Các tổ hợp tên lửa chống tăng ATGM lần đầu tiên được phát triển và thử nghiệm ở Đức trên nền tảng tên lửa không đối không Ruhrstahl X-4 năm 1943 và 1944. Sau Đại chiến Thế giới thứ II, Pháp phát triển tổ hợp tên lửa SS.10 (MGM-21A) thành tổ hợp ATGM, lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh Israel lần thứ II năm 1956. Từ đó, các cường quốc quân sự đã phát triển 3 thế hệ ATGM khác nhau, sự tiến bộ của mỗi thế hệ chủ yếu là phương pháp dẫn đường, điều khiển và tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa.
Tên lửa chống tăng có điều khiển (MCLOS) ATGM được hầu hết các lực lượng tấn công mặt đất sử dụng, bao gồm bộ binh và các phương tiện tác chiến mặt đất và trên không. Cùng với sự phát triển của các máy bay cường kích chiến trường, ATGM trở thành vũ khí chủ lực của trực thăng tấn công, tiêu diệt và phá hủy các công trình phòng thủ vững chắc, tăng thiết giáp, xe cơ giới bọc thép. Hầu hết các đạn ATGM có tầm bắn từ 2.000m đến 5.000m. Một số hệ thống hiện đại ngày nay có phạm vi lớn hơn nhiều. ATGM Spike-ER do Israel phát triển có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách xa tới 8.000m.
Tất cả các ATGM hiện đại đều sử dụng đầu đạn hiệu ứng nổ lõm (HEAT) được thiết kế đặc biệt để xuyên giáp. Một số phiên bản đầu đạn, có hệ thống nổ kép được tối ưu hóa để xuyên qua giáp phản ứng nổ. Những loại vũ khí có khả năng tiêu diệt tăng thiết giáp cao nhất thuộc thế hệ III được thiết kế để tấn công mục tiêu từ trên nóc tháp pháo xuống, nơi thiết giáp thường mỏng hơn.
Các tên lửa ATGM thế hệ đầu tiên hoạt động theo nguyên tắc 'điều khiển đạn thủ công theo đường ngắm' (MCLOS). MCLOS yêu cầu xạ thủ săn tăng điều khiển tên lửa đến mục tiêu cần bắn. Tín hiệu điều khiển được gửi đến tên lửa thông qua một dây cáp kết nối đạn với thiết bị điều khiển.
Sau khi phóng tên lửa ATGM, xạ thủ phải nhìn thấy lửa tín hiệu đuôi tên lửa. Phụ thuộc vào kỹ năng thục luyện và các điều kiện môi trường như bụi hoặc địa hình phức tạp, phát hiện được tên lửa cần từ một đến vài giây. Hạn chế của kỹ thuật này là xạ thủ gặp khó khăn trong nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên cự ly gần (đến 400m) đến vị trí bắn, đòi hỏi phải được huấn luyện rất kỹ để thuần thục phóng tên lửa ATGM. Do phải ngắm bắn trực tiếp, xạ thủ cũng dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công trong khi dẫn đường tên lửa.
Các ATGM thế hệ đầu tiên được biết đến nhiều nhất là tổ hợp Nord Aviation SS.10 và 9M14 Malyutka do Liên Xô phát triển. Mặc dù có những nhược điểm đáng kể, ATGM thế hệ đầu tiên là loại vũ khí có hiệu quả cao, kích thước tương đối nhỏ gọn, trên chiến trường phá hủy nhiều tăng thiết giáp của đối phương.
Những tổ hợp tên lửa chống tăng ATGM thế hệ thứ hai hoạt động theo nguyên lý điều khiển bán tự động (nguyên tắc đường ngắm thẳng - SACLOS). Theo nguyên lý này, không cần điều khiển tên lửa bằng tay nhưng SACLOS vẫn yêu cầu người điều khiển duy trì đường ngắm vào mục tiêu cho đến khi tên lửa đánh trúng.
Tên lửa được điều chỉnh đường bay hoàn toàn tự động bởi thiết bị nhắm bắn và điều kiển. Tùy thuộc vào các chủng loại ATGM, tín hiệu dẫn đường được chuyển đến bộ điều khiển bằng dây cáp điện, radio hoặc tia laser chỉ thị mục tiêu.
