thông minh” cho phép các nhân viên kiểm soát không lưu theo dõi máy bay thông qua camera kỹ thuật số hồng ngoại giúp tăng tầm nhìn trong điều kiện trời tối hoặc mù sương.
Dĩ nhiên, không phải chỉ Singapore thúc đẩy mô hình sân bay tự động hóa. London (Anh), Tokyo (Nhật Bản) và nhiều thành phố khác cũng đang muốn tự động hóa sân bay của mình, từ xe buýt tự lái cho nhân viên đến xe vận chuyển hành lý riêng… Sân bay The Hague ở Rotterdam (Hà Lan) dự kiến bắt đầu vận hành một hệ thống xử lý hành lý tự động trong tháng này. Tuy nhiên, sân bay Changi có lợi thế so với các đối thủ khác nhờ kinh nghiệm từ việc tự động hóa một phần nhà ga số 4 để ứng dụng cho nhà ga số 5. Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat từng nhận xét việc xây dựng nhà ga số 5 rất quan trọng với Singapore cho dù sẽ tiêu tốn đến hàng chục tỉ đô la Mỹ.
Theo TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/280852/san-bay-cua-tuong-lai.html