"Vì S-400 mà chúng tôi đang làm việc 7 ngày trong tuần", một trong những chuyên gia quốc phòng của xí nghiệp Globus (Ryazan) cho biết. Đây là một trong rất nhiều xí nghiệp thuộc dây chuyền sản xuất tên lửa phòng không nổi tiếng của tập đoàn Almaz-Antey.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có rất nhiều đơn đặt hàng mua các hệ thống mới nên dây chuyền sản xuất không kịp. Vì vậy, một nhà máy mới sản xuất loại tên lửa phòng không S-400, C-300 được khai trương tại Nizhny Novgorod. Hồi tháng Hai, một nhà máy khác chuyên lắp ráp tên lửa cho hệ thống phòng không hiện đại và tiên tiến cũng đã được khánh thành tại thành phố Kirov.
Công suất sản xuất tên lửa phòng không ngày càng tăng là kết quả của việc trong nước và ngoài nước có nhu cầu rất lớn về loại vũ khí này. Khách hàng nước ngoài nhận thức được rõ rằng Nga tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực hệ thống phòng không.
"…Bắt đầu bằng "Bão táp sa mạc", mối đe dọa chính đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và các công dân trên thế giới xuất phát từ bầu trời. Về sau, điều đó được xác nhận bởi các vụ đánh bom Nam Tư, cuộc xâm lược Iraq, Libya, và điều đó sẽ xảy ra ở Syria, nếu như chúng ta không phái lực lượng không quân, và sau đó là lực lượng phòng không tới đó", giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Ruslan Pukhov cho biết.
Các nước nào có thể gọi là khách hàng truyền thống mua các hệ thống phòng không "Made in Russia"? Theo ông Ruslan Pukhov, đặc điểm chung của các nước này là chính sách đối ngoại độc lập, khả năng thanh toán và nhận thức về chiến tranh trong tương lai. Trong danh sách này có các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Algeria, Iran. Nhưng cũng có những khách hàng bất ngờ: nước không giàu có như Uganda ở châu Phi hay Ai Cập đang trên bờ vực vỡ nợ cũng đã chi ngân sách không hề nhỏ để mua tên lửa phòng không của Nga.
Chiến dịch của Nga ở Syria chứng minh để khách hàng tiềm năng thấy rằng các phương tiện phòng không có vai trò to lớn như thế nào trong việc bảo vệ đất nước, chống các mối đe dọa từ bầu trời. Các tổ hợp S-400 của Nga được đưa đến Syria tuy chưa sử dụng, nhưng đó là một thứ "dây cương" đối với một số nước láng giềng quá hăng hái của Syria.
Còn một yếu tố quan trọng khác xác định sự quan tâm của khách hàng nước ngoài đối với hệ thống S-400, thậm chí phiên bản cơ sở cải tiến, là khả năng của nó "làm việc" với các mục tiêu đạn đạo.
Theo Sputnik