Thị trường smartphone Ấn Độ bị thống trị bởi các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ thay đổi điều này.
Vào hồi tháng 6/2020, một cuộc đụng độ ở biên giới giữa hai nước đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ trường hợp quân nhân tử vong nào. Đây là lần đầu tiên sau 45 năm một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước xảy ra và chúng ta không thể đoán trước được khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Trước cái chết của các binh sĩ, chính phủ Ấn Độ đang có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Ngày 30/6, nước này đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có ứng dụng nổi tiếng TikTok. Thị trường Ấn Độ chiếm hơn 30% tổng số lượt tải xuống trên TikTok. Lệnh cấm đã khiến TikTok thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, các thương hiệu smartphone Trung Quốc sẽ là “nạn nhân” tiếp theo trong cuộc xung đột này. Xiaomi hiện có 30% thị phần trên thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ. Vivo đứng thứ hai với 17% thị trường, Oppo (12%) và Realme (14%). Tổng công, các công ty Trung Quốc chiếm 81% doanh số điện thoại thông minh ở Ấn Độ.
Ngoài ra, các công ty đến từ các quốc gia khác như Apple chiếm 11% thị phần và Samsung (16%).
Ảnh: Phone Arena
|
Theo Neil Shah của công ty phân tích thị trường Counterpoint, ngay cả khi xu hướng tẩy chay Trung Quốc không dẫn đến nhu cầu smartphone giảm thì việc chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn vẫn có thể khiến các lô hàng điện thoại thông minh bị ảnh hưởng. Một ví dụ tiêu biểu là sản xuất iPhone của Apple tại Ấn Độ đã phải ngừng hoạt động do linh kiện điện thoại của hãng vận chuyển từ Trung Quốc sang bị chặn đứng tại các cảng ở Ấn Độ.
Trong khi đó, Samsung có chuỗi cung ứng đa dạng hơn, có khả năng sẽ vượt mặt Vivo để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai ở Ấn Độ. Thậm chí, nếu xung đột kéo dài, ngôi vương của Xiaomi cũng có khả năng bị lung lay.
Samsung vẫn không ngừng chạy đua giành giật thị phần tại Ấn Độ
Samsung rõ ràng đã bắt đầu tận dụng cơ hội này. Chỉ trong vòng 10 ngày, công ty đã ra mắt tới 4 model ở Ấn Độ. Ông Tarun Pathak của Counterpoint tin rằng công ty Hàn Quốc sẽ phải làm nhiều hơn thế để thu hút người tiêu dùng Ấn Độ, những người đang tìm kiếm một sự thay thế cho các thương hiệu Trung Quốc. Theo ông, Samsung nên đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến bởi đây đang là xu hướng chung trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Samsung đã đầu tư khá nhiều vào dòng điện thoại tầm trung của mình. Nhu cầu gia tăng ở Ấn Độ có thể sẽ tạo đà cho hãng đẩy mạnh hơn nữa.
Theo Phone Arena, Samsung sẽ sử dụng màn hình OLED của bên thứ ba cho một mẫu điện thoại mới để giảm chi phí. Đây sẽ là lần đầu tiên, Samsung sử dụng tấm nền từ một nhà sản xuất khác. Nó cho thấy công ty đang tích cực làm mọi thứ nhằm phát hành những chiếc điện thoại giá rẻ trong mục tiêu củng cố thị phần.
Dù sao đi nữa, cũng phải nói rằng Ấn Độ không thực sự tẩy chay Trung Quốc hoàn toàn. Nhiều người Ấn Độ kiếm tiền thông qua các ứng dụng Trung Quốc và các nhà sản xuất Trung Quốc cũng tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân Ấn Độ.
Theo Phone Arena