"Sau khi rút khỏi INF, chúng tôi đang xem xét về những điểm mà chúng tôi có thể tìm thấy cơ hội đầu tiên" - ông McCarthy nói - "Rõ ràng là tên lửa đạn đạo siêu thanh".
Ông McCarthy đã tiết lộ kế hoạch trên trong bài phát biểu về sự sẵn sàng cũng như những nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở thủ đô Washington hôm 20/8.
Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp ước INF 1987 vào ngày 2/8, chỉ vài tháng sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự định ngừng thực thi các cam kết theo thỏa thuận này. Mỹ cho rằng Nga đã thử nghiệm và triển khai các tên lửa hành trình bị cấm có tầm bắn hơn 500 km. Nga đã bác bỏ các cáo buộc trên và cũng rút khỏi hiệp ước trên.
Hiệp ước có từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đặt ra cho các bên quy định hạn chế về phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa mặt đất có tầm bắn trong khoảng từ 500 - 5.500 km.
Động thái mới của Mỹ xuất hiện chỉ vài ngày sau thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm trung từng bị cấm theo quy định của INF. Vụ phóng diễn ra ở ngoài khơi vùng biển của California hôm Chủ nhật tuần trước.
Cả Nga và Trung Quốc đều lập tức chỉ trích động thái này và cảnh báo Washington đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như toàn thế giới. Moscow khẳng định sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Moscow và Bắc Kinh đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn liên quan đến vụ thử vũ khí mới nhất của Mỹ cũng như những tuyên bố của Washington về các kế hoạch chế tạo, triển khai tên lửa tầm trung. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 22/8 theo hình thức mở và có báo cáo từ đại diện của Tổng thư ký LHQ.
Theo Sputnik