Phương pháp SACLOS điều khiển tên lửa giúp giảm nhu cầu huấn luyện đào tạo kỹ năng của xạ thủ. Các tên lửa được hiện đại hóa và tăng cường phạm vi bắn hiệu quả lên đến 5.000m. Nhưng những giải pháp kỹ thuật này vẫn tồn đọng một nhược điểm, xạ thủ dễ bị tấn công do buộc phải duy trì đường ngắm cho đến khi đạn chạm mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa BGM-71 TOW của Mỹ, (tên lửa phóng bằng ống container vận chuyển, ngắm bắn quang điện tử), 9M133 Kornet của Liên Xô / Nga, MILAN của Pháp-Đức là những tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM thế hệ thứ hai, sử dụng rộng rãi ở Syria. Những tổ hợp tên lửa này được hiện đại hóa nhiều lần kể từ khi đưa vào biên chế. Các giải pháp tập trung vào bộ khí tài điều khiển và đầu đạn tên lửa.
ATGM thế hệ thứ ba đưa vào nguyên lý tự động hóa “bắn và quên” (FaF). Sau khi xác định mục tiêu cần tiêu diệt, tên lửa được phóng, không có hành động bổ sung nào cần thiết để dẫn đường cho tên lửa. Người điều khiển có thể tự do thay đổi vị trí của mình ngay sau khi bắn. Những thay đổi trong thiết kế của bộ phận điều khiển hỏa lực khiến những ATGM này nhẹ hơn nhiều so với các thế hệ trước. FGM-148 Javelin và Israel Spike của Mỹ là những ATGM được phương Tây đánh giá là thế hệ ATGM thứ ba.
Hầu hết các cường quốc công nghiệp quốc phòng ngừng sản xuất những tổ hợp tên lửa thứ nhất MCLOS do xác suất bắn trúng mục tiêu thấp, khai thác sử dụng đòi hỏi phải được huấn luyện chuyên sâu nhiều thời gian và dễ mất an toàn, tên lửa không có khả năng xuyên giáp hiện đại, kho dự trữ vượt nhu cầu huấn luyện và chiến đấu. Nhưng ở nhiều quốc gia, loại tên lửa này vẫn nằm trong biên chế do mua sắm trước đây hoặc chế tạo sao chép không bản quyền.
Chi phí của các tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển tùy theo các quốc gia sản xuất cũng khác nhau. Thông thường, giá thành của tên lửa tăng tương quan với sự phát triển về độ chính xác và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của tên lửa. Tên lửa Fagot (SACLOS) do Liên Xô thiết kế phát triển khoảng 4.000 USD. Konkurs, tên lửa chống tăng SACLOS hiện đại hơn cũng do Liên Xô phát triển có giá xấp xỉ 13.000 USD. Tên lửa TOW 2 của Mỹ có giá gần 60.000 USD và tên lửa FGM-148 Javelin có giá khoảng 174.000 USD.
Do giá thành thấp, các tổ hợp tên lửa chống tăng thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai được trang bị phổ cập nhất, tham chiến rộng rãi trong các cuộc chiến tranh gần đây. Trong cuộc chiến tranh ở Syria, tất cả các bên đều sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM thế hệ thứ nhất và thứ hai như Malyutka, Fogot, Metis, Kornet và TOW và những loại tên lửa do các nước khác sao chép sản xuất.
Quân đội Mỹ và CIA đã ồ ạt cung cấp cho các nhóm vũ trang nổi dậy bất hợp pháp ở Syria các tổ hợp chống tăng ATGM thế hệ thứ nhất và thứ hai với số lượng rất lớn, trong đó có hệ thống tên lửa chống tăng BMG-71 TOW. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan, có số lượng lớn các tổ hợp vũ khí chống tăng di động, thường xuyên sử dụng để tấn công tất cả các mục tiêu của đối phương, giành được ưu thế đáng kể trên chiến trường Syria.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan “nổi dậy” và thánh chiến, với nhiều loại tên lửa chống tăng khác nhau, phối hợp với pháo binh và các loại vũ khí đạn cối tự chế đã đẩy lùi thành công chiến thuật sử dụng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới của Quân đội Syria (SAA) trong những năm đầu cuộc chiến tranh.
Trình độ, năng lực tác chiến của các kíp xe tăng quân đội Syria rất thấp, không có liên kết phối hợp trong đội hình chiến đấu với bộ binh, nhưng yêu cầu sử dụng vũ khí, trang thiết bị hạng nặng trong điều kiện đô thị khiến lực lượng tăng thiết giáp tổn thất nặng nề. Các sĩ quan chỉ huy bắt đầu chuyển sang sử dụng xe tăng như hỏa lực đi cùng của một lực lượng bộ binh lớn, hoặc tương tự một tổ hợp pháo binh di động.
Với số lượng tên lửa chống tăng có điều khiển ATMG có nguồn cung lớn, sự suy giảm nặng nề các phương tiện tăng thiết giáp và chiến thuật khai thác sử dụng của quân đội Syria, các nhóm vũ trang nổi dậy bất hợp pháp đang có đủ nguồn lực để sử dụng ATGM tốn kém, không chỉ chống lại các thiết bị quân sự, mà còn chống lại các vị trí kiên cố, các tòa nhà và thậm chí cả các đơn vị bộ binh.
Cùng với các cuộc phục kích của mìn tự chế IED, các cuộc tấn công bằng ATGM thành thủ đoạn chính của chiến tranh du kích. ATGM được sử dụng tấn công các trạm kiểm soát, các đoạn xe cơ giới quân sự và thậm chí cả máy bay trên sân bay. Ưu điểm chính của ATGM so với IED là khoảng cách giữa xạ thủ và mục tiêu, sự linh hoạt khi có thể sử dụng ATGM tấn công nhiều loại mục tiêu cần tiêu diệt.
Quân đội Syria và các đơn vị quân tình nguyện, có được nguồn cung cấp gần như không hạn chế từ Iran và Nga, cũng sử dụng ATGM chống lại các mục tiêu của kẻ thù. Loại vũ khí này đặc biệt hiệu quả khi phải tiêu diệt và phá hủy các xe đánh bom tự sát (VBIED) của lực lượng Hồi giáo cực đoan khủng bố (thánh chiến).
Chiến thuật sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển tấn công kẻ thù trở thành một chiến thuật quan trọng trong cuộc xung đột, ngay cả khi giai đoạn tác chiến cường độ nhất của cuộc chiến đã kết thúc. Trong điều kiện chiến tranh hỏa lực từ chiến hào phòng ngự cường độ thấp trên khu vực phi quân sự Idlib - Hama, lực lượng Hồi giáo cực đoan và quân đội Syria đều sử dụng vũ khí chống tăng chống tăng tấn công các trận địa phòng ngự kiên cố và các mục tiêu di động (tập trung binh lực) của kẻ thù.
Mặc dù chi phí tên lửa có giá thành cao, chiến thuật ATGM chứng minh tính hiệu quả, đặc biệt là gây áp lực tâm lý lên đối phương, nhanh chóng phản ứng khi tình huống gia tăng căng thẳng trong một khu vực nhất định của chiến trường.
Chiến thuật sử dụng tên lửa chống tăng ATGM không chỉ diễn ra ở Syria. Trên chiến trường Donbass miền đông Ukraine, quân đội Kiev thường sử dụng ATGM tấn công các trận địa phòng ngự kiên cố và thậm chí là các mục tiêu di động, bao gồm cả tiểu tổ ít người của lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luganks tự xưng (LPR). Sự khác biệt giữa Ukraine và Syria là lực lượng DPR và LPR không có vũ khí trang bị nhiều như Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công theo cách tương tự.
Với phương thức sử dụng tên lửa chống tăng mới này, ATGM trên chiến trường trở thành một loại vũ khí chống tăng thiết giáp và sát thương binh lực đối phương hiệu quả.
Từ những năm 1980, trong các tiểu đoàn bộ binh và cơ giới quân đội Mỹ, được thành lập các trung đội được trang bị ATGM thế hệ thứ nhất. Thời gian sau, với sự phát triển tăng thiết giáp của Liên Xô, trong các tiểu đoàn bộ binh, trung đội tên lửa chống tăng hạng nặng có điều khiển được tổ chức thành đại đội chống tăng, thiết giáp (Đại đội E).
Vào cuối những năm 1980, hầu hết các tiểu đoàn bộ binh cơ giới và tăng thiết giáp được tăng cường đại đội tên lửa chống tăng có điều khiển (đại đội D). Từ năm 2005 - 2006, các tiểu đoàn cơ giới và xe tăng của Quân đội Mỹ được tổ chức lại thành các tiểu đoàn binh chủng hợp thành (CAB).
Quân đội Nga, từ năm 2010, mỗi đại đội bộ binh có một tiểu đội diệt tăng sử dụng ATGM 9 người. Mỗi tiểu đoàn bộ binh có một trung đội săn tăng . Nhưng tại thời điểm này, quân đội Mỹ có số lượng tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM hơn hẳn quân đội Nga.
Chiến thuật tác chiến tổng hợp các đơn vị hỏa lực cấp đại đội, tiểu đoàn và cao hơn đòi hỏi phải tích cực khai thác sử dụng các ATGM. Sự phát triển của các tổ hợp tên lửa chống tăng khiến vũ khí có hiệu quả tác chiến cao hơn, đơn giản hóa trong khai thác sử dụng. ATGM giúp các đơn vị có khả năng giải quyết được dải nhiệm vụ rộng hơn.
Trên chiến trường, các tổ săn tăng ATGM là hỏa lực đi cùng của các đại đội và tiểu đoàn, thường được sử dụng trên tuyến hai (độ sâu chiến thuật khoảng 150-300 m so với tuyến chiến đấu đầu tiên).
Tổ hợp vũ khí ATGM tiếp tục duy trì và phát triển với mục đích trọng tâm ban đầu là phá hủy tăng thiết giáp và xe cơ giới bọc thép. Các nhà phát triển hệ thống vũ khí chống tăng hiện đại đang tập trung vào điều chỉnh loại vũ khí này tiến công các mục tiêu kiên cố, phá hủy các hỏa điểm và tiêu diệt các mục tiêu không được bảo vệ như bộ binh trên khu vực mở .
Các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm đến khả năng cơ động mang vác của vũ khí, giảm thiểu chi phi khai thác sử dụng. Chính vì vậy, các phiên bản chống tăng nâng cấp như TOW và Kornet tiếp tục duy trì vị thế không thể thay thế trong các cuộc chiến tranh cục bộ. Các cường quốc quân sự cũng đẩy mạnh phát triển và sản xuất ATGM thế hệ thứ 3 theo nguyên tắc “trí tuệ nhân tạo” và “bắn – quên”.
Nhưng các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba có giá thành cao thường ưu tiên trang bị cho các lực lượng vũ trang của các cường quốc quân sự, trong các cuộc chiến tranh cường độ thấp như ở Syria và Ukraina, không sử dụng các ATGM siêu hiện đại.
Chiến thuật sử dụng ATGM tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau có giá trị quan trọng trong các cuộc chiến tranh và xung đột kéo dài, đặc biệt là các cuộc giao chiến từ những chiến tuyến gần như cố định. Trong tình huống này, sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển có hiệu quả tác chiến cao khi tấn công tiêu diệt các mục tiêu có giá trị lớn - gây nguy hiểm nặng nề trên chiến trường.
Những mục tiêu ưu tiên thường là các nhóm chống bắn tỉa hoặc bắn tỉa, các trận địa hỏa lực như súng máy hạng nặng, súng phóng lựu liên thanh, vị trí tập trung binh lực, sở chỉ huy tiền phương, v.v. Về cơ bản, vũ khí chống tăng có điều khiển ATGM, được sử dụng để chống các đơn vị bộ binh được coi là loại vũ khí đi cùng tiêu hao binh lực hoặc sinh lực đối phương trong cuộc chiến phòng ngự kéo dài. Tương tự như vậy, vũ khí chống tăng có điểu khiển thường xuyên được sử dụng để tiêu hao vũ khí trang bị, phương tiện chiến trang của đối phương trong tình huống đối đầu phòng ngự kéo dài